Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lời To Nhờ Nuôi Cua Mật Độ Cao

Lời To Nhờ Nuôi Cua Mật Độ Cao
Ngày đăng: 06/09/2013

Tuy chưa thu hoạch hết số cua hiện có nhưng những hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao tại xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất hồ hởi vì cua nuôi mau lớn, tỷ lệ hao hụt rất thấp, khả năng thu lời nhiều so với cách nuôi truyền thống…

Con cua không thua con tôm

Tại đồng tôm của ông Lê Văn Đây, ấp Tân Thành, xã Lợi An - một trong năm hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao, mới ngoài 3 tháng, nhưng trọng lượng cua đạt từ 250-350 g/con. "Với đà lớn nhanh như hiện nay, vụ cua này tôi thu không dưới 2 tấn" – ông Đây khẳng định.

Ở những vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi như Lợi An, lâu nay nhà nông chủ yếu chú trọng con tôm, nuôi cua xen canh chỉ được xem như cách làm để tăng thu nhập. Nhưng cách làm của ông Đây từ ngày thực hiện thí điểm mô hình hoàn toàn thay đổi.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đây thừa nhận rằng, hồi trước ông chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cua giống,… nên nuôi cua năng suất và thu nhập còn thấp. Nhưng khi tham gia mô hình thí điểm, những kỹ thuật và quy trình nuôi cua được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tận tình.

Theo đó, vuông nuôi cua phải được phơi nứt chân chim, dùng dây thuốc cá diệt cá tạp sau đó cho nước vào vuông qua màng lọc để hạn chế cá tạp, giáp sát; phải sử dụng men vi sinh định kỳ để xử lý nguồn nước, đảm bảo các thông số môi trường thích hợp sau đó mới thả giống. Cua giống phải được mua từ những cơ sở có uy tín sau đó vèo lại cho cua phát triển kích cỡ khoảng hạt me mới thả vô vuông với mật độ 1 con/m2.

Trong suốt thời gian nuôi, phải thường xuyên thăm đồng, quan tâm đến lượng thức ăn cho cua vì nếu thiếu thức ăn, cua sẽ chậm lớn, chậm lột xác hoặc cua ăn thịt lẫn nhau dẫn đến hao hụt. Nếu thức ăn dư sẽ lãng phí và làm môi trường vuông nuôi bị ô nhiễm – ông Đây chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Diễu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang, người nuôi cua mật độ cao phải chú ý theo dõi dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi, rào lưới xung quanh để hạn chế cua bò từ ao này sang ao khác lây lan dịch bệnh. "Làm theo mô hình mới này, tổng chi phí toàn vụ nuôi chỉ khoảng 35 triệu đồng/ha (nguồn thức ăn gồm cá phi, hến tại địa phương trên dưới 20 triệu đồng; tiền con giống 10 triệu đồng; cải tạo ao đìa 2 triệu đồng).

Đúc kết sơ bộ bước đầu tại 5 điểm trình diễn của xã Lợi An cho thấy, tỷ lệ cua sống trung bình của các ao từ 65 - 70%, trọng lượng 250 - 350 g/con.

Nếu giá cua y từ 100.000 - 120.000 đồng/kg như hiện nay thì sản lượng cua thương phẩm thu được không dưới 1,7 tấn, trừ chi phí còn lời khoảng 150 triệu đồng/ha. Lợi nhuận ấy không thấp hơn so với nuôi tôm".

Mô hình mới

Nuôi cua mật độ cao là dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang triển khai. Năm 2010, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang thí điểm tại Ninh Bình, năng suất đạt 2,5-3 tấn/ha; năm 2011 triển khai tại Bến Tre, năng suất đạt 1,5-1,7 tấn/ha; năm 2012 thực hiện tại 5 hộ với tổng diện tích 3,4ha của xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời), năng suất đạt 1,7-2 tấn/ha.

Hiện tại, 5 mô hình trình diễn tổng diện tích 3,7ha tại xã Lợi An, năng suất ước đạt 1,7-2 tấn/ha. Ông Trương Thanh Hải, Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, đánh giá: "Qua 2 năm triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy nuôi cua mật độ cao áp dụng bài bản, đúng kỹ thuật, cua không bị bệnh, vốn đầu tư ít, nhưng lời không thua con tôm. Nếu nuôi cua nghịch mùa giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg thì lợi nhuận sẽ còn nhiều hơn".

Có khá đông nông dân ở xã Lợi An và vùng lân cận đã tìm đến 5 hộ thực hiện thí điểm nuôi cua mật độ cao để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều hộ trong số ấy hiện đã áp dụng theo mô hình mới này và cua nuôi cũng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn nhiều triển vọng vào cuối vụ thu hoạch. Ông Võ Văn Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi An, cho biết:

Thành công lớn nhất của mô hình nuôi cua mật độ cao là thay đổi nhận thức số đông nhà nông xã nhà, bà con biết canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản để hạn chế rủi ro. Bước đầu nhiều hộ nhân rộng mô hình này, góp phần tăng thêm thu nhập. Thời gian tới, xã sẽ lồng ghép triển khai nhân rộng mô hình cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, các tổ chức Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ… sẽ tiên phong thực hiện.


Có thể bạn quan tâm

Mường Khương (Lào Cai) Đạt Doanh Thu Từ Cây Ăn Quả Đạt Trên 128 Tỷ Đồng Mường Khương (Lào Cai) Đạt Doanh Thu Từ Cây Ăn Quả Đạt Trên 128 Tỷ Đồng

Những năm gần đây, các loại cây ăn quả như dứa, chuối, quýt trở thành cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho nhân dân một số xã trên địa bàn huyện Mường Khương. Ngành nông nghiệp huyện tích cực chỉ đạo nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng từng loại cây ăn quả.

29/12/2014
Bình Thuận Nhân Rộng Thêm 4 Mô Hình Vệ Sinh Vườn, Tiêu Hủy Cành Bệnh Đốm Nâu Bình Thuận Nhân Rộng Thêm 4 Mô Hình Vệ Sinh Vườn, Tiêu Hủy Cành Bệnh Đốm Nâu

Cuối tuần qua, ông Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì cuộc họp các thành viên trong Ban chỉ đạo phát triển bền vững cây thanh long và lãnh đạo các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Tháng cao điểm phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long (28/11 - 31/12/2014).

29/12/2014
Long An Tìm Giải Pháp Chế Biến, Tiêu Thụ Chanh Long An Tìm Giải Pháp Chế Biến, Tiêu Thụ Chanh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo tìm giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ, chế biến chanh trên địa bàn tỉnh Long An. Đến dự hội nghị có Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam tại TP.HCM - Nguyễn Văn Kỳ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

29/12/2014
Dán Tem Cho Thanh Long Bình Thuận Dán Tem Cho Thanh Long Bình Thuận

Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.

29/12/2014
Chanh Không Hạt Rớt Giá Chanh Không Hạt Rớt Giá

Hiện tại, HTX Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh chỉ tiêu thụ từ 1.000 - 1.500kg cung cấp cho các chợ đầu mối lân cận; còn những hợp đồng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì không đủ số lượng theo hợp đồng. Theo các nhà vườn nơi đây, gần đến Tết Nguyên đán, giá chanh không hạt sẽ tăng trở lại và sản lượng sẽ tăng lên, bởi nhà vườn đang chăm sóc xử lý cho trái nghịch vụ.

29/12/2014