Lợi Ích Kép Từ Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học

Dù mới được triển khai chưa lâu, song mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã và đang phát triển mạnh tại ngoại thành.
Phương pháp chăn nuôi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả về kinh tế
Bắt tay làm kinh tế trang trại chăn nuôi từ năm 2005, trăn trở lớn nhất của anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tháng 4/2014, anh Hưng thí điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học với quy mô 20 con. Điều làm anh Hưng phấn khởi nhất là thức ăn sinh học không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lợn mà còn giảm mùi hôi thối. Nhờ đó, lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, khi xuất chuồng lứa đầu tiên đã cho thu lãi từ 1 - 1,2 triệu đồng/con.
"Với hiệu quả của mô hình thí điểm, hiện nay tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi bằng thức ăn sinh học lên hơn 100 con lợn" - anh Hưng cho biết.
Ngoài anh Hưng, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi và các HTX đã và đang triển khai chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, các mô hình lớn như HTX Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) quy mô 500 con/lứa, năng lực sản xuất 100 tấn thịt/năm.
Trang trại Bảo Châu Farm (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) có quy mô nuôi lợn thịt 800 con, gà đẻ trứng 1.500 con. Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, năm 2014 Trung tâm đã tiến hành xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cho 35 hộ tại các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... với quy mô 30 con/hộ.
Ông Hà Tiến Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, lợn nuôi theo phương thức sinh học khoảng 6 tháng cho xuất chuồng, khả năng tăng trọng đạt 630 - 720g/con/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi con lợn cho thu lãi 800.000 - 1.000.000 đồng.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, chăn nuôi bằng phương thức sinh học còn giảm 90% mùi hôi thối trong chuồng so với chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp và giảm 50% chi phí thuốc thú y. "Qua phân tích chất lượng, sản phẩm thịt lợn từ các hộ chăn nuôi bằng thức ăn sinh học đều đạt chỉ tiêu cho phép, không có vi khuẩn samonella, không tồn dư kháng sinh và kim loại nặng" - ông Nghi cho biết thêm.
Hình thành các chuỗi liên kết
Hiện nay, với sự kết nối của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, bước đầu sản phẩm đầu ra của các hộ chăn nuôi theo hướng sinh học đã được Công ty TNHH Thực phẩm sinh học Yummyvn ký kết tiêu thụ. Giá bán thịt hơi xuất chuồng ở mức 52.000 đồng/kg và ổn định trong vòng một năm.
Do vậy, hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi được đảm bảo ổn định, không phải lo về giá thị trường xuống thấp, không bị tư thương ép giá và giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc. Bà Khuất Thị Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Yummyvn chia sẻ, có thời điểm tìm nguồn hàng thực phẩm chất lượng rất khó khăn.
Do đó, việc liên kết giữa các hộ sản xuất với DN phân phối, tiêu thụ có vai trò rất quan trọng để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia. Sắp tới, Công ty Yummyvn đưa thịt lợn an toàn sinh học vào hệ thống trường học, cơ quan và cả bán hàng online.
Ngoài Yummyvn, một số DN khác cũng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sinh học. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức sản xuất này là thời gian nuôi dài, giá thành sản phẩm cao và chưa chủ động được nguồn thức ăn.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở giết mổ đạt chuẩn còn ít nên không đáp ứng được yêu cầu trong khâu giết mổ, sơ chế. Chính vì vậy, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Trung tâm Phát triển chăn nuôi tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn và Phòng Kinh tế các huyện, thị xã tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân về phương pháp chăn nuôi sinh học.
Đồng thời làm cầu nối liên kết giữa các nhà khoa học, DN với nông dân, trong đó xây dựng tiêu chí trách nhiệm rõ ràng giữa các bên tham gia. Đặc biệt, tham mưu Sở NN&PTNT trình TP chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi sinh học, đặc biệt là giống, đào tạo cán bộ, giết mổ...
Có thể bạn quan tâm

Trên các ruộng mía xã Tân Đức (Hàm Tân - Bình Thuận), hiện nay nông dân đã thu hoạch xong vụ mía năm 2013 - 2014. Đất còn ẩm, các gốc mía đã bắt đầu nảy mầm. Đây là thời kỳ đồng mía cần người dọn đồng, chăm sóc xới gốc, làm cỏ... Thế nhưng, nhiều ruộng mía chỉ trơ những gốc, lá khô và vắng bóng người làm.

Vào những ngày trung tuần tháng 5, nhiều trại chăn nuôi ở khu vực miền Nam lại “lo không có heo để bán” vì giá đang lên ở mức rất cao. Với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg heo hơi, nhiều chủ trang trại đang lên kế hoạch tăng thêm đàn và điều này lại khiến cho nhiều người lo ngay ngáy vì nuôi nhiều sẽ ế vì thừa?

Mới đầu mùa khô nhưng tình trạng hạn hán đã đến mức báo động. Hàng ngàn hécta lúa đứng trước nguy cơ chết cháy, hàng nghìn người đang gấp gáp căng sức chống chọi với hạn hán.

Xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả. Tận dụng những vùng đất nhỏ, trồng hoa màu không hiệu quả nhiều hộ dân ở xã Ninh Ích đã trồng cây tam thất để tăng thu nhập.

Cách đây 2 năm, anh về xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước) học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi 2 sào đất sang trồng táo. Năm 2013 cắt 3 lứa táo bán được hơn 100 triệu đồng, tính ra mỗi ha cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.