Liên kết trong sản xuất xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Sáng 6.8, Sở NNPTNT Hà Nội và Hưng Yên tổ chức hội nghị giới thiệu tiềm năng hợp tác về xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và Hưng Yên. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của Hà Nội và Hưng Yên cùng trao đổi, thảo luận và giới thiệu khả năng sản xuất, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm làm cơ sở cho chương trình hợp tác trong thời gian sắp tới.
Liên kết trong sản xuất
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội đã trình bày tình hình phát triển nông thôn của thành phố, đồng thời giới thiệu một số chương trình, đề án trọng điểm của Hà Nội cũng như chỉ ra những tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Chí cho biết: "Về hệ thống kênh phân phối và tiêu thụ nông sản của Hà Nội, hiện tại, một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô đang được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối sau đó đưa đi tiêu thụ chiếm tới 80%. 20% còn lại là nông sản có chứng nhận được tiêu thụ qua kênh siêu thị. Ngoài ra, công tác xây dựng chuỗi liên kết do các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi gia công hiện đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sự ổn định cho 3.500 hộ sản xuất, và cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho người tiêu dùng thủ đô."
Về phía tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Doanh - Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cũng đã trình bày về tình hình sản xuất cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản và một số kết quả xây dựng mô hình quản lý chuỗi an toàn thực phẩm rau, quả, thịt, cá tỉnh Hưng Yên.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào và ổn định phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, một phần cho xuất khẩu.
Trong đó các sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh ở các xã, huyện đều được các đại biểu tới tham dự trình bày tiềm năng của từng sản phẩm. Đại diện sở NNPTNT Hưng Yên đã chú trọng kiểm soát chặt đầu vào sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất để tạo nguyên liệu sản phẩm an toàn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ liên kết, tạo ra vùng sản xuất an toàn, thuận lợi cho việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Cũng tại buổi làm việc giữa hai đơn vị, đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng giới thiệu một số kênh phân phối nông sản thực phẩm sạch mà các đơn vị của Sở NNPTNT Hưng Yên có thể hợp tác lâu dài, như chuỗi hệ thống các siêu thị Fivimart của công ty cổ phần Nhất Nam, Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt, Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam...
"Phân vai" bốn nhà
Liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp hiện đại được khẳng định là ưu việt nhất hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất: nông dân sản xuất cái gì, bán ở đâu, giá cả như thế nào chỉ có câu trả lời thỏa đáng khi có sự phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng "nhà" trong mối liên kết. Việc "phân vai" rõ ràng cũng nhằm phát huy tổng lực của các mối liên kết.
Doanh nghiệp và nông dân là các tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp có mạng lưới kinh doanh siêu thị lớn, sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội…cũng nêu một số quy định cụ thể về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, làm rõ từng công đoạn như sản xuất ban đầu, thu mua, thu gom, phân phối, tiêu thụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn ngành nông nghiệp Hưng Yên cung cấp một số sản phẩm nông nghiệp mới như: chuối Tiêu Hồng, chuối Đô (giống mới), gạo, nhãn, rau an toàn,...
Liên kết trong sản xuất được xem là chìa khóa để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đánh giá cao tiềm năng của ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên và mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về giá cả nông sản.
Hai Sở NNPTNT Hà Nội và Hưng Yên cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận người sản xuất, nhằm tìm kiếm hợp tác đầu tư lâu dài. Việc hợp tác này sẽ đồng thời nâng cao được giá trị nông sản cho người nông dân và vai trò quản lý nhà nước, đưa sản phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian sắp tới.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.

Hơn 2 tháng qua, ở Bạc Liêu xuất hiện nhiều thương lái lùng sục từng nhà dân tìm mua cá sấu loại từ 2 - 5kg khiến loại cá này hút hàng và tăng giá bất thường. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế của thương lái Trung Quốc. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.

Sau những ngày nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tôm nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp nhằm ổn định môi trường nước phục vụ sản xuất.

Theo tin từ UBND TP. Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có 123 hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn. Tuy nhiên do Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và chưa được UBND tỉnh phê duyệt, nên UBND TP. Vũng Tàu chưa có cơ sở để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và.

Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.