Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Hè Thu Trúng Mùa, Được Giá

Lúa Hè Thu Trúng Mùa, Được Giá
Ngày đăng: 18/07/2014

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã gieo sạ cho vụ thu đông, với diện tích khoảng 10.900 ha.

Vụ lúa hè thu năm 2014, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống hơn 25.000 ha, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích với năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Nhờ chủ động chọn giống lúa chất lượng cao, năng suất lúa tốt, giá bán ổn định nên hầu hết bà con nông dân đều có lãi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, toàn huyện thu hoạch vụ hè thu khoảng 18.000 ha, trong đó các xã Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình thu hoạch đạt 100% diện tích; Thạnh Thắng 74,5% diện tích; Thạnh Tiến 73,12%; thị trấn Vĩnh Thạnh 68,65%... dự kiến khoảng nửa đầu tháng 8 sẽ thu hoạch dứt điểm.

Năm nay phần lớn bà con nông dân chọn trồng các giống lúa OM 5451 và OM 4218, các giống lúa này cho năng suất tốt, bình quân 5,5 tấn/ha, vào vụ thu hoạch rộ giá bán lúa tươi tại đồng cho giống lúa OM 5451 là 4.900 – 5.000 đồng/kg và 4.700 – 4.800 đồng/kg giống OM 4218, lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Nông dân Lê Văn Hộ, ở ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vụ lúa hè thu năm nay, gia đình tôi chọn và trồng giống lúa 0M 5451.

Việc chọn giống lúa rất quan trọng, bởi trước đây khi sử dụng các loại giống chất lượng thấp, chẳng hạn IR 50404 giá cả đầu ra không ổn định, nên vụ lúa này gia đình tôi và hầu hết các hộ nông dân trên địa bàn đều chọn trồng các giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe và môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là việc chuyển từ loại thuốc gốc hóa học sang các loại thuốc sinh học. Vụ này có rất nhiều hộ đạt năng suất trên 10 tấn/ha, giá thu mua ổn định, 1 ha lúa trừ các khoản chi phí đầu tư còn lời khoảng 20 triệu đồng”.

Vụ hè thu 2014 huyện Vĩnh Thạnh đề ra mục tiêu tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao, có qui mô hàng hóa tập trung, lấy tổ hợp tác và xây dựng cánh đồng mẫu lớn làm mục tiêu nhằm giảm chi phí, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh hàng nông sản trên địa bàn huyện.

Cùng đó là việc tích cực chăm sóc, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa, quan tâm phòng chống hạn, chuẩn bị tốt khâu làm đất, đê bao.

Từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tập huấn cho nông dân lịch thời vụ, xuống giống tập trung, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất như: không bón phân xịt thuốc theo kiểu “trừ hao” để phòng ngừa sâu bệnh, thực hiện theo các quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới tiêu tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar…)… nhằm giảm các chi phí sản xuất.

Về cơ cấu giống, huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhân giống lúa cộng đồng; khuyến cáo nông dân hạn chế gieo trồng (không vượt quá 20%) giống IR 50404 mà chủ yếu tập trung trồng các giống lúa Jasmine 85, OM 4900, OM 4218, OM 5451, Cần Thơ 1 (OM 7347)…

Thực hiện nghiêm lịch xuống giống tập trung theo lịch thời vụ đã định nhằm tránh dịch bệnh, thu hoạch rải vụ để dễ tiêu thụ lúa hàng hóa.

Ông Phan Văn Năm, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Để vụ hè thu 2014 đạt hiệu quả năng suất cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ với ban ngành, đoàn thể các cấp nhằm tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt theo thời vụ để quản lý tốt dịch hại; tập huấn nâng cao nhận thức, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

Đồng thời, tổ chức điều hành, phát huy vai trò của cán bộ khuyến nông và cộng tác viên thăm đồng tại địa phương, hướng dẫn bà con nông dân biện pháp phòng trị và đánh giá hiệu quả theo hướng an toàn, sinh thái.

Trong vụ này, khoảng 80% diện tích gieo trồng trên toàn địa bàn huyện Vĩnh Thạnh là giống lúa OM 5451 và OM 4218, hai giống lúa này phù hợp với thời tiết vụ hè thu, cho năng suất cao, chất lượng tốt nên hầu hết bà con nông dân thu hoạch bán được giá.

Song song với công tác thu hoạch, những diện tích lúa đã thu hoạch xong vụ hè thu nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đang trong quá trình cải tạo đất hoặc đã xuống giống tiếp vụ thu đông năm 2014.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, dự kiến vụ thu đông huyện Vĩnh Thạnh xuống giống khoảng 10.000 ha nhưng đến nay, bà con nông dân đã gieo sạ được 10.900 ha.

Vụ lúa này được xem là khó khăn nhất trong năm do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, nên ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nông dân hạn chế gieo trồng, đặc biệt ở những diện tích thu hoạch lúa hè thu muộn không nên gieo sạ lại vì rất dễ bị ngập lũ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ hè thu này năng suất lúa bình quân của toàn thành phố đạt 5,9 tấn/ha, cao hơn mức dự kiến 0,3 tấn/ha.

Ước sản lượng cả vụ đạt gần 480.000 tấn, cao hơn mức dự kiến 30.000 tấn. Để đạt được kết quả trên, TP Cần Thơ đã áp dụng các biện pháp hoàn thiện hệ thống thủy lợi, sử dụng giống tốt và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trước thời điểm gieo sạ lúa hè thu, TP Cần Thơ đã nạo vét, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng tại các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh để bảo đảm chống hạn đầu vụ, chống úng cuối vụ tốt, đồng thời cung cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích lúa đã gieo sạ.

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đưa nhiều giống lúa mới, phẩm chất gạo tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất; cân đối tỷ lệ trồng các giống lúa thường và lúa chất lượng cao trên đồng; tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo khoa học của ngành nông nghiệp như làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đồng loạt, né rầy, đúng lịch, áp dụng “4 đúng” trong phòng trừ sâu bệnh, thâm canh tổng hợp, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón phân cân đối trong quá trình sản xuất, nhờ đó lúa phát triển tốt, diện tích lúa nhiễm sâu rầy không nhiều.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị tốt cho vụ tôm hè Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị tốt cho vụ tôm hè

Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), diện tích nuôi tôm trên toàn huyện chủ yếu tập trung ở 3 xã Hải Lạng, Đông Ngũ và Đông Hải. Trong đó so với năm 2014, trong khi diện tích nuôi ở xã Hải Lạng giữ nguyên như cũ là trên 680ha thì ở 2 xã còn lại đều tăng mạnh: Đông Ngũ tăng gấp 3 lần với 28ha; Đông Hải tăng gấp 10 lần với 100ha.

21/04/2015
Thủy sản Cà Mau kỳ quyết với những giải pháp Thủy sản Cà Mau kỳ quyết với những giải pháp

Quý I, tổng sản lượng thủy sản đạt 130 ngàn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay là 8.707ha, tăng 556ha so với đầu năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 174 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ.

21/04/2015
Chuyện nuôi bò sữa ở vùng đất thép Củ Chi Chuyện nuôi bò sữa ở vùng đất thép Củ Chi

Chuyện chỉ có ở Củ Chi: "ép" nông dân tiêm phòng cho bò thì mới thu mua sữa; ai nuôi bò nhiều được hỗ trợ tiền làm chuồng, hầm bi-ô-ga; hỗ trợ 50% kinh phí khi người nuôi bò mua máy vắt sữa, máy cắt cỏ...

21/04/2015
Sản lượng vú sữa ước đạt hơn 100 tấn Sản lượng vú sữa ước đạt hơn 100 tấn

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang), năm nay 20 ha vú sữa ở xã Hợp Đức cho sản lượng ước đạt hơn 100 tấn.

21/04/2015
Cách phòng, trị dừa bị nứt trái Cách phòng, trị dừa bị nứt trái

Bệnh viện cây ăn quả ĐBSCL (Sofri) cho biết: khi thấy trái dừa nứt trên cây hay thấy trái rụng, lấy dao bằm vỏ thấy khu vực đầu trái có nhiều vết thâm đen là do nấm đã tấn công vào mầu dừa (đài trái nằm giữa cuống và trái).

21/04/2015