Lời To Nhờ Nuôi Cua Mật Độ Cao

Tuy chưa thu hoạch hết số cua hiện có nhưng những hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao tại xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất hồ hởi vì cua nuôi mau lớn, tỷ lệ hao hụt rất thấp, khả năng thu lời nhiều so với cách nuôi truyền thống…
Con cua không thua con tôm
Tại đồng tôm của ông Lê Văn Đây, ấp Tân Thành, xã Lợi An - một trong năm hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao, mới ngoài 3 tháng, nhưng trọng lượng cua đạt từ 250-350 g/con. "Với đà lớn nhanh như hiện nay, vụ cua này tôi thu không dưới 2 tấn" – ông Đây khẳng định.
Ở những vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi như Lợi An, lâu nay nhà nông chủ yếu chú trọng con tôm, nuôi cua xen canh chỉ được xem như cách làm để tăng thu nhập. Nhưng cách làm của ông Đây từ ngày thực hiện thí điểm mô hình hoàn toàn thay đổi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đây thừa nhận rằng, hồi trước ông chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cua giống,… nên nuôi cua năng suất và thu nhập còn thấp. Nhưng khi tham gia mô hình thí điểm, những kỹ thuật và quy trình nuôi cua được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tận tình.
Theo đó, vuông nuôi cua phải được phơi nứt chân chim, dùng dây thuốc cá diệt cá tạp sau đó cho nước vào vuông qua màng lọc để hạn chế cá tạp, giáp sát; phải sử dụng men vi sinh định kỳ để xử lý nguồn nước, đảm bảo các thông số môi trường thích hợp sau đó mới thả giống. Cua giống phải được mua từ những cơ sở có uy tín sau đó vèo lại cho cua phát triển kích cỡ khoảng hạt me mới thả vô vuông với mật độ 1 con/m2.
Trong suốt thời gian nuôi, phải thường xuyên thăm đồng, quan tâm đến lượng thức ăn cho cua vì nếu thiếu thức ăn, cua sẽ chậm lớn, chậm lột xác hoặc cua ăn thịt lẫn nhau dẫn đến hao hụt. Nếu thức ăn dư sẽ lãng phí và làm môi trường vuông nuôi bị ô nhiễm – ông Đây chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Diễu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang, người nuôi cua mật độ cao phải chú ý theo dõi dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi, rào lưới xung quanh để hạn chế cua bò từ ao này sang ao khác lây lan dịch bệnh. "Làm theo mô hình mới này, tổng chi phí toàn vụ nuôi chỉ khoảng 35 triệu đồng/ha (nguồn thức ăn gồm cá phi, hến tại địa phương trên dưới 20 triệu đồng; tiền con giống 10 triệu đồng; cải tạo ao đìa 2 triệu đồng).
Đúc kết sơ bộ bước đầu tại 5 điểm trình diễn của xã Lợi An cho thấy, tỷ lệ cua sống trung bình của các ao từ 65 - 70%, trọng lượng 250 - 350 g/con.
Nếu giá cua y từ 100.000 - 120.000 đồng/kg như hiện nay thì sản lượng cua thương phẩm thu được không dưới 1,7 tấn, trừ chi phí còn lời khoảng 150 triệu đồng/ha. Lợi nhuận ấy không thấp hơn so với nuôi tôm".
Mô hình mới
Nuôi cua mật độ cao là dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang triển khai. Năm 2010, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang thí điểm tại Ninh Bình, năng suất đạt 2,5-3 tấn/ha; năm 2011 triển khai tại Bến Tre, năng suất đạt 1,5-1,7 tấn/ha; năm 2012 thực hiện tại 5 hộ với tổng diện tích 3,4ha của xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời), năng suất đạt 1,7-2 tấn/ha.
Hiện tại, 5 mô hình trình diễn tổng diện tích 3,7ha tại xã Lợi An, năng suất ước đạt 1,7-2 tấn/ha. Ông Trương Thanh Hải, Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, đánh giá: "Qua 2 năm triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy nuôi cua mật độ cao áp dụng bài bản, đúng kỹ thuật, cua không bị bệnh, vốn đầu tư ít, nhưng lời không thua con tôm. Nếu nuôi cua nghịch mùa giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg thì lợi nhuận sẽ còn nhiều hơn".
Có khá đông nông dân ở xã Lợi An và vùng lân cận đã tìm đến 5 hộ thực hiện thí điểm nuôi cua mật độ cao để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều hộ trong số ấy hiện đã áp dụng theo mô hình mới này và cua nuôi cũng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn nhiều triển vọng vào cuối vụ thu hoạch. Ông Võ Văn Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi An, cho biết:
Thành công lớn nhất của mô hình nuôi cua mật độ cao là thay đổi nhận thức số đông nhà nông xã nhà, bà con biết canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản để hạn chế rủi ro. Bước đầu nhiều hộ nhân rộng mô hình này, góp phần tăng thêm thu nhập. Thời gian tới, xã sẽ lồng ghép triển khai nhân rộng mô hình cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, các tổ chức Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ… sẽ tiên phong thực hiện.
Có thể bạn quan tâm

Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.