Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lỗ Nặng Vì Dưa

Lỗ Nặng Vì Dưa
Ngày đăng: 21/11/2013

Từ nhiều năm trở lại đây, vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã trở thành “miền đất hứa” của cánh nhà nông trồng dưa hấu. Có năm lãi lớn, không ít hộ kiếm được cả trăm triệu đồng trong vòng vài tháng. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, giá dưa liên tục thấp đã khiến người dân lỗ nặng.

Đã 4 năm nay, cứ đến tầm tháng 8 Âm lịch, gia đình ông Đặng Văn Ngoi (thôn Phố Hiến-xã Ia Lâu-huyện Chư Prông) lại chuẩn bị dọn đất trồng vụ dưa hấu với hy vọng kiếm chút lời lãi trang trải chi tiêu và lo sắm cho Tết Nguyên đán. Biết mình không nắm rõ kỹ thuật, ông “bắt cặp” với người trồng dưa nhà nghề từ vùng Tây Sơn-Bình Định lên. Ông có đất, người ta có kỹ thuật, đây là giải pháp an toàn và hợp lý cho người dân Ia Lâu khi muốn canh tác loại cây này.

“Một hai năm đầu giá dưa cao, có lãi lắm. Hai năm trở lại đây thì chỉ có lỗ chứ chưa thu được đồng lời”-ông Ngoi chán nản chia sẻ. Theo lời ông, thì vụ dưa năm ngoái, sau hơn 2 tháng dày công chăm sóc, hơn 7 sào dưa ông lỗ tầm… khoảng 40 triệu đồng.

Năm nay, với hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn, không nản lòng, ông tiếp tục xuống giống thêm 1 ha dưa. “Chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch nhưng năm nay thời tiết nghiệt quá, mưa nhiều, cây non chết, phải trồng dặm lại mấy lần. Năng suất không cao, giá dưa lại thấp. Mỗi ha dưa tôi đã bỏ vào đó khoảng 140 triệu đồng. Năm nay chắc chắn tôi tiếp tục lỗ tầm vài ba chục triệu đồng”-ông Ngoi cho biết.

Đa phần những nhà vườn trồng dưa ở vùng Ia Lâu này đều lâm vào cám ảnh như hộ nhà ông Ngoi. Với cánh trồng dưa “nhà nghề” từ Bình Định lên, cảnh này cũng không khá hơn. Anh Hoàng Công Nam (Tây Sơn-Bình Định), người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng dưa, cho biết: “Đất Ia Lâu rất thích hợp với cây dưa hấu. Tôi đã rong ruổi đi thuê đất trồng dưa nhiều nơi nhưng khó có nơi nào dưa có màu sắc vỏ, ruột đẹp và đồng đều như vùng Ia Lâu này”. Vụ dưa năm nay, anh cùng một người bạn hùn vốn, thuê đất trồng 1,5 ha dưa với mức giá 15 triệu đồng/ha, cắt dưa được 60 tấn. Với giá 3.500 đồng/kg, anh và bạn chẳng có đồng lời. “Tôi bỏ ra khoảng hơn 210 triệu đồng tiền vốn nào thuê đất, thuê công, tiền thuốc, phân chăm bón… Ruộng dưa nhà tôi năng suất khá ổn định mới thu được chừng ấy, nhưng kể cả chưa tính công cán bỏ vào đã thấy lỗ ít nhiều trong đó”-anh Nam, chia sẻ.

Còn anh Phan Thanh Hận (Tây Sơn-Bình Định), chua chát hơn. “Mới theo mọi người lên đây làm dưa, trồng 8 sào lỗ mất gần 15 triệu đồng”- anh Hận, cho biết.

Theo anh Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu, năm nay, toàn xã có khoảng 90 ha dưa, trong đó chỉ có khoảng 30 ha do người dân tại địa bàn canh tác, còn lại là của người dân từ Bình Định lên thuê đất trồng. Con số này vào vụ dưa năm ngoái là 185 ha.

Năm nay, mới đầu vụ giá dưa đã xuống thấp. Trà dưa đầu tiên của một số hộ mới chỉ xuất bán được mức giá 3.300-4.000 đồng/kg (tầm này năm ngoái, giá dưa dao động trong khoảng 10-11 ngàn đồng/kg). So với vụ dưa năm ngoái, năm nay người trồng dưa vất vả hơn nhiều do thời tiết bất lợi, dưa non bị chết phải dặm đi dặm lại mấy lần, năng suất kém hơn. “Theo ước tính thì mỗi ha dưa, nông dân phải lỗ chừng 10-15 triệu đồng, tùy năng suất”- anh Hoàng cho biết.

Bí thư Nông Văn Hoàng chia sẻ thêm, do địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên thương lái cũng nhè thế ép giá nông dân. Nhiều nhà vườn dưa than phiền vì bị thương lái o ép trong chuyện cân, giá cả…, người trồng dưa vì thế thiệt càng thêm thiệt trong khi công và vốn đổ vào cây dưa không hề ít.

Về quan điểm này, anh Võ Thanh Cường-một người dân trồng dưa, than phiền: “Thương lái ngày càng khó tính, dưa phải đạt tầm 2,5 kg trở lên mới thu mua, dưa méo mó chút cũng không được, xây xước vỏ chút cũng bị loại ngay. Khi cân thì o ép, bớt xén đủ đường. Mà dưa đến ngày thu, không bán thì để lại ruộng kéo thêm tiền đầu tư cũng chết”.

Anh Cường cho biết thêm, người trồng dưa lời lãi hay không phụ thuộc lớn nhất vào giá cả. “Giá cao lãi cả trăm triệu đồng/ha cũng có, mà chỉ cần xuống giá chút là lỗ như chơi. Dưa hấu của chúng ta trồng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, rất thất thường. Người trồng dưa bỏ công, bỏ vốn ra đôi khi như đi đánh bạc”- anh Cường, cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Thanh Trì Hỗ Trợ Dồn Điền Đổi Thửa Đất Nông Nghiệp Huyện Thanh Trì Hỗ Trợ Dồn Điền Đổi Thửa Đất Nông Nghiệp

Huyện Thanh Trì ngày 29/6, đã thông qua Tờ trình của UBND huyện về thực hiện chính sách hỗ trợ “Dồn điền đổi thửa” đất nông nghiệp giai đoạn 2012 – 2013.

29/06/2012
Tìm Hướng Đi Cho Chợ Lợn Ở An Nội Hà Nam Tìm Hướng Đi Cho Chợ Lợn Ở An Nội Hà Nam

Mấy năm gần đây, dọc theo tỉnh lộ 56B, đoạn qua xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xuất hiện một chợ lợn ngang nhiên hoạt động tự phát. Suốt cả đoạn đường gần 100m, hai bên đường đều được quây thành chuồng nhốt lợn, thu hút hàng trăm người mua, người bán từ nhiều tỉnh lân cận. Chợ lợn An Nội mỗi ngày luân chuyển từ năm nghìn đến bảy nghìn con lợn, trở thành điểm tiêu thụ lợn lớn nhất miền bắc...

27/05/2012
Sẵn Sàng Cho Ngày Hội Cây - Trái Ngon Năm 2012 Sẵn Sàng Cho Ngày Hội Cây - Trái Ngon Năm 2012

Theo ông Lê Phước Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre), huyện đã sẵn sàng cho Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp lần thứ XII năm 2012, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25-6-2012 (mùng 4 đến mùng 7 - 5âl), tại Trung tâm Văn hóa và sân vận động huyện. Có 300 gian hàng (tăng 20 gian hàng) trưng bày cây giống, hoa kiểng, trái cây, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phục vụ nông nghiệp và gian hàng tiêu dùng.

16/06/2012
Hiệu Quả Nuôi Tôm Quản Lý Cộng Đồng Hiệu Quả Nuôi Tôm Quản Lý Cộng Đồng

Mô hình nuôi tôm quản lý cộng đồng do Trung tâm KN-KN Kiên Giang triển khai tại hai huyện An Minh và Vĩnh Thuận trong hai năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Người nuôi có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí đầu tư, ít ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, năng suất cao hơn hẳn so với bình quân chung của tỉnh.

30/06/2012
Ngành Điều Quá Lệ Thuộc Nhập Khẩu Ngành Điều Quá Lệ Thuộc Nhập Khẩu

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu (XK) nhân điều số 1 thế giới, nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu (NK) rất nhiều nguyên liệu điều để phục vụ chế biến XK.

13/03/2012