Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Loay Hoay Cứu Giá Lúa Đông Xuân

Loay Hoay Cứu Giá Lúa Đông Xuân
Ngày đăng: 12/02/2015

Hiện giá lúa Đông Xuân 2014- 2015 đang giảm mạnh và các địa phương vẫn đang loay hoay trong việc tìm hướng cứu giá lúa cho nông dân.

Giá lúa giảm mạnh

Những ngày qua, giá lúa IR50404 tại tại một số huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp được nông dân bán tại ruộng dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 - 4.750 đồng/kg. So với vụ Thu Đông 2014 vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 - 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 500 - 600 đồng/kg.

Tại một số huyện thuộc tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long tình hình cũng không khá hơn. Hầu hết các nông dân trồng lúa đều cho rằng với mức giá 3.800- 4.000 đồng/kg, nếu so với giá thành sản xuất lúa kế hoạch do Bộ Tài chính công bố thì nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 15- 20% tùy theo khu vực, nhưng so với giá thành sản xuất lúa thực tế thì nông dân cầm chắc từ hòa vốn đến lỗ.

Đáng nói hơn là tình trạng giá lúa giảm khiến nông dân phải chịu bán lỗ để có tiền chi tiêu dịp lễ Tết và chuẩn bị cho đợt xuống giống tiếp theo. Nông dân Nguyễn Văn Lam (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, gia đình ông vừa thu hoạch 12 ha lúa, năng suất hơn 7,5 tấn/ha. Tuy nhiên, với giá bán như trên sau khi trừ chi phí thì mức lợi nhuận còn lại là không đáng kể.

Chua chát hơn, nông dân Hồ Văn Tuấn (xã Vinh Xuân, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long) cho biết, tuần trước có thương lái đến đặt cọc 7 triệu đồng và hứa mua 4.300 đồng/kg lúa nhưng nay giá lúa giảm thêm 100- 200 đồng nữa thì họ kêu mình giảm tiếp. “Nếu mình chịu bán thì họ kêu máy cắt tới ruộng còn không thì họ bỏ luôn tiền đặt cọc. Đành phải bán thôi.”, ông Tuấn buồn rầu.

Chưa có chủ trương tạm trữ

Trước tình trạng giá lúa giảm mạnh, ảnh hưởng tiếp đến hàng trăm ngàn hộ dân trồng lúa tại địa phương, cuối tuần qua UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được thực hiện thí điểm thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2014- 2015 sớm với số lượng khoảng 350.000 tấn (quy gạo), thời gian mua đến hết ngày 15/3, thời gian tạm trữ là 4 tháng kể từ ngày thu mua.

Theo ông Nguyễn Văn Hải- Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp có kiến nghị này là vì tính đến đầu tháng 2/2015, nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 32,4% diện tích lúa Đông Xuân (khoảng 65.500 ha), sản lượng ước khoảng 1,5 triệu tấn.

Dự kiến đến cuối tháng 3/2015 tỉnh Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa này. Vì thế nếu không triển khai thu mua tạm trữ sớm thì nông dân sẽ phải bán hết lúa Đông Xuân với giá thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này kiến nghị của địa phương vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tương tự, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho địa phương được triển khai thu mua tạm trữ sớm để cứu giá lúa nhưng đến thời điểm này theo phản ánh từ đại diện Sở NN&PTNT tỉnh thì địa phương vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ Chính phủ về kiến nghị này.

Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến nay mỗi vụ lúa Đông Xuân, Chính phủ đều triển khai Chương trình mua tạm 1- 1,5 triệu tấn gạo trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL.

Mỗi đợt tạm trữ như thế, ngân sách thường phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các DN được phân chỉ tiêu mua trữ. Tuy nhiên, quan sát trong 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào thời điểm triển khai chương trình mua tạm trữ lúa gạo cũng chậm hơn so với thời điểm thu hoạch rộ khoảng 1 tháng. Khi các DN bắt đầu mua tạm trữ thì đa số các địa phương nông dân đã thu hoạch và bán lúa xong.


Có thể bạn quan tâm

Cần Nhìn Đúng Về Chất Lượng Lúa Giống Cần Nhìn Đúng Về Chất Lượng Lúa Giống

Năng suất lúa của Cà Mau trong những năm gần đây đã được nâng lên, đó là nhờ vào sự thay đổi giống lúa có chất lượng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, không ít hộ dân còn chạy theo tiêu chí “hàng ngoại tốt hơn hàng nội”, từ đó họ phải trả thêm một phần “chi phí ảo” cho loại giống này.

30/08/2014
Nông Dân Kon Tum Tự Xây Dựng Thương Hiệu Cà Phê Sạch Nông Dân Kon Tum Tự Xây Dựng Thương Hiệu Cà Phê Sạch

Sau hai thương hiệu sản xuất, chế biến cà phê sạch khá thành công trên thị trường, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum vừa có thêm thương hiệu cà phê sạch thứ ba hoạt động trên cơ sở tự nguyện góp vốn, vườn cây của nông dân và sản xuất kinh doanh thông qua mô hình hợp tác xã.

30/08/2014
Cá Mú Nghệ Khó Bán Cá Mú Nghệ Khó Bán

Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.

21/08/2014
Trồng Chuối Tây Giảm Nghèo, Làm Giàu Trồng Chuối Tây Giảm Nghèo, Làm Giàu

Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) có phong trào trồng chuối tây tại các thửa đất đồi bạc màu cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

30/08/2014
Sản Xuất, Chế Biến Gỗ Xuất Khẩu Ở Quảng Ngãi Khởi Sắc Trở Lại Sản Xuất, Chế Biến Gỗ Xuất Khẩu Ở Quảng Ngãi Khởi Sắc Trở Lại

Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc trở lại, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn, giúp cho ngành gỗ ở Quảng Ngãi phục hồi sản xuất.

21/08/2014