Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Loạn Phân Bón Giả

Loạn Phân Bón Giả
Ngày đăng: 27/11/2014

Trung bình hàng năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Nhưng đến nay, buôn lậu phân bón giả vẫn tràn lan và ngày càng phức tạp.

Hàng trăm hộ nông dân tại một số tỉnh ĐBSCL điêu đứng vì mua nhầm phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng, nhái những thương hiệu uy tín. Tại huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh “trắng tay” khi phải chặt bỏ vườn cà phê cũng do bón phân giả khiến cây bị vàng lá, rụng trái. Tình trạng tương tự cũng đã từng diễn ra rải rác ở nhiều tỉnh thành với nhiều loại cây trồng khác nhau như cà phê, hồ tiêu, lúa, ngô và cây ăn trái… nhưng người nông dân chẳng biết kêu ai.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trung bình hàng năm lực lượng QLTT phát hiện, xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Nhưng đến nay, buôn lậu phân bón giả vẫn tràn lan và ngày càng phức tạp. Các vụ vi phạm chủ yếu vẫn là sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác… tập trung nhiều các tỉnh như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc CTCP Phân bón Bình Điền cho biết, do lợi nhuận trước mắt, tại một số tỉnh thành trên cả nước xuất hiện nhiều cơ sở DN tư nhân sản xuất phân bón giả của các DN uy tín, phân bón kém chất lượng tung ra làm nhiễu loạn thị trường. Điển hình có những cơ sở bất chấp luật pháp, dùng gạch non nghiền ra pha trộn với đất sét, đá làm giả kali, hoặc phân trộn với cát nhuộm đỏ đóng bao bì là kali 60% K20 để bán, nhưng hàm lượng và giá trị rất thấp…

“Hành vi lừa đảo trục lợi của một bộ phận những cơ sở sản xuất như vậy đáng bị lên án, xử lý nghiêm. Bởi, nó không chỉ khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh thất bát trắng tay, thiệt hại nghiêm trọng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những DN sản xuất hàng thật, hàng đảm bảo chất lượng. Cũng như, nó là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước”, ông Phong nói.

Việc phải cạnh tranh, đối phó với sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu nhập lậu tràn lan từ Trung Quốc, cũng như đối chọi với các tập đoàn sản xuất lớn mạnh từ các quốc gia đang dần chiếm lĩnh thị trường, cũng đã khiến nhiều DN sản xuất phân bón nội đau đầu. Nhưng với “ma trận” trùng điệp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ càng làm cho thị trường phân bón trong nước thêm phần nhiễu loạn.

Tổng giám đốc CTCP Vật tư Nông sản (Apromaco) Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, khó nhất là chính những cơ sở, DN nhỏ lẻ đã không tự ý thức xây dựng thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm của mình mà lại tự triệt tiêu thị trường bằng cách nhập nhằng giá trị, nhãn mác… để nâng giá, hoặc sử dụng cả công thức hàm lượng làm tên sản phẩm như NPK 5.10.3 để làm người nông dân hiểu lầm, nhưng thực chất hàm lượng thấp.

Một số DN sản xuất phân bón có quy mô cũng phản ánh, những loại phân bón giả thường có hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ bằng 1/10 loại phân bón khác, trong khi giá bán vẫn xấp xỉ, hoặc thấp hơn không đáng kể với giá bán phân bón có thương hiệu. Như vậy, vô hình trung các DN sản xuất hàng thật khó có thể cạnh tranh lại, trong khi người nông dân lại không dễ dàng phân biệt thật giả, còn QLTT thì cứ bắt chỗ nọ lại nảy ra chỗ kia.

Để đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền công nghệ mới, DN sản xuất phân bón phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để đảm bảo yêu cầu chất lượng. Trong khi phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều sản xuất trong môi trường tạm bợ, không đầu tư nghiên cứu sản phẩm, xử lý môi trường… vẫn ngang nhiên bán hàng ra thị trường.

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 500 DN sản xuất phân bón và khoảng 30.000 đại lý kinh doanh phân bón. Trong đó, chỉ khoảng 10% DN có quy mô sản xuất lớn, đầu tư bài bản, còn lại đến 90% DN nhỏ, lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trên thị trường hiện nay vẫn còn tồn tại không ít DN “làm giả, ăn thật”, nhập lậu, trốn thuế khiến cho thị trường phân bón trở nên tù mù, trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần phải có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn để thị trường phân bón đi vào ổn định, lành mạnh góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà ngày một lớn mạnh vì đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Nguồn bài viết: http://cafef.vn/hang-tieu-dung/loan-phan-bon-gia-201411261744227570ca55.chn


Có thể bạn quan tâm

Tăng 66% Lợi Nhuận Nhờ Cây Biến Đổi Gen Tăng 66% Lợi Nhuận Nhờ Cây Biến Đổi Gen

Bộ NNPTNT và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân.

14/02/2015
Vất Vả Làm Hoa Tết Trên Đất “Treo” Vất Vả Làm Hoa Tết Trên Đất “Treo”

“Đa phần nông dân vùng ven Tuy Hòa này đều trông vào mấy chậu hoa để kiếm chút tết. Đất đai ngày càng hiếm. Nhu cầu cất nhà nhiều quá, đẩy giá đất lên, nhiều bà con cứ cắt đất sản xuất để bán ăn dần. Thành ra nông dân “tay không”, phải đi thuê đất trồng hoa, làm chỉ có huề vốn. Vì vậy, thấy đất bằng mà bỏ không nhiều năm, bà con đánh liều rủ nhau… làm đại!” - bà Thái Thị An ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, cho hay.

14/02/2015
Giá Lúa Đông Xuân Đồng Loạt Giảm Giá Lúa Đông Xuân Đồng Loạt Giảm

Lão nông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Mỹ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, tôi làm 7.000m2 lúa OM 5451, bán với giá 5.700 đồng/kg. Năm nay chỉ còn 4.700 đồng/kg; mỗi 1 công lúa (1.000m2) thất thu khoảng 1 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí thì lời không nhiều”.

14/02/2015
Giá Trị Thật Của “Cây Trồng Tỷ Đô” Maca Giá Trị Thật Của “Cây Trồng Tỷ Đô” Maca

Macadamia còn được gọi là cây Maca, đang được các phương tiện truyền thông ở nước ta coi là "cây trồng tỷ đô", hoặc "cây hoàng hậu" bị nông dân "hững hờ". Vậy, giá trị và giá cả thực tế của cây này ra sao, khả năng phát triển ở Việt Nam như thế nào?

14/02/2015
Tích Cực Sản Xuất Rau An Toàn Phục Vụ Tết Tích Cực Sản Xuất Rau An Toàn Phục Vụ Tết

So với cùng thời điểm năm ngoái, lượng khách hàng mua rau tăng khoảng 5% và giá cả chưa có nhiều biến động so với ngày thường. Hiện tại, HTX bán rau bắp cải với giá 3-4 nghìn đồng/kg, su hào 5 nghìn đồng/kg, khoai tây 9 nghìn đồng/kg... Với mức giá này, bình quân mỗi sào rau màu xã viên thu lãi từ 3-5 triệu đồng đối với mỗi sào củ, quả.

14/02/2015