Lo Ngại Trung Quốc Trồng Thanh Long

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn trái miền Nam, hiện hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích người dân trồng thanh long trên diện tích lớn và điều này có thể ảnh hưởng đến thanh long của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này trong vài năm tới.
Ông Châu nói, so với Trung Quốc thì Úc là nước đã trồng thanh long khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở nước này không nhiều vì người dân Úc không chuộng trái thanh long, một phần vì giá thành thanh long trồng ở Úc cao hơn ở Việt Nam nên về lâu dài sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chính của Việt Nam với gần 80% thị phần. Do đó, về mặt lý thuyết Trung Quốc khuyến khích trồng thanh long để giảm lượng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, cả ông Châu lẫn ông Kỳ vẫn không xác định được diện tích thanh long hiện nay của Trung Quốc là bao nhiêu và tăng đến mức nào thì dừng lại để có những tính toán chính xác. Song theo hai ông về lâu dài, Việt Nam cần có những chính sách mở rộng thị trường thay vì phụ thuộc vào một thị trường sẽ khiến giá cả không ổn định.
Để thanh long Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo ông Châu thì ngay bây giờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải lên kế hoạch dài hạn để thanh long Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn, đầu tư vào khâu công nghệ sau thu hoạch cùng những chương trình tiếp thị nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.
“Hiện Trung Quốc đang có những chính sách hỗ trợ nông dân trồng thanh long trên diện rộng để giảm nhập khẩu, vì thế Việt Nam cũng cần có chính sách để nâng cao chất lượng thanh long sau thu hoạch, tìm kiếm thị trường mới để giúp tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tới”, ông Châu nói.
Theo Vinafruit, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam là 800 triệu đô la Mỹ, tăng 100 triệu đô la Mỹ so với kế hoạch mà Bộ Công Thương đưa ra từ đầu năm 2012.
Trong 218 triệu đô la Mỹ mà Trung Quốc bỏ ra để nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam thì khoảng 60% là dùng để nhập thanh long, còn lại là các mặt hàng rau, quả khác.
Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu ở huyện Châu Thành, Long An cho biết, khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây khi Trung Quốc tăng nhập khẩu nên giá thanh long liên tục tăng. Hiện thanh long đang được các nhà vườn bán với giá 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn Tây Ninh phát triển khá mạnh, trong đó cá sấu đang được nhiều bà con chọn nuôi vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng các rào cản khắt khe về an toàn vệ sinh thì thủy sản tiêu thụ trong nước lại gần như không bị ràng buộc rào cản nào.

Theo ông Phan Minh Báu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lifsap Đồng Nai, trong năm 2014, ban quản lý sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho khoảng 500 hộ áp dụng quy trình GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hoạch gần 70% diện tích lúa đông xuân; theo đó, đàn vịt của địa phương chạy đồng nơi khác cũng trở về khá đông, chính quyền và ngành chức năng đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ số đàn vịt trên địa bàn

Ông Hồ Văn Ngọ, ở thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu, Ninh Phước - Ninh Thuận) được người dân trong xã nhắc tới bằng cái tên “vua vịt” bởi mỗi năm, ông thu về hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình nuôi vịt khép kín: Nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp trứng, bán vịt con...