Lừa Bán Thuốc Thú Y Thủy Sản Dỏm

Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau xuất hiện một số nhóm người dùng các loại thuốc thú y thủy sản dỏm lừa bán cho nông dân với giá cao.
Ngày 13.10, tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Trần Tuấn Hải (44 tuổi, ngụ ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP.Cà Mau) bức xúc kể: “Mấy người lừa đảo này không hiểu sao họ có số điện thoại của tôi. Ngay lúc gia đình đang lo tôm bệnh nên khi nghe có người gọi điện thoại giới thiệu sản phẩm nhập từ Ấn Độ trị đúng bệnh tôm của mình nên tui mua liền mà không đắn đo”.
Theo ông Hải, sáng 3.10, một phụ nữ điện thoại cho ông xưng tên Thu, là giám đốc công ty chuyên nhập khẩu các loại thuốc thú y thủy sản từ các nước châu Âu ở TP.HCM. Bà Thu ngỏ ý muốn vào tham quan mô hình nuôi tôm của ông Hải. “Cô ta đi xe du lịch 7 chỗ mang biển số của TP.HCM, đi cùng cô ta còn có một người tên Thịnh. Cả hai ăn mặc bảnh bao, nói năng lưu loát. Qua trao đổi, Thu biết 2 ao tôm nhà tui đang bị bệnh nên tiếp thị là cô ta có bán một loại thuốc đậm đặc được nhập thẳng từ Ấn Độ về đặc trị đục cơ, cong thân trên tôm thẻ chân trắng”.
Sau khi nghe Thu và Thịnh giới thiệu về loại thuốc này, ông Hải đặt mua 10 kg sử dụng thử. Tuy nhiên, hai người này cho biết họ chỉ bán nguyên thùng, trọng lượng 30 kg, với giá 2,4 triệu đồng chứ không bán lẻ. Thấy vậy, ông Hải vay tiền mua 1 thùng, nhưng khi khui ra mới biết đó chỉ là đá xây mịn. Theo ghi nhận của PV, trên mỗi túi thuốc mà nhóm người này bán đều có dòng chữ “Lucky One”, phía dưới còn ghi vài dòng tiếng Anh. Ngoài ra, không có dòng chữ nào ghi công dụng, thành phần… thậm chí nhà sản xuất cũng không có.
Ông Nguyễn Văn Riệng, láng giềng ông Hải cũng bị “dính” cú lừa, sau khi khui bịch thuốc dỏm này ra, cảm thấy nghi ngờ vì nó không có mùi, không hòa tan trong nước nên ông điện thoại cho người tên Thu hỏi thì được người này bảo cứ quăng xuống đầm tôm, nhưng chỉ được quăng cho hầm tôm không lót bạt đáy ao. “Tui đã lấy một ít bỏ vào thau nước ngâm suốt 1 đêm, nó vẫn không tan. Lấy máy sinh tố xay vẫn không hề hấn gì. Chạy qua nhà anh Hải hỏi thì hai anh em khẳng định đây chỉ là đá xây”, ông Riệng nói.
Trong vai người đi mua hàng, tiếp xúc với hai người tên Thu và Thịnh, cả 2 đều “nổ” ầm ầm nào là hàng của họ nhập từ nước ngoài. Thịnh còn tự tin gửi tấm danh thiếp có ghi dòng chữ “Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận. Doanh nghiệp tư nhân Hùng Tú có trụ sở tại Khánh Nhơn, Nhơn Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận do kỹ sư NTTS Phan Quan Tú làm chủ”. Mang chất "thuốc" này đến Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thì các thanh tra viên cho biết, không cần phải gửi đi kiểm nghiệm, nhìn bằng mắt thường cũng biết đây là đá xây mịn.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau xác nhận: “Thời gian gần đây có nhiều người vào tận vùng sâu vùng xa để tiếp thị các mặt hàng thuốc thú y thủy sản dỏm cho nông dân. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc theo phản ánh của người dân”.
Có thể bạn quan tâm

Sở NN-PTNT Phú Yên vừa thành lập đoàn tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về thức ăn chăn nuôi (kể cả thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản), thuốc thú y (kể cả thuốc thú y thủy sản), chế phẩm sinh học (dùng trong chăn nuôi, thú y, thủy sản), sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn lấy một số mẫu đối với các sản phẩm trên để kiểm tra chất lượng…

Trong vụ thu hoạch, giá tiêu dao động ở mức 135-140 ngàn đồng/kg, trước đó nhiều nông dân đã bán ra để thanh toán tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư vụ mới. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá hạt tiêu luôn trên 100 ngàn đồng/kg, giúp nhiều nông dân trồng tiêu thu lợi nhuận từ 200-500 triệu đồng/hécta/năm.

Thôn Di Tây nằm ở địa bàn thấp trũng của xã, chỉ độc canh về cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy được điều đó, ông Trực luôn trăn trở tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế. Năm 2006, được Trung tâm Khuyến nông, lâm - ngư tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ vốn, tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi ếch thịt (giống ếch lai Thái Lan), ông mạnh dạn nuôi thử nghiệm.

Đến Đông Xuân thời điểm này, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh đồng ngập tràn màu trắng của hoa nhài. Dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng do đang vào mùa cao điểm thu hoạch hoa nhài nên ngay từ đầu giờ chiều, cánh đồng mẫu lớn của xã Đông Xuân đã đông nghịt người.

Đầu năm 2013, khi anh Lê Văn Tân mới đến lập trang trại tổng hợp ở thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), có nhiều người ái ngại cho anh bởi đây là vùng đất “trồng lúa, lúa chết, trồng khoai, khoai ủng”, ai lại dại mang hàng trăm triệu đồng mà đổ vào đây đầu tư bao giờ, rồi cũng đến ngày bỏ đất mà đi thôi…