Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Đông Xuân Rớt Giá Thương Lái, Nông Dân Đều Lao Đao

Lúa Đông Xuân Rớt Giá Thương Lái, Nông Dân Đều Lao Đao
Ngày đăng: 13/03/2014

Trong khi bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông xuân, thì bất ngờ giá lúa giảm mạnh trong những ngày gần đây, còn thương lái lại “bỏ của chạy lấy người” đã khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.

Giá lúa giảm nhanh

Nếu như nông dân thu hoạch lúa Đông xuân sớm (từ đầu tháng 3 trở về trước) vui mừng vì bán được giá cao, lợi nhuận lớn, thì hiện nay có không ít người đang rất lo lắng vì giá lúa liên tục giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn. Nếu so với cách đây chừng 1 tháng, giá lúa đã giảm gần 1.000 đồng/kg.

Ông Toàn, một thương lái thu mua lúa ở thành phố Vị Thanh, cho biết: “Giá lúa giảm đến nỗi cánh thương lái chúng tôi còn trở tay không kịp, huống hồ gì nông dân. Mấy ngày trước đặt cọc hợp đồng mua lúa của dân với giá 4.500-4.600 đồng/kg (giống IR 50404), mà giờ chỉ còn 4.200 đồng/kg, mua xong hợp đồng lần này cầm chắc lỗ vài chục triệu đồng. Giải pháp bây giờ là gặp nông dân rồi năn nỉ họ giảm được đồng nào hay đồng đó”.

Qua ghi nhận của chúng tôi (PV), hiện giá lúa giảm mạnh chủ yếu ở những giống có phẩm cấp gạo thấp, điển hình là IR 50404, còn các giống hạt dài, phẩm cấp gạo tốt tuy có giảm nhưng không đáng kể. Hiện giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.100-4.200 đồng/kg lúa tươi, nhưng các giống lúa hạt dài đang ở mức từ 4.600-4.700 đồng/kg. Ông Lê Văn Sáng, nông dân ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Lúc này chỉ có những hộ trồng lúa hạt dài mới có được đồng lời tương đối, riêng những hộ canh tác lúa IR 50404 như tôi nhờ năng suất năm nay tương đối đỡ, nên khả năng phá huề, ai có diện tích đất nhiều cũng chỉ kiếm lời chút đỉnh”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong tổng số hơn 77.000ha lúa Đông xuân vụ này của tỉnh, thì có khoảng 35% nông dân canh tác giống IR 50404. Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền vận động để người dân hạn chế gieo sạ giống IR 50404, nhưng diện tích canh tác giống này vẫn còn nhiều. Trước tình hình giá lúa bấp bênh như hiện nay, hy vọng rằng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc hướng đến các giống lúa chất lượng.

Với việc giá lúa đang ở mức thấp, nhiều nông dân đành chọn một trong hai phương án mang lúa về phơi và trữ chờ giá hoặc bấm bụng bán với giá rẻ. Anh Lê Văn Tâm, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy vừa thu hoạch xong gần 1ha lúa (giống IR 50404), tuy năng suất đạt tới 1,3 tấn/công, cao hơn 300 kg/công so với cùng kỳ, nhưng trong lòng anh cũng chẳng thấy gì làm vui, bởi bán lúa với giá thấp.

Anh Tâm bộc bạch: “Đầu vụ, giá 4.600-4.700 đồng/kg thấy ham, tới mình cắt chỉ còn 4.200 đồng/kg. Biết rằng bán giá này sẽ không có lợi nhuận bao nhiêu, nhưng cũng phải chấp nhận, vì còn phải trả tiền nợ mua phân, thuốc, rồi tiền máy cắt, nhân công và còn tiền chuẩn bị đầu tư cho vụ Hè thu tới”.

Bà Nguyễn Thị Út, Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Đại Phát, ở huyện Châu Thành A, cho hay: “Theo thông tin tôi được biết, giá lúa giảm có thể là do nguồn cung trong nước tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầy kho nhưng tình hình xuất khẩu chậm, việc ký hợp đồng xuất khẩu mới ít vì chịu áp lực cạnh tranh từ Thái Lan và Ấn Độ”. Cũng theo nhận định của bà Út, giá lúa sẽ giữ ở mức này và kéo dài trong khoảng 10 ngày tới, sau đó sẽ tăng nhẹ trở lại khi các doanh nghiệp ký được các hợp đồng xuất khẩu mới.

Gọi thương lái “ò í e”

Theo nông dân trồng lúa ở các địa phương, hiện có rất nhiều thương lái đã “bỏ của chạy lấy người” sau khi giá lúa rớt quá nhanh. Họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc chứ nếu mua vào sẽ càng lỗ nặng vì mua xong phải sấy, rồi xay xát để bán, mất thêm mấy ngày nữa, trong khi chẳng biết giá lúa có còn giảm nữa hay không.

Ông Nguyễn Văn Nhứt, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi đã nhận tiền cọc của một thương lái 3 triệu đồng/ha, với giá lúa IR 50404 được thống nhất là 4.570 đồng/kg. Đã qua 2 ngày, tôi gọi điện cho thương lái cả chục lần để nhắc hôm nay (10-3) thu hoạch lúa, thì chỉ nghe điện thoại kêu “ò í e”.

Tình cảnh tương tự, ông Trần Văn Son, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, bức xúc nói: “Tui có 1,7ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, thương lái lại đặt cọc 2 triệu đồng rồi hẹn ngày tới chở lúa. Bất ngờ giá lúa giảm, họ tắt điện thoại bỏ chạy khiến gia đình tôi “chết đứng” vì phải thuê mướn nhân công phơi, vận chuyển mà không biết bao giờ mới bán được lúa”.

Đó là 2 trong số nhiều trường hợp nông dân trên địa bàn tỉnh bị thương lái “bỏ của chạy lấy người”, còn một số bà con có được may mắn hơn khi thương lái đến mua thì cũng chấp nhận bán với giá bằng thị trường, mặc dù trước đó đã lấy tiền cọc cao hơn. Riêng những hộ chưa nhận tiền cọc thì việc kiếm được người để bán lúa trong lúc này quả là một chuyện khó nhọc, cho dù lúa đã chín vàng ngoài đồng.

Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, than: “Vào đầu vụ lúa có giá, “cò lúa” chạy dập dìu tìm nông dân bán lúa, đến khi giá giảm thì chẳng thấy bóng “cò” ở đâu. Lúa của tôi cũng như bà con nơi đây đã đến ngày thu hoạch, nhiều lần chạy đôn chạy đáo kiếm người để bán nhưng chẳng có ai mua. Hiện nông dân rất lo lắng vì sợ càng để lâu lúa càng sụt giá”.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ lúa Đông xuân với diện tích gần 14.000ha trên tổng số hơn 77.000ha đã gieo sạ. Mấy ngày nay, giá lúa giảm liên tục nên xảy ra tình trạng thương lái bỏ tiền đặt cọc, người nông dân thiệt hại khá lớn. Hiện ngành nông nghiệp đang chờ chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ, khi có chỉ tiêu sẽ tiến hành phân bổ cho các doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên, nếu có thì cũng chỉ giải quyết một lượng nhỏ lúa trong dân, do đó, giải pháp lúc này là khuyến cáo bà con tự trữ lúa chờ giá.

“Lúa Đông xuân chất lượng tốt nên nông dân dự trữ 1-2 tháng vẫn đảm bảo. Do đó, hộ nào thật sự có nhu cầu thì hãy bán, hoặc bán một ít để giải quyết trước mắt, những hộ chưa có nhu cầu thì nên trữ lại chờ giá. Tránh tình trạng bán lúa theo phong trào rồi lại bị ùn ứ, giá giảm càng thêm giảm” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho biết thêm.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm công nghiệp tràn lan nông dân treo đầm Nuôi tôm công nghiệp tràn lan nông dân treo đầm

Cùng với sự phát triển hơn 15 năm qua, người dân nuôi tôm Cà Mau đã thật sự nhận thấy nuôi tôm công nghiệp mang lại nguồn thu nhập "khủng". Bởi thực tế trước đây chỉ cần 3 tháng nuôi thuận lợi là có thể thu về từ 100 - 300 triệu đồng/ao khoảng 2.000 - 4.000 m2, những hộ có số lượng ao nhiều có thể thu về trên 1 tỷ đồng.

27/05/2015
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở Dương Huy (Quảng Ninh) Mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở Dương Huy (Quảng Ninh)

Trước khi giới thiệu chúng tôi xuống thăm mô hình nuôi cá rô đầu vuông thí điểm của anh Liêu Văn Hoàng ở thôn Tha Cát, đồng chí Điệp Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Huy (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Vốn xuất phát điểm là xã nghèo, nhưng những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của cấp trên cùng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, đời sống mọi mặt của xã đã có những chuyển biến tích cực.

27/05/2015
Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành tỉnh đề nghị xem xét, cho phép thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

27/05/2015
Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết: Hai năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể. Đặc biệt, vừa qua huyện đã hoàn thành việc quy hoạch 2 vùng nuôi tôm tập trung gồm: Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Bình, diện tích 20ha và vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Lập, diện tích 20ha.

27/05/2015
Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), mỗi năm huyện Tuy An thả nuôi từ 600 đến 620ha tôm các loại. Trong số này có khoảng 3/4 diện tích nuôi tôm bằng hình thức hồ hở. Do khâu xử lý nguồn nước trong hồ nuôi khi tôm nuôi bị mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn và không thể kiểm soát được nguồn nước bẩn, ô nhiễm, nên mầm bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác diễn ra khá nhanh và lây lan trên diện rộng.

27/05/2015