Lo Ngại Trung Quốc Trồng Thanh Long

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn trái miền Nam, hiện hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích người dân trồng thanh long trên diện tích lớn và điều này có thể ảnh hưởng đến thanh long của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này trong vài năm tới.
Ông Châu nói, so với Trung Quốc thì Úc là nước đã trồng thanh long khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở nước này không nhiều vì người dân Úc không chuộng trái thanh long, một phần vì giá thành thanh long trồng ở Úc cao hơn ở Việt Nam nên về lâu dài sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chính của Việt Nam với gần 80% thị phần. Do đó, về mặt lý thuyết Trung Quốc khuyến khích trồng thanh long để giảm lượng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, cả ông Châu lẫn ông Kỳ vẫn không xác định được diện tích thanh long hiện nay của Trung Quốc là bao nhiêu và tăng đến mức nào thì dừng lại để có những tính toán chính xác. Song theo hai ông về lâu dài, Việt Nam cần có những chính sách mở rộng thị trường thay vì phụ thuộc vào một thị trường sẽ khiến giá cả không ổn định.
Để thanh long Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo ông Châu thì ngay bây giờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải lên kế hoạch dài hạn để thanh long Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn, đầu tư vào khâu công nghệ sau thu hoạch cùng những chương trình tiếp thị nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.
“Hiện Trung Quốc đang có những chính sách hỗ trợ nông dân trồng thanh long trên diện rộng để giảm nhập khẩu, vì thế Việt Nam cũng cần có chính sách để nâng cao chất lượng thanh long sau thu hoạch, tìm kiếm thị trường mới để giúp tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tới”, ông Châu nói.
Theo Vinafruit, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam là 800 triệu đô la Mỹ, tăng 100 triệu đô la Mỹ so với kế hoạch mà Bộ Công Thương đưa ra từ đầu năm 2012.
Trong 218 triệu đô la Mỹ mà Trung Quốc bỏ ra để nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam thì khoảng 60% là dùng để nhập thanh long, còn lại là các mặt hàng rau, quả khác.
Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu ở huyện Châu Thành, Long An cho biết, khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây khi Trung Quốc tăng nhập khẩu nên giá thanh long liên tục tăng. Hiện thanh long đang được các nhà vườn bán với giá 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê trong nước dịp gần đây lên xuống thất thường, khiến cả nông dân lẫn DN bối rối, không biết đường nào mà mua bán.

Trồng mè không tốn nhiều công chăm sóc như các loại rau màu khác, chi phí đầu tư cũng chỉ tương đương với trồng lúa nhưng lãi cao gấp 3- 4 lần.

Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Thơi (ấp 5, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) là một trong những mô hình điển hình trong chăn nuôi khép kín hiệu quả tại địa phương. Nhờ mô hình nuôi heo này, không những giúp đời sống kinh tế của gia đình anh khá lên mà còn đưa ra được hướng chăn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế dịch bệnh.

Sáng 23-5, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Emina, Nemato-Padco, Chaeto-Padco phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu tại phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk).

Câu chuyện một doanh nghiệp trồng mía, mang đường từ Lào về Việt Nam với giá thành sản xuất thấp đã đánh một “hồi chuông báo động” cho ngành mía đường Việt Nam.