Long An chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y - Nguyễn Văn Cường, cho biết: Hiện nay, đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết khô hanh, sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm nên rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh như LMLM, dịch tả, H5N1… Vì thế, chi cục xác định tiêm phòng "vừa là pháp lệnh vừa là phong trào".
Toàn bộ đội ngũ thú y từ chi cục đến cơ sở đều được huy động trực tiếp xuống tận hộ dân tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng chế tài xử phạt để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng. Đối với gia cầm, người dân cần tiêm phòng dịch cúm gia cầm H5N1 theo đúng quy trình hướng dẫn của chi cục. Bên cạnh đó, người dân cần tiêm vắc-xin cho gia cầm theo đúng quy trình lứa tuổi và chú ý vệ sinh chuồng trại, nhất là vào thời kỳ giao mùa như hiện nay thì áp lực vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi rất lớn. Ngoài ra, người dân phải thường xuyên theo dõi đàn gia cầm, nếu có phát hiện biểu hiện bất thường thì báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn nếu có dịch bệnh xảy ra.
Trong chăn nuôi heo, qua khảo sát, Chi cục nhận thấy bệnh dịch tả heo là bệnh có nguy cơ cao. Để khống chế được bệnh này, người dân cần tiêm phòng hai mũi trên heo con trước khi rã bầy. Bệnh có nguy cơ thứ hai là LMLM, người dân có thể sử dụng vắc-xin để ngăn ngừa, sử dụng cho heo con từ 14 ngày tuổi trở lên.
Ngoài các chương trình được tiêm phòng miễn phí, người dân nên chủ động mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn heo của mình. Kế đến là bệnh tai xanh, người dân có thể dùng vắc-xin phòng bệnh, hiện nay vắc-xin tốt nhất là loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Ngoài các bệnh cơ bản, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh đóng dấu son trên heo. Dấu hiệu nhận biết là heo bị sốt cao 41 - 42 độ C, đóng dấu son trên da, viêm khớp trên đàn đột xuất. Muốn phòng ngừa bệnh này, người dân cần phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và tiêm vắc-xin.
Trưởng trạm Thú y huyện Tân Trụ - Trần Văn Ngộ, thông tin: Huyện đã và đang triển khai tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Để kết quả tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất, trước khi triển khai, trạm tham mưu UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn nắm cụ thể tổng đàn thực tế rồi giao chỉ tiêu tiêm cho từng cơ sở; phân công cán bộ thú y và một thành viên thuộc huyện phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn từng xã; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật tiêm với bơm, kim tiêm riêng cho từng con gia súc, gia cầm. Nếu sử dụng chung bơm tiêm thì phải vô trùng, bởi tâm lý của người dân luôn lo lắng tiêm chung bơm tiêm sẽ dẫn đến lây bệnh từ con này sang con khác và khi tiêm phải thực hiện theo quy trình.
Nhằm chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y yêu cầu các trạm thú y xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND huyện, thị, thành phố, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế huyện, thị xã, thành phố, đồng thời phối hợp UBND xã, phường, thị trấn và mạng lưới thú y cơ sở tổ chức triển khai tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương. Các trạm phải thành lập các tổ tiêm phòng ở từng khóm, ấp; khi tiêm phòng, thú y cơ sở phải thống kê đàn và tính tỷ lệ (%) tiêm phòng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực trong tiêm phòng; tập trung chỉ đạo sâu sát ở các vùng hay xảy ra dịch bệnh và vùng trọng điểm chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra tiến độ tiêm phòng cụ thể từng địa bàn đã phân công.
Trạm thú y cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn; thông báo rộng rãi và tuyên truyền vận động người chăn nuôi tích cực hưởng ứng tiêm phòng. Trạm thú y phối hợp chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật để phòng các bệnh thuộc danh mục các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc.
Có thể bạn quan tâm

Tại chợ thị trấn An Châu (Châu Thành - An Giang), bạn hàng bán nhiều cá lau kiếng do ngư dân đánh bắt. Hiện, loại cá này có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg được nhiều người dân tiêu thụ trong chế biến các món ăn. Theo các ngư dân, năm nay, loại cá này xuất hiện khá nhiều, nhất là tại các chà chất trên sông, rạch.

Hiện nay, nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang thu hoạch cá rô đầu vuông, giá bán cho thương lái 29.000 đồng/kg, tăng 6.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi. Với mức giá trên, người nuôi có thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, số lượng hầm nuôi trong huyện không nhiều.

Cứ mỗi mùa se se gió bấc, khi những cây me chua đất và những nương trồng ném (còn được gọi là hành tăm) đã lên xanh tốt, thì cũng là lúc vào mùa cá cháo (hay còn gọi là cá khoai). Vụ cá cháo năm nay được mùa, những chiếc thuyền nan đầy ắp cá cập bờ, mang lại niềm vui cho nhiều ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài là nguyên nhân có thể làm cho nhiều loài cá bị chết ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Ngành chức năng và các địa phương đã và đang tăng cường chỉ đạo người dân chống rét nhằm giảm thiểu những thiệt hại do rét gây ra.

Hội thảo báo cáo hiệu quả mô hình nuôi tôm nước đứng của hộ ông Đoàn Thành Công ở xã Đất Mới và mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của hộ ông Nguyễn Tấn Thành, ở xã Hàm Rồng. 2 mô hình trên cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng một năm.