Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lỗ Nặng Vì Nhím Rớt Giá

Lỗ Nặng Vì Nhím Rớt Giá
Ngày đăng: 29/09/2012

Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh. 
Mua bạc tỉ, bán như cho!  
Mấy năm trước, phong trào nuôi nhím rầm rộ phát triển ở nhiều địa phương khắp vùng miền. Ở vùng núi phía Bắc, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang… hàng loạt trại nhím “mọc” lên với đủ loại quy mô, trong đó, mục đích chính của các chủ trại là… cung cấp nhím giống. 
Anh Nguyễn Văn Thành, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái là một trong những chủ trại trẻ đầu tư nuôi nhím. Năm 2008, anh huy động vốn của bạn bè, anh em trong gia đình… xây dựng 40 chuồng trại tại nhà. Mày mò tìm kiếm thông tin, tìm sách hướng dẫn dạy nuôi nhím, chăm sóc nhím…, ban đầu, anh bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua năm cặp nhím cha mẹ và năm cặp nhím giống cùng chi phí cho xây dựng chuồng trại. “Thời điểm đó, một con nhím mẹ (nhím trưởng thành) có giá không dưới 60 triệu đồng/con. Nhím giống (nhím con) vừa đẻ được khoảng hai tuần có giá 13 triệu đồng/con, con đực rẻ hơn vì nó… không có khả năng sinh sản. Trước năm 2010 là thời điểm sốt nhím ở đỉnh điểm. Một con nhím mẹ mới đẻ, chưa cần rao bán đã có người đến nhận, đặt tiền giữ chân. Nếu con nhím đó đẻ được con cái, thì cầm chắc lợi thu về vài chục triệu đồng”, anh Thành kể. 
Thời điểm đó, nhà nhà đều nuôi nhím, ngồi đâu cũng bàn chuyện về nhím. Anh Thành nhớ lại: “Vì nhím sốt như thế nên đương nhiên, không chủ trại nào lại dại dột đầu tư nuôi nhím thịt cả. Thành ra, nhím con thành nhím cha mẹ, nhím cha mẹ thành nhím gây đàn… cả vùng khi đó đua nhau nuôi nhím đợi đẻ con để bán nhím giống”. 
Xã Lâm Giang của anh Thành khi đó có hàng chục gia đình đầu tư nuôi nhím ở đủ loại: nhà ít nhất cũng có gần chục chuồng; nhiều nhất lên đến cả trăm chuồng. Tổng giá trị đầu tư vào nhím khi đó lên đến cả chục tỉ đồng. Tuy nhiên, giấc mơ làm giàu của các chủ nhím không giữ được lâu… 
Chủ trại điêu đứng...

Cao trào “sốt nhím” đẩy lên được vài năm thì thoái trào. Anh Thành buồn bã vì đang đứng trước thực trạng, bỏ thì dở mà giữ cũng chẳng xong. Sau mấy năm nuôi nấng, chăm sóc, số nhím anh nuôi đã trưởng thành và sinh sản nâng tổng số lượng đầu nhím lên hơn 100 con. “Mỗi ngày, tôi mất vài giờ đồng hồ để chẻ sắn, chuẩn bị thức ăn cho cả trăm ô chuồng, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Ác một cái, là giờ cho cũng không có người nhận”, anh Thành nói giọng buồn. 
Vài năm trước, theo anh Thành, giá nhím thịt được thu mua tại các cửa trại có giá dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/kg. Như vậy, nếu mua nhím giống, sau gần một năm nó sẽ sinh sản để tiếp tục tái sản xuất thành nhím thịt, mỗi con bán cũng được hơn chục triệu đồng. Chỉ một thời gian ngắn, người nuôi nhím sẽ thu hồi được vốn và sẽ có lãi ở những lần nhím mẹ đẻ con tiếp theo. Tuy nhiên, anh Thành chưa kịp bán được lứa nhím thịt nào. Hiện nay, giá nhím thịt rớt xuống còn dưới 200.000 đồng/kg. “Tư thương đến nhìn chuồng nhím của tôi phát giá 100.000 đồng/kg. Nếu bán toàn bộ, tôi chỉ thu được khoảng hơn trăm triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền mua thức ăn mấy năm trời và tiền đầu tư chuồng trại, công lao động”, anh Thành nói. 
Hàng loạt chủ nuôi nhím nhỏ lẻ đã tìm cách tháo chạy, phá bỏ chuồng trại, hoặc xác định nuôi cặp nhím cho vui, đợi khi gia đình có việc mang ra thịt. Cả xã Lâm Giang chỉ còn lại duy nhất trại của anh Thành còn cố “cầm cự”. “Vừa giờ tôi gọi điện hỏi một người bạn có 400 – 500 chuồng nhím ở Bắc Quang, Hà Giang. Anh bạn này bảo, vừa thanh lý toàn bộ nhím trong chuồng của mình với giá 200 triệu đồng, tính ra chỉ có 50.000 đồng/kg, trong khi mấy năm trước, giá của nó không dưới chục tỉ đồng”, anh Thành nói.


Có thể bạn quan tâm

Hơn 3.000 Ha Lúa Bị Rầy Gây Hại Hơn 3.000 Ha Lúa Bị Rầy Gây Hại

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ khoảng ngày 15-9 trở đi. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, TP Việt Trì...

15/09/2014
Phía Sau Những Chiếc Tàu Vỏ Thép Phía Sau Những Chiếc Tàu Vỏ Thép

Đây được xem như một bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ với những hỗ trợ tích cực trong chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.

15/09/2014
Tái Cơ Cấu Ngành Vận Tải Biển Không Thể Chậm Trễ Hơn Tái Cơ Cấu Ngành Vận Tải Biển Không Thể Chậm Trễ Hơn

Do vậy, để phục hồi ngành này, các ban ngành cần ưu tiên giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt là tái cơ cấu lại đội tàu, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

15/09/2014
Bí Bầu, Rau Cải... Cũng Phải Nhập Hạt Giống Bí Bầu, Rau Cải... Cũng Phải Nhập Hạt Giống

Một công bố mới đây của Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT cho thấy chỉ riêng tiền nhập hạt giống rau các loại, VN chi đến nửa tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu từ nước ngoài.

15/09/2014
Dịch Bệnh Tàn Phá Hồ Tiêu Dịch Bệnh Tàn Phá Hồ Tiêu

Mà không chỉ vườn nhà tôi mà khu vực lân cận bà con bị như thế này nhiều lắm. Theo chẩn đoán thì tiêu bị tuyến trùng tấn công làm rễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho các loại nấm trên tấn công hại rễ tiêu”. Anh Thiên Tâm - chủ một vườn tiêu ở Đắk Lắk - cũng than thở: “Trời mưa suốt thì không sao, mới nắng có 1 tuần đã có dấu hiệu tiêu thối gốc xì mủ gốc rồi chết”.

15/09/2014