Lúa hè thu khó trăm bề

Hiện giá lúa tươi giống IR 50404 được nông dân bán cho các thương lái tại ruộng có giá từ 3.800 đến 4.100đ/kg, giảm từ 200 - 300đ/kg so với đầu vụ. Các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao cũng giảm theo với mức trên dưới 200đ/kg so với đầu vụ.
Theo các thương lái, nguyên nhân giá lúa giảm không phải là do giá gạo bán ra giảm mà do mưa nhiều làm cho tỷ lệ hao hụt cũng như chi phí phơi sấy tăng cao, chất lượng lúa bị giảm.
Mặt khác, do mưa diễn ra mấy ngày đúng vào thời điểm nông dân thu hoạch rộ, nhu cầu bán lúa của nông dân tăng cao đã làm cho giá lúa sụt giảm.
Anh Huỳnh Văn Vũ, ở ấp Hiếu Hòa B, xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) vừa thu hoạch được 5 công lúa hè thu buồn bã: “Lúa đã tới lúc cắt nhưng mưa gió hoài không kêu máy vào thu hoạch được. Diện tích lúa đứng thì đỡ, còn lúa đổ ngã sắp lên mộng rồi. Vụ này nếu trúng thì cũng được 15 bao, còn lúa đổ ngã thì cao lắm 12 – 13 bao.
Đã vậy giá lúa lại giảm, chủ vựa chỉ trả giá 3.700đ/kg lúa tươi, nếu không bán thì người ta bỏ luôn, nên đành phải bán chứ thời tiết mưa gió phơi cũng không khô nổi!”.
Còn bà Trần Thị Hắc Nhỏ, ở ấp Hiếu Thọ, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm cho biết, cách đây hơn một tuần thương lái mua lúa IR 50404 từ 4.200 – 4.300đ/kg, nay chỉ còn 3.500 – 3.800đ/kg, mà năn nỉ họ còn chưa thèm đến mua. Nhiều hộ đã thu hoạch trước đó nhưng vẫn chưa bán được, đang bị các thương lái ép giá.
“Hợp đồng kêu bán từ ngày 24/6 với giá 4.100đ/kg nhưng đến nay đã quá hạn gần 1 tuần vẫn chưa bán được. Chờ mãi không thấy đến cân, có lẽ họ bỏ tiền đặt cọc luôn. Lúa để lâu sợ hư nên tôi phải thuê người sấy, rồi tìm chủ khác bán, tính ra vụ này gia đình tôi lỗ gần 10 triệu đồng cho 8 công lúa hè thu”, bà Nhỏ bức xúc.
Nguyên nhân giá lúa giảm do mưa nhiều, chi phí phơi sấy tăng cao, chất lượng lúa bị giảm
Hiện nay tình hình XK gạo gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các DN đang ngừng mua hoặc mua lúa cầm chừng để chờ giá lên, dẫn đến việc thương lái thừa cơ hội ép giá người nông dân. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết, giá lúa hiện nay đang giảm là do nông dân thu hoạch rộ đúng dịp mưa nhiều, nhu cầu bán lúa tăng cao, trong khi năng lực thu mua, phơi sấy của các thương lái và các nhà máy có hạn nên giá lúa giảm là chuyện bình thường.
Đến thời điểm này, lúa hè thu của tỉnh Đồng Tháp thu hoạch đạt từ 60-70%/190.000 ha tổng diện tích xuống giống toàn tỉnh. Hiện lúa tươi IR 50404 được thương lái mua tại ruộng chỉ còn 3.800-3.900đ/kg, giảm 300đ/kg so với thời điểm cách đây khoảng 10 ngày. Còn các giống lúa hạt dài có giá từ 4.300-4.600đ/kg.
Còn tại TP. Cần Thơ, nông dân đã thu hoạch được khoảng 50.000 ha, chiếm gần 2/3 tổng diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ từ 150 đến 200kg/ha.
Mặc dù giá lúa sụt giảm, song do đạt năng suất khá cao nên nhiều nông dân Cần Thơ vẫn có lãi ở mức thấp. Dự kiến đến đầu tháng 7, nông dân sẽ cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa hè thu.
Ngoài gặp khó khăn về giá lúa, vụ này nông dân ĐBSCL còn phải đối mặt với giá thuê mướn nhân công thu hoạch tăng cao. Hiện tại, nếu thu hoạch bằng máy có giá từ 290.000-300.000đ/công (tùy theo lúa đổ ngã ít hay nhiều), tăng gần 20.000đ/công so với cách đây mấy ngày.
Còn cắt bằng tay có giá từ 300.000- 450.000đ/công, nếu tính luôn tiền trâu kéo, máy suốt thì tổng chi phí thu hoạch gần 600.000đ/công. Vì thế người trồng lúa thiệt đơn thiệt kép.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay các DN đã ký hợp đồng XK được gần 3,3 triệu tấn gạo, giảm hơn 18% so với năm ngoái. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá lúa.
Có thể bạn quan tâm

Nhưng cá cơm Mũi Né vẫn được nhiều người ưa thích. Nhiều năm nay, cá cơm khô Mũi Né không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất qua Trung Quốc, Đài Loan… Gần đây, một số thương nhân Hàn Quốc sang tận Phan Thiết đặt vấn đề mua cá cơm Mũi Né.

Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi ếch lai kết hợp nuôi cá trê vàng trong mùng lưới. Mô hình thực hiện thí điểm tại 2 xã Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú.

Trước đây, dù không phải là sản phẩm khai thác chính nhưng ở Cà Mau sản lượng cá sặt bướm (cá sặt) cũng đạt hàng trăm tấn mỗi năm dưới dạng mắm đồng, khô sặt. Đó là chưa kể bán cá tươi ở các chợ và dùng trong gia đình nông thôn hàng ngày.

Xã An Ngãi (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 230ha đất nuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn hải sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm đã làm cho tôm bị thiệt hại nặng, khiến người nuôi trồng không mặn mà đầu tư nuôi tôm mà chuyển sang nuôi thử nghiệm giống cá mú.

Theo anh Phan Thành Thơ, ngụ ấp 3 – xã Vĩnh Xương, là một trong những hộ có trên 7 năm kinh nghiệm nuôi trăn cho biết: ban đầu anh nuôi thử nghiệm 2 con trăn giống, thấy trăn dễ nuôi, chi phí thấp, nhưng cho lợi nhuận cao. Sau đó, anh quyết định đầu tư vào nuôi trăn, đến nay đàn trăn của anh Thơ đã lên đến dài chục con.