Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lỗ Nặng Vì Dưa

Lỗ Nặng Vì Dưa
Ngày đăng: 21/11/2013

Từ nhiều năm trở lại đây, vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã trở thành “miền đất hứa” của cánh nhà nông trồng dưa hấu. Có năm lãi lớn, không ít hộ kiếm được cả trăm triệu đồng trong vòng vài tháng. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, giá dưa liên tục thấp đã khiến người dân lỗ nặng.

Đã 4 năm nay, cứ đến tầm tháng 8 Âm lịch, gia đình ông Đặng Văn Ngoi (thôn Phố Hiến-xã Ia Lâu-huyện Chư Prông) lại chuẩn bị dọn đất trồng vụ dưa hấu với hy vọng kiếm chút lời lãi trang trải chi tiêu và lo sắm cho Tết Nguyên đán. Biết mình không nắm rõ kỹ thuật, ông “bắt cặp” với người trồng dưa nhà nghề từ vùng Tây Sơn-Bình Định lên. Ông có đất, người ta có kỹ thuật, đây là giải pháp an toàn và hợp lý cho người dân Ia Lâu khi muốn canh tác loại cây này.

“Một hai năm đầu giá dưa cao, có lãi lắm. Hai năm trở lại đây thì chỉ có lỗ chứ chưa thu được đồng lời”-ông Ngoi chán nản chia sẻ. Theo lời ông, thì vụ dưa năm ngoái, sau hơn 2 tháng dày công chăm sóc, hơn 7 sào dưa ông lỗ tầm… khoảng 40 triệu đồng.

Năm nay, với hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn, không nản lòng, ông tiếp tục xuống giống thêm 1 ha dưa. “Chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch nhưng năm nay thời tiết nghiệt quá, mưa nhiều, cây non chết, phải trồng dặm lại mấy lần. Năng suất không cao, giá dưa lại thấp. Mỗi ha dưa tôi đã bỏ vào đó khoảng 140 triệu đồng. Năm nay chắc chắn tôi tiếp tục lỗ tầm vài ba chục triệu đồng”-ông Ngoi cho biết.

Đa phần những nhà vườn trồng dưa ở vùng Ia Lâu này đều lâm vào cám ảnh như hộ nhà ông Ngoi. Với cánh trồng dưa “nhà nghề” từ Bình Định lên, cảnh này cũng không khá hơn. Anh Hoàng Công Nam (Tây Sơn-Bình Định), người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng dưa, cho biết: “Đất Ia Lâu rất thích hợp với cây dưa hấu. Tôi đã rong ruổi đi thuê đất trồng dưa nhiều nơi nhưng khó có nơi nào dưa có màu sắc vỏ, ruột đẹp và đồng đều như vùng Ia Lâu này”. Vụ dưa năm nay, anh cùng một người bạn hùn vốn, thuê đất trồng 1,5 ha dưa với mức giá 15 triệu đồng/ha, cắt dưa được 60 tấn. Với giá 3.500 đồng/kg, anh và bạn chẳng có đồng lời. “Tôi bỏ ra khoảng hơn 210 triệu đồng tiền vốn nào thuê đất, thuê công, tiền thuốc, phân chăm bón… Ruộng dưa nhà tôi năng suất khá ổn định mới thu được chừng ấy, nhưng kể cả chưa tính công cán bỏ vào đã thấy lỗ ít nhiều trong đó”-anh Nam, chia sẻ.

Còn anh Phan Thanh Hận (Tây Sơn-Bình Định), chua chát hơn. “Mới theo mọi người lên đây làm dưa, trồng 8 sào lỗ mất gần 15 triệu đồng”- anh Hận, cho biết.

Theo anh Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu, năm nay, toàn xã có khoảng 90 ha dưa, trong đó chỉ có khoảng 30 ha do người dân tại địa bàn canh tác, còn lại là của người dân từ Bình Định lên thuê đất trồng. Con số này vào vụ dưa năm ngoái là 185 ha.

Năm nay, mới đầu vụ giá dưa đã xuống thấp. Trà dưa đầu tiên của một số hộ mới chỉ xuất bán được mức giá 3.300-4.000 đồng/kg (tầm này năm ngoái, giá dưa dao động trong khoảng 10-11 ngàn đồng/kg). So với vụ dưa năm ngoái, năm nay người trồng dưa vất vả hơn nhiều do thời tiết bất lợi, dưa non bị chết phải dặm đi dặm lại mấy lần, năng suất kém hơn. “Theo ước tính thì mỗi ha dưa, nông dân phải lỗ chừng 10-15 triệu đồng, tùy năng suất”- anh Hoàng cho biết.

Bí thư Nông Văn Hoàng chia sẻ thêm, do địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên thương lái cũng nhè thế ép giá nông dân. Nhiều nhà vườn dưa than phiền vì bị thương lái o ép trong chuyện cân, giá cả…, người trồng dưa vì thế thiệt càng thêm thiệt trong khi công và vốn đổ vào cây dưa không hề ít.

Về quan điểm này, anh Võ Thanh Cường-một người dân trồng dưa, than phiền: “Thương lái ngày càng khó tính, dưa phải đạt tầm 2,5 kg trở lên mới thu mua, dưa méo mó chút cũng không được, xây xước vỏ chút cũng bị loại ngay. Khi cân thì o ép, bớt xén đủ đường. Mà dưa đến ngày thu, không bán thì để lại ruộng kéo thêm tiền đầu tư cũng chết”.

Anh Cường cho biết thêm, người trồng dưa lời lãi hay không phụ thuộc lớn nhất vào giá cả. “Giá cao lãi cả trăm triệu đồng/ha cũng có, mà chỉ cần xuống giá chút là lỗ như chơi. Dưa hấu của chúng ta trồng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, rất thất thường. Người trồng dưa bỏ công, bỏ vốn ra đôi khi như đi đánh bạc”- anh Cường, cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Nuôi Động Vật Hoang Dã Làm Giàu Từ Nuôi Động Vật Hoang Dã

Sau những lần thất bại với mô hình nuôi thỏ, anh Huỳnh Chí Công (34 tuổi), ngụ tại xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM lân la khắp các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ tìm kiếm mô hình chăn nuôi phù hợp với nghề nông của mình. Và mô hình nuôi rắn ráo trâu được anh lựa chọn để phát triển thành trang trại như ngày nay.

07/05/2012
Cứu Tinh Thời Lam Lũ Cứu Tinh Thời Lam Lũ

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hơn 4 triệu “dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ” bởi cả tỉnh thiếu lương thực trầm trọng. Ruộng đồng manh mún, cộng với khí hậu thời tiết khắc nghiệt khiến người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất” mà chẳng đủ ăn. Từ trong khốn khó ấy, vụ hè thu ra đời đã trở thành cứu tinh cho cả xứ Nghệ

04/09/2011
Vườn Bí Ngô Cho Trái Khổng Lồ Vườn Bí Ngô Cho Trái Khổng Lồ

Ông Phan cho biết, một lần tình cờ lên mạng ông đọc được thông tin có nông dân ở Mỹ trồng được những quả bí ngô khổng lồ mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ thấy. Ông tìm cách liên lạc với những người bạn đang sinh sống bên Mỹ nhờ mua bằng được giống bí ngô này đem về Đà Lạt trồng thử

04/09/2011
Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ? Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ?

Trước sức ép về đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp đã làm diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp. Vậy làm gì để giữ ổn định đất trồng lúa? Phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương về vấn đề này.

10/05/2012
Việt Nam Đã Xuất 5,3 Triệu Tấn Gạo Việt Nam Đã Xuất 5,3 Triệu Tấn Gạo

Cuộc họp lần thứ 7 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã vạch ra năm giải pháp chủ yếu được thực hiện trong khoảng thời gian 2012-12 để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu gạo như nâng cao chất lượng gạo, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, kết nối sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo quản lý

12/09/2011