Lúa Tím Việt Nam Nhuộm Tím Muang Khong

Giống lúa thuần Việt, có xuất xứ từ xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã nhuộm tím cả huyện Muang Khong, tỉnh Champasak, Lào.
Ngay cả chủ tịch huyện Muang Khong Sanan Siphaphommachan cũng không thể ngờ huyện ông có thể trồng được loại lúa nước này, mà là lúa chất lượng cao, xuất khẩu. Ông tâm sự với người Lào, từ xưa đến nay cơ bản trồng lúa nếp, tự cung tự cấp, không có mua bán. Do vậy ít ai trồng lúa nước, lại càng xa lạ với khái niệm trồng lúa hàng hóa. Trong khi đó, huyện Muang Khong nằm sát sông Mekong, đất đai phì nhiêu, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây lúa.
Đầu năm 2013, ông chủ tịch huyện gặp ông Quách Phi Long, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Bảo Ngọc - Bình Phước, đang tìm đất ở Lào để đầu tư về nông nghiệp. Thông qua Công ty LOKO của Lào, huyện Muang Khong đã dành cho ông Long 10.000ha đất, và ông Long đã dành ngay 100ha ở bản Muang Sen để bắt tay vào làm mô hình cho vụ đông xuân 2014.
Chủ tịch huyện Muang Khong khẳng định: Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 đã thật sự thành công. Vì vậy, vụ hè thu này, huyện Muang Khong sẽ cho triển khai trồng 1.000ha giống lúa này.
Có nghe ông Long kể về quá trình gần một năm cải tạo đất mới thấy giá trị của cây lúa nước ở đây. Công ty ông đã huy động hàng chục máy móc, thuê không biết bao nhiêu nhân công để cải tạo mặt bằng đồng ruộng, đào năm con kênh dẫn nước, mở ba con đường lớn phục vụ việc chăm sóc và thu hoạch lúa.
Cực nhất là mặt ruộng gồ ghề từ ngàn đời nay rất khó để cải tạo, có nơi máy phải gặm từng tí đất, từng gốc cây, tốn rất nhiều công mới tạo được mặt bằng. Những nơi không thể làm bằng máy thì thuê người cày, xới, trang, trục... Mồ hôi thành sông mới có nổi 100ha ruộng nước thế này.
Ông Long hớn hở nói với tôi: “Cứ như là trời giúp tôi vậy. Đang băn khoăn về giống lúa thì tôi đọc được bài “Người cựu binh và giống lúa màu tím” trên báo Tuổi Trẻ, nói rất rõ về giống lúa thảo dược của ông Phan Văn Hòa ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Thế là tôi khăn gói đi Nghệ An ngay. Rất nhanh chóng, tôi đã thỏa thuận mua lúa giống của ông Hòa và ông ấy đồng ý tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để chúng tôi sản xuất loại lúa thảo dược này tại Lào”.
Hội thảo về giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 (lúa màu tím) do huyện Muang Khong tổ chức vào sáng 23-5 thu hút rất đông quan khách và nông dân đến tham dự. Đặc biệt, một số cán bộ nông nghiệp của huyện Muang Mun hay tin đã vượt cả chặng đường dài tham gia.
Ai cũng rất hài lòng khi được diện kiến chính tác giả của giống lúa màu tím, nghe ông nói về xuất xứ chọn tạo, chất lượng gạo và giá trị xuất khẩu của giống lúa này.
Hội trường vang lên tiếng vỗ tay không ngớt khi tác giả của giống lúa thảo dược - ông Phan Văn Hòa - công bố sẽ mua cả rơm lẫn rạ: “Ở VN, chúng tôi đã mua cả rơm lẫn rạ đối với loại lúa này để sản xuất trà thảo dược. Mỗi hecta rơm rạ, nếu bà con sản xuất đúng quy trình thì sẽ được mua với giá 16 triệu đồng tiền VN. Như vậy, trồng lúa thảo dược thì nông dân sẽ bán được từ gốc đến ngọn”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp Hội thủy sản huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại.

Đầu năm 2013, cùng với các huyện: Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Thiệu Hóa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại 2 xã là Định Tường và Định Liên với hơn 3.500 con giống và hơn 20 hộ gia đình tham gia nuôi thử.

Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 10.000 lao động, được tổ chức thành gần 170 tổ đoàn kết sản xuất an toàn trên biển. Các tổ đoàn kết trên cơ sở quan hệ gia đình, bạn bè, cùng khai thác trên 1 ngư trường và giúp nhau tìm kiếm, cứu nạn.

Mới đây, khi về thăm làng nuôi gấu nổi tiếng miền Bắc là Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội), chúng tôi gặp bà Khuất Thị Lộc, 66 tuổi, ở khu 5, thị trấn Gạch, người đang “ôm” tới 7 con gấu ngựa, mới vỡ lẽ việc chăn nuôi các loài “đặc sản” của bà con nông dân hiện nay đang trong giai đoạn “lên bờ xuống ruộng”.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết sản xuất lúa Hè Thu và lúa mùa của các tỉnh phía Bắc giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng.