Lúa Gạo Miền Tây Sôi Động

Những ngày qua thị trường lúa gạo ở ĐBSCL đang biến động do tác động xuất gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo thương lái và DN buôn bán lúa gạo trong vùng, gạo xuất tiểu ngạch giống như sự khuấy động thị trường, chỉ lợi trước mắt chứ không phải là cách làm ăn lâu bền.
Thị trường sôi động
Phải thừa nhận rằng, từ sau khi thu hoạch lúa vụ ĐX thị trường tiêu thụ lúa gạo được gỡ khó bằng kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ đã giúp khơi thông dòng chảy lúa gạo trong vùng ĐBSCL.
Tiếp đến 2 tháng gần đây, song hành cùng với những hợp đồng XK gạo sang thị trường Philippine của các DN thì thương lái Việt nhận đặt hàng từ tương nhân Trung Quốc xuất theo đường tiểu ngạch đã góp phần tác động đến lúa gạo hàng hóa trong vùng. Song, từ sau khi vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa thuộc vùng biển Việt Nam, có những lúc thông tin gây nhiễu loạn, khiến giá lúa gạo lên xuống bất thường.
Anh Phan Công Tương, thương lái thu mua lúa, có đội ghe vận chuyển lúa từ vùng sâu về khu vực các nhà máy xay xát quanh khu vực Ô Môn, Thốt (Cần Thơ) nói: "Mấy tháng trước đây, một số chủ nhà máy xay xát thu mua gạo từ chỗ cung ứng gạo XK cho DN đã chuyển sang bán trực tiếp cho thương lái làm trung gian cho thương nhân Trung Quốc.
Dạo đó giá “nóng” lên thấy rõ. Rồi trước tin đồn thổi quanh chuyện Trung Quốc gây hấn trên biển Đông và sẽ “đóng cửa” khiến giá lúa, gạo chùng xuống. Thế nhưng trong hơn nửa tháng qua, chủ nhà máy lại đặt hàng thương lái.
Chúng tôi mua lúa về xay ra gạo bán cho chủ nhà máy. Chuyện chủ nhà máy bán gạo cho thương lái xuất bán tiểu ngạch, họ không hé môi cho thương lái biết. Nhưng họ mua giá cao từ bằng cho tới hơn giá các DN thu mua XK, với hai mặt hàng gạo thơm nhẹ Jasmine và gạo ngang từ giống lúa IR50404"...
Ông Lê Văn Liệt, thương lái ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết: Hai ba năm trước một số DN thu mua lúa gạo ở miền Tây đã từng làm ăn buôn bán gạo với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, mọi chuyện diễn ra bình thường.
Đặc biệt trong năm nay, các thương lái lại đổ xô vào các kho lương thực trong vùng mua gạo với số lượng tăng đột biến. Họ chấp nhận thu mua lúa gạo với giá cao hơn hẳn giá trong nước từ 1.000-1.500 đ/kg. Chẳng hạn, với loại gạo 5% tấm, trong nước đang có giá 9.500 đ/kg, họ sẵn sàng mua với giá 10.500 đ/kg, thậm chí 11.000 đ/kg với lời hứa “bao nhiêu cũng mua”.
Thú thật là nhìn cách buôn bán với Trung Quốc rất lo, rủi ro cao vì không biết họ có thể hủy hợp đồng bất cứ lúc nào.
Vẫn âu lo...
Anh Lê Thanh Thắng, chủ DN xay xát lúa gạo Thắng Lợi ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) có cách nhìn thực tế: Hiện thời lúa gạo Việt dư thừa, an ninh lương thực đảm bảo, nếu xuất sang Trung Quốc thấy có lợi thì ta làm hàng bán, nếu bất lợi thì Nhà nước cần có biện pháp hạn chế.
Hiện nay từ Ô Môn đến huyện Thới Lai, các nhà máy thu mua lúa gạo đang tập nập trên bến dưới thuyền, gạo chủ yếu bán cho thương nhân Trung Quốc. Trước đây bình thường nhà máy Thắng Lợi xay xát 200 tấn/ngày, nhưng hiện thời phải tăng công suất chạy ngày đêm 250-300 tấn/ngày.
Chị Hồ Thanh Hà, thương lái lúa ở huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: "Từ 2 tháng qua tôi được một DN ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú báo tin đặt hàng làm theo hợp đồng bán gạo cho Trung Quốc với số lượng lớn. Trong thời gian đó DN thu mua mỗi kg giá cao hơn vài chục đồng so với giá thị trường nên tôi đi chuyến nào cũng có lời.
Thậm chí có những lúc thương lái Trung Quốc sang ký hợp đồng với DN tại địa phương mua toàn là gạo IR 50404, có lúc mua gạo dài pha trộn 15-20% tấm. Nhưng quả thật là làm ăn với Trung Quốc vẫn thấy lo lo...".
Trò chuyện với một ông chủ DN kinh doanh lương thực ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), ông này nhận xét: Vừa rồi có thương lái Trung Quốc đến tận kho yêu cầu được cung ứng hàng từ 10.000-20.000 tấn theo hợp đồng giao trong vòng 2-3 tháng (loại 5% tấm).
Thậm chí, họ còn thuê tàu của thương lái địa phương đi mua lúa gạo với giá cao để chở ra phía Bắc rồi sang tàu. Cộng thêm tác động tình hình lúa HT chưa vào mùa rộ (ngoại trừ một số địa phương gieo sạ sớm), nên thiếu nguồn cung khiến giá lúa hiện thời “phóng” lên: Lúa tươi giống IR50404 giá 4.300-4.400 đ/kg, giá gạo trên 7.000 đ/kg; lúa dài thường 4.700-4.800 đ/kg, mỗi loại đều tăng tăng 200-400 đ/kg so với nửa tháng trước...
Tuy chưa có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc đã có sự tác động nhất định lên giá cả lúa gạo trong vùng, lợi trước mắt đã nhìn thấy rõ, nhưng không biết có lâu bền hay không?
Có thể bạn quan tâm

Xác định đậu phụng là cây hoa màu ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao nên huyện Nông Sơn khuyến khích bà con nông dân tăng cường thâm canh, mở rộng diện tích, đặc biệt là trên những diện tích đất lúa không thuận lợi nguồn nước tưới.

Canh tác nương rẫy vốn là tập quán sản xuất lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với đó là tình trạng du canh du cư, phát rừng làm rẫy một cách tự phát đã làm cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ… là những gì ông Nguyễn Hữu Nguyên (thường gọi ba Nghiệp), “đại gia” nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang), đúc kết được sau nhiều chuyến học tập ở nước ngoài. Theo ông, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cá tra Việt Nam sẽ khó tồn tại và cạnh tranh với thế giới.

Không ai biết rõ con nghêu xuất hiện ở vùng biển Gò Công từ bao giờ, chỉ biết những năm trước đây, nhiều người đã khai thác và làm giàu từ nó. Chính vì nguồn lợi quá dồi dào nên nhiều người đã ví các sân nghêu như mỏ “vàng trắng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại đau đáu nỗi lo mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí bạc đầu vì nó.
Được cán bộ nông nghiệp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát trải bạt của anh Lê Văn Nhất ở thôn Hòa Thạch.