Lúa gạo tăng giá thương lái khó thu mua

Thương lái kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL cho biết, thị trường lúa gạo trong vùng như lên cơn sốt. Lúa lên giá khi hay tin gạo hút hàng xuất khẩu, tăng thêm bình quân 100-200 đồng/kg.
Các chủ ghe đi về vùng đồng xa thu mua lúa Thu Đông ở các huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang) và An Giang cho hay, lúa càng lên giá càng khó mua, do tâm lý nông dân ngóng chờ giá lên nữa.
Hiện nay bất ngờ là lúa IR50404 được tiêu thụ mạnh.
Tại Cần Thơ thương lái thu mua lúa tươi IR 50404 giá 4.200 - 4.300 đồng/kg, lúa khô 5.100 - 5.300 đồng/kg. Lúa hút theo giá gạo lứt nguyên liệu đang lên mức 6.450-6.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so cách đây hơn 1 tuần, do cần nguồn cung chế biến gạo xuất khẩu 25% tấm.
Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng thêm bình quân 100-200 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các giống lúa hạt dài như OM 5451, OM 2517 cũng tăng giá, lúa tươi 4.500-4.800 đồng/kg, lúa khô 5.400-5.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.
Tăng mạnh nhất là giống lúa RVT ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu. Vào đợt mưa bão vừa qua giá lúa RVT rớt mạnh còn 4.300 đồng/kg vì xay ra gạo bán không ai mua.
Nhưng hiện thời giá lúa RVT tăng lên 5.600 đồng/kg vẫn hút hàng.
Thương nhân kinh doanh lúa gạo trong vùng dự đoán, tiếp theo hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines, gạo Việt Nam lại trúng thầu xuất khẩu sang Indonesia 1 triệu tấn, mở ra cơ hội xuất khẩu tăng trở lại từ nay đến vụ Đông Xuân. Trong khi đó nguồn cung lúa Thu Đông đang giảm dần do thu hoạch cuối vụ và giá lúa sẽ tiếp tục có lợi cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Với cách làm nêu trên, thời gian qua huyện Quang Bình đã có những "bước đi" rất quyết đoán trong việc lãnh, chỉ đạo người nông dân phát triển sản xuất dựa trên những thế mạnh sẵn có của vùng theo mô hình cánh đồng mẫu "5 cùng", gồm: Cùng thời gian, cùng thời điểm, cùng giống, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch.

Từ vụ lúa Hè thu năm 2011, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) ở địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Cầu Ngang, với tổng diện tích hơn 2.700 hec-ta (ha); trong đó, diện tích mỗi mô hình từ 300 - 500ha. Qua các vụ sản xuất cho thấy, để CĐML ngày càng được mở rộng thì vấn đề đặt ra là giữa các “nhà” cần tạo dựng niềm tin lẫn nhau thì mô hình mới thật sự bền vững và lan rộng.

Ngày 21.6, tại xã Hoài Thanh Tây, Ban quản lý Dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh, phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Với hơn 30 công ruộng, nhà lại ít người làm, nên hầu như vụ nào, gia đình ông Trần Din ở ấp Trà ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng phải tốn rất nhiều chi phí mướn nhân công, từ khâu gieo sạ, cấy dặm, bón phân đến phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.

Với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thanh long. Hiện nay, bằng phương pháp chong đèn kích thích ra hoa rải vụ nên người dân đã chủ động được thời gian thu hoạch, cung cấp cho thị trường quanh năm.