Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Đông Xuân Rớt Giá Thương Lái, Nông Dân Đều Lao Đao

Lúa Đông Xuân Rớt Giá Thương Lái, Nông Dân Đều Lao Đao
Ngày đăng: 13/03/2014

Trong khi bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông xuân, thì bất ngờ giá lúa giảm mạnh trong những ngày gần đây, còn thương lái lại “bỏ của chạy lấy người” đã khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.

Giá lúa giảm nhanh

Nếu như nông dân thu hoạch lúa Đông xuân sớm (từ đầu tháng 3 trở về trước) vui mừng vì bán được giá cao, lợi nhuận lớn, thì hiện nay có không ít người đang rất lo lắng vì giá lúa liên tục giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn. Nếu so với cách đây chừng 1 tháng, giá lúa đã giảm gần 1.000 đồng/kg.

Ông Toàn, một thương lái thu mua lúa ở thành phố Vị Thanh, cho biết: “Giá lúa giảm đến nỗi cánh thương lái chúng tôi còn trở tay không kịp, huống hồ gì nông dân. Mấy ngày trước đặt cọc hợp đồng mua lúa của dân với giá 4.500-4.600 đồng/kg (giống IR 50404), mà giờ chỉ còn 4.200 đồng/kg, mua xong hợp đồng lần này cầm chắc lỗ vài chục triệu đồng. Giải pháp bây giờ là gặp nông dân rồi năn nỉ họ giảm được đồng nào hay đồng đó”.

Qua ghi nhận của chúng tôi (PV), hiện giá lúa giảm mạnh chủ yếu ở những giống có phẩm cấp gạo thấp, điển hình là IR 50404, còn các giống hạt dài, phẩm cấp gạo tốt tuy có giảm nhưng không đáng kể. Hiện giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.100-4.200 đồng/kg lúa tươi, nhưng các giống lúa hạt dài đang ở mức từ 4.600-4.700 đồng/kg. Ông Lê Văn Sáng, nông dân ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Lúc này chỉ có những hộ trồng lúa hạt dài mới có được đồng lời tương đối, riêng những hộ canh tác lúa IR 50404 như tôi nhờ năng suất năm nay tương đối đỡ, nên khả năng phá huề, ai có diện tích đất nhiều cũng chỉ kiếm lời chút đỉnh”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong tổng số hơn 77.000ha lúa Đông xuân vụ này của tỉnh, thì có khoảng 35% nông dân canh tác giống IR 50404. Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền vận động để người dân hạn chế gieo sạ giống IR 50404, nhưng diện tích canh tác giống này vẫn còn nhiều. Trước tình hình giá lúa bấp bênh như hiện nay, hy vọng rằng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc hướng đến các giống lúa chất lượng.

Với việc giá lúa đang ở mức thấp, nhiều nông dân đành chọn một trong hai phương án mang lúa về phơi và trữ chờ giá hoặc bấm bụng bán với giá rẻ. Anh Lê Văn Tâm, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy vừa thu hoạch xong gần 1ha lúa (giống IR 50404), tuy năng suất đạt tới 1,3 tấn/công, cao hơn 300 kg/công so với cùng kỳ, nhưng trong lòng anh cũng chẳng thấy gì làm vui, bởi bán lúa với giá thấp.

Anh Tâm bộc bạch: “Đầu vụ, giá 4.600-4.700 đồng/kg thấy ham, tới mình cắt chỉ còn 4.200 đồng/kg. Biết rằng bán giá này sẽ không có lợi nhuận bao nhiêu, nhưng cũng phải chấp nhận, vì còn phải trả tiền nợ mua phân, thuốc, rồi tiền máy cắt, nhân công và còn tiền chuẩn bị đầu tư cho vụ Hè thu tới”.

Bà Nguyễn Thị Út, Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Đại Phát, ở huyện Châu Thành A, cho hay: “Theo thông tin tôi được biết, giá lúa giảm có thể là do nguồn cung trong nước tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầy kho nhưng tình hình xuất khẩu chậm, việc ký hợp đồng xuất khẩu mới ít vì chịu áp lực cạnh tranh từ Thái Lan và Ấn Độ”. Cũng theo nhận định của bà Út, giá lúa sẽ giữ ở mức này và kéo dài trong khoảng 10 ngày tới, sau đó sẽ tăng nhẹ trở lại khi các doanh nghiệp ký được các hợp đồng xuất khẩu mới.

Gọi thương lái “ò í e”

Theo nông dân trồng lúa ở các địa phương, hiện có rất nhiều thương lái đã “bỏ của chạy lấy người” sau khi giá lúa rớt quá nhanh. Họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc chứ nếu mua vào sẽ càng lỗ nặng vì mua xong phải sấy, rồi xay xát để bán, mất thêm mấy ngày nữa, trong khi chẳng biết giá lúa có còn giảm nữa hay không.

Ông Nguyễn Văn Nhứt, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi đã nhận tiền cọc của một thương lái 3 triệu đồng/ha, với giá lúa IR 50404 được thống nhất là 4.570 đồng/kg. Đã qua 2 ngày, tôi gọi điện cho thương lái cả chục lần để nhắc hôm nay (10-3) thu hoạch lúa, thì chỉ nghe điện thoại kêu “ò í e”.

Tình cảnh tương tự, ông Trần Văn Son, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, bức xúc nói: “Tui có 1,7ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, thương lái lại đặt cọc 2 triệu đồng rồi hẹn ngày tới chở lúa. Bất ngờ giá lúa giảm, họ tắt điện thoại bỏ chạy khiến gia đình tôi “chết đứng” vì phải thuê mướn nhân công phơi, vận chuyển mà không biết bao giờ mới bán được lúa”.

Đó là 2 trong số nhiều trường hợp nông dân trên địa bàn tỉnh bị thương lái “bỏ của chạy lấy người”, còn một số bà con có được may mắn hơn khi thương lái đến mua thì cũng chấp nhận bán với giá bằng thị trường, mặc dù trước đó đã lấy tiền cọc cao hơn. Riêng những hộ chưa nhận tiền cọc thì việc kiếm được người để bán lúa trong lúc này quả là một chuyện khó nhọc, cho dù lúa đã chín vàng ngoài đồng.

Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, than: “Vào đầu vụ lúa có giá, “cò lúa” chạy dập dìu tìm nông dân bán lúa, đến khi giá giảm thì chẳng thấy bóng “cò” ở đâu. Lúa của tôi cũng như bà con nơi đây đã đến ngày thu hoạch, nhiều lần chạy đôn chạy đáo kiếm người để bán nhưng chẳng có ai mua. Hiện nông dân rất lo lắng vì sợ càng để lâu lúa càng sụt giá”.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ lúa Đông xuân với diện tích gần 14.000ha trên tổng số hơn 77.000ha đã gieo sạ. Mấy ngày nay, giá lúa giảm liên tục nên xảy ra tình trạng thương lái bỏ tiền đặt cọc, người nông dân thiệt hại khá lớn. Hiện ngành nông nghiệp đang chờ chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ, khi có chỉ tiêu sẽ tiến hành phân bổ cho các doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên, nếu có thì cũng chỉ giải quyết một lượng nhỏ lúa trong dân, do đó, giải pháp lúc này là khuyến cáo bà con tự trữ lúa chờ giá.

“Lúa Đông xuân chất lượng tốt nên nông dân dự trữ 1-2 tháng vẫn đảm bảo. Do đó, hộ nào thật sự có nhu cầu thì hãy bán, hoặc bán một ít để giải quyết trước mắt, những hộ chưa có nhu cầu thì nên trữ lại chờ giá. Tránh tình trạng bán lúa theo phong trào rồi lại bị ùn ứ, giá giảm càng thêm giảm” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho biết thêm.


Có thể bạn quan tâm

"Bí Kíp" Xây Dựng Vùng An Toàn Dịch Bệnh

Trước bối cảnh cả 3 dịch bệnh nguy hiểm: LMLM, cúm gia cầm và tai xanh đồng loạt xuất hiện, việc TP HCM xây dựng thành công nhiều vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm làm “bức tường lửa” đang trở thành mô hình điểm cho các địa phương khác học làm theo.

01/03/2012
Nhiều Chủ Trại Tôm Giống Ở Cà Mau Thua Lỗ Nặng Nhiều Chủ Trại Tôm Giống Ở Cà Mau Thua Lỗ Nặng

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, gần 50 trại sản xuất tôm giống ở Cà Mau đã ngừng hoạt động, hàng trăm trại khác hoạt động cầm chừng, nhiều trại bị thua lỗ nặng.

30/07/2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dứa Che Phủ Nilon Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dứa Che Phủ Nilon

Mô hình trồng dứa phủ nilon của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang dần mang lại hiệu quả và mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn đối với người trồng dứa nơi đây.

31/07/2012
Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Ở Lào Cai Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Ở Lào Cai

Những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức trang trại đã hình thành và phát triển mạnh. Toàn tỉnh Lào Cai, hiện có 167 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại, trong đó 81 trang trại nuôi lợn, 86 trang trại nuôi gia cầm. Các mô hình trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây cũng là hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới.

11/06/2012
Phòng Chống Cúm Gia Cầm (H5N1) Trong Mùa Dịch Phòng Chống Cúm Gia Cầm (H5N1) Trong Mùa Dịch

Sự tái tổ hợp giữa các kháng nguyên HA và NA sẽ tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Chủng gây dịch bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam là H5N1.

27/03/2012