Lợi Nhuận Khá Nhờ Giống Lúa Chịu Mặn Phục Tráng

Niềm vui đến với người dân ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà mau) khi được Trung tâm Giống nông nghiệp kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện U Minh triển khai sản xuất lúa mùa chịu mặn Một bụi đỏ CM phục tráng cho thu nhập đạt 15 triệu đồng/ha.
Trong những năm vừa qua, tại vùng sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, đa số nông dân trồng những giống lúa tương đối thích nghi trong điều kiện sản xuất của địa phương như: Một bụi đỏ, Tép hành, Trắng tròn, Trắng phiếu… Tuy nhiên, hiện nay các giống lúa này đã có những biểu hiện thoái hoá như: lẫn tạp, năng suất thấp, chất lượng gạo kém, nhiễm sâu bệnh… Từ đó hiệu quả không cao, làm cho sản xuất tôm - lúa khó duy trì và phát triển ổn định ở một số địa phương.
Ðể nâng cao hiệu quả, chất lượng cho sản xuất lúa trên đất nuôi tôm thành công, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh được Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án “Ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống lúa mùa địa phương phục vụ cho vùng sản xuất lúa mùa và lúa - tôm của tỉnh”.
Dự án được triển khai trong 2 năm (tháng 4/2013 - 4/2015), là bước ngoặt quan trọng đối với người dân sản xuất lúa mùa, lúa - tôm trong tỉnh. Theo đó, năng suất lúa trên đất nuôi tôm trong nhiều năm qua chỉ đủ ăn và lấy được vốn thì giờ đây thu nhập mỗi héc-ta khoảng 15 triệu đồng, là sự thành công vượt trội đối với nông dân trong ấp 10, xã Khánh An.
Theo nhận định của người dân nơi đây, giống Một bụi của địa phương hằng năm chỉ đạt 3 tấn/ha, nhưng khi được Trung tâm Giống nông nghiệp hỗ trợ giống lúa phục tráng Một bụi đỏ CM, năng suất tăng gần gấp đôi. Niềm vui nhân đôi khi được trung tâm tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất và được thu mua với giá 5.500 đồng/kg, cao hơn giá lúa thị trường 700 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hoàng Hớn, 1 trong 45 hộ thực hiện dự án, phấn khởi: “Giống lúa này có được 2 ưu điểm là lúa chống được sâu bệnh, không tốn tiền mua thuốc trừ sâu và thân cứng, chống được đổ ngã. Anh em ấp khác đến thấy lúa đạt năng suất cao cũng mừng lây và khẳng định sẽ sử dụng giống lúa này”.
Cũng sử dụng nguồn giống Một bụi đỏ CM mua từ Trung tâm Giống, nông dân Trần Văn Phú, ấp An Phú, xã Khánh An, nhận định và so sánh: “Qua 10 năm sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, đây là lần đầu tiên sản xuất lúa Một bụi đỏ cho năng suất cao nhất. Tôi nhận thấy giống lúa này rất thích hợp trên đất lúa - tôm, không bón phân, thuốc và không sâu bệnh nhưng lúa vẫn phát triển tốt”.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Ngô Thanh Phong nhận định: “Năm qua, xã là vùng có độ mặn, nhiễm phèn cao và chịu tác động của thời tiết, nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao nhất trong nhiều năm qua. Với lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha thì đây là cơ sở để xã tiếp tục chỉ đạo các ấp nhân rộng cho toàn cánh đồng lúa - tôm trên 2.000 ha, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”./.
“Năm 2014, mô hình sản xuất giống lúa mùa phục tráng cấp xác nhận được thực hiện khoảng 500 ha trên địa bàn 14 xã thuộc các huyện: Cái Nước (30 ha), Thới Bình (130 ha), Trần Văn Thời (140 ha) và U Minh (200 ha), năng suất bình quân 5 tấn/ha, lợi nhuận 15 triệu đồng/ha”.
Có thể bạn quan tâm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong cả nước. Trong khi đó, các hồ nuôi tôm chủ yếu đều sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Carbon Trust (Anh Quốc), Sở Công thương đã triển khai dự án "Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung" (CESEP) tại vùng nuôi tôm cao triều xã Quảng Công (Quảng Điền).

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật - “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”.

Những năm gần đây, trong khi nhãn da bò bị bệnh chổi rồng tấn công gây hại, khiến hầu hết các chủ vườn trồng nhãn da bò lao đao thì tại xã An Hiệp, Châu Thành (Đồng Tháp) một số nhà vườn đã làm giàu nhờ trồng giống nhãn Idor.

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp trong năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, người nuôi cá và các ngành chức năng đang bối rối khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố phán quyết cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011. Theo đó, mức thuế tăng rất cao khiến cá tra Việt Nam khó có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.