Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên Kết Trồng Chuối

Liên Kết Trồng Chuối
Ngày đăng: 04/09/2014

Hàng trăm hộ nông dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự nguyện liên kết với nhau mở rộng diện tích trồng chuối để hình thành vùng SX tập trung.

Nhiều hộ còn xây dựng mô hình SX chuối theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới xuất khẩu.

Đổi thay vùng đệm

Từ TP Rạch Giá, chạy dọc theo quốc lộ 63 đi về hướng huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), khi thấy những dòng nước đỏ ngầu đổ ra sông là tín hiệu cho biết đã đến vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng. Bao bọc quanh vườn là vùng đệm, với những khu dân cư sống dọc theo các tuyến kênh.

Chạy quanh vùng đệm, hai bên đường được phủ xanh màu của cây mía, cây ăn trái nhưng nhiều nhất vẫn là chuối. Diện mạo U Minh Thượng bây giờ đã khác xa so với hồi xảy ra vụ cháy lớn cách đây mười mấy năm nhờ sự đổi thay từ đời sống của cư dân vùng đệm.

Để phát triển khu vực vùng đệm VQG U Minh Thượng, năm 1999 UBND tỉnh Kiên Giang quyết định triển khai dự án di dân hình thành vùng kinh tế mới. Những tuyến kênh được thiết kế sẵn vừa để tiêu nước xổ phèn vừa làm đường giao thông nông thôn.

Hơn 14.000 ha đất được bố trí cho khoảng 3.500 hộ dân không có đất SX ở các huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận về đây sinh sống, lập nghiệp. Mỗi hộ được cấp 4 ha đất để SX. Nhưng theo quy định, phải dành 1 ha phía cuối để trồng rừng tràm, phần còn lại canh tác nông nghiệp theo mô hình kết hợp trồng lúa, nuôi cá và trên liếp trồng hoa màu.

Ông Huỳnh Phú Sỹ, ấp Hòa An, An Minh Bắc, U Minh Thượng nhớ lại: “Hầu hết các hộ về đây đều là dân nghèo, không vốn SX nên khi mới chuyển đến vùng đệm, đời sống hết sức khó khăn. Đất mới khai phá nên còn nhiễm phèn rất nặng, làm lúa, trồng màu đều không hiệu quả, duy chỉ có cây chuối là phát triển rất tốt”.

Vì vậy, nhà nào cũng trồng ít cây chuối quanh nhà vừa lấy bóng mát vừa có trái để cho bọn trẻ ăn, nhà nhiều ăn không hết thì bán. Dần dần, nhận thấy hiệu quả từ cây chuối, nhiều người đã phát triển thành vườn.

Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Hòa An, có 2 ha chuối cho biết, trước đây tôi chỉ có 1 ha trồng chuối nhưng thấy có hiệu quả nên đã mướn người lên liếp để phát triển thêm.

“Gần như bộ phận nào của cây chuối cũng có thể bán được. Trái bán ăn tươi hoặc chế biến bánh, kẹo, sấy khô. Bắp chuối làm rau ăn hàng ngày. Lá dùng để gói bánh. Thân cây tươi làm thức ăn chăn nuôi, bẹ khô làm dây buộc… Vì vậy, người trồng chuối có thu nhập quanh năm, chứ không phải đợi hai, ba tháng tới mùa như các loại cây khác”, bà Hồng phấn khởi chia sẻ.

Nhờ trồng chuối mà đời sống người dân vùng đệm VQG U Minh Thượng ngày càng khấm khá lên. Nhà cửa khang trang, giao thông đi lại được bê tông hóa cũng là lúc cả vùng phủ xanh màu lá chuối với diện tích lên đến hàng trăm ha.

Từ cây trồng để ăn, chuối trở thành cây SX hàng hóa. Rồi các hộ liên kết với nhau để hình thành vùng SX tập trung. Hàng ngày, thương lái vào tận vườn thu mua chuối cho nông dân chở đi khắp nơi tiêu thụ.

Không chỉ liên kết làm ăn lớn, người dân vùng đệm U Minh Thượng còn áp dụng các biện pháp tiên tiến VietGAP trong SX chuối để nâng cao năng suất, chất lượng. Quy trình SX chuối theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm KN-KN Kiên Giang phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ xây dựng và chuyển giao cho nông dân, nguồn kinh phí thực hiện do Sở KH-CN Kiên Giang cấp.

GS.TS Nguyễn Thị Gương, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, quản lý dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thuốc dạng sinh học để phòng trừ dịch hại.

Mô hình SX tiên tiến, thân thiện với môi trường, an toàn cho người lao động. Sản phẩm làm ra có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, tăng giá trị và mang lại lợi nhuận cao cho người SX.

Sau gần 2 xây dựng, mới đây Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN-PTNT) đã tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác SX chuối U Minh Thượng. Tổng diện tích được chứng nhận là 21,1 ha, với 16 hộ nông dân thuộc địa bàn xã An Minh Bắc và Minh Thuận tham gia.

Ông Huỳnh Phú Sỹ vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có 4 ha trồng chuối đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi tháng thu hoạch 2 - 3 đợt, năng suất đạt từ 800 -1.000 nải/ha (trung bình 7 nải/buồng), giá bán từ 5.600 - 5.800 đồng/nải. Nhờ SX theo tiêu chuẩn VietGAP nên chuối đạt chất lượng, thương lái rất thích thu mua, dễ tiêu thụ hơn nhiều so với cách làm truyền thống”.

Ngoài bán trái, người dân trồng chuối còn có thêm nguồn thu đáng kể từ bán bắp chuối. Giá bắp chuối thương lái thu mua tại vườn là 6.000 đồng/kg, mỗi cái đạt trọng lượng từ 1,5 - 17 kg. Trung bình, mỗi tuần thu hoạch bắp chuối một lần, với số lượng 200 - 250 bắp/ha.

TS Nguyễn Xuân Niệm, PGĐ Sở KH-CN Kiên Giang cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho Tổ hợp tác SX chuối U Minh Thượng và có thể nâng lên tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu.

Thị trường tiêu thụ chuối ở U Minh Thượng rất rộng, do có nhiều thương lái và các Cty đến từ TP HCM, Campuchia, Trung Quốc… tìm đến thu mua, trung bình mỗi ngày xuất bán trên 40 tấn. Giá chuối trong vài năm trở lại đây luôn ổn định ở mức cao nên nông dân có thu nhập rất tốt từ cây chuối.

ThS Hoàng Trung Kiên, GĐ Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, do trồng chuối mang lại giá trị kinh tế cao, nên thời gian qua đã có nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, khóm và mía sang trồng chuối, nâng diện tích chuối toàn huyện U Minh Thượng lên trên 600 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã vùng đệm là Minh Thuận và An Minh Bắc.

Với giá bán như hiện nay, mỗi ha chuối cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng, trừ chí phí nông dân còn lãi 50 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân để mở rộng diện tích trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP và tìm doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu để có đầu ra ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Cua Biển, Tôm Sú Cùng Giảm Giá Cua Biển, Tôm Sú Cùng Giảm Giá

Giá cua biển tại tỉnh Trà Vinh bất ngờ giảm từ mức trên 230.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 130.000 đồng/kg trong vòng một tuần qua.

15/06/2012
Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ

Khi lúa thu đông đang rực vàng trên những cánh đồng vùng ĐBSCL, những người dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ bắt đầu thả cá giống trên đồng ruộng để đón nước lũ về.

08/10/2012
Nuôi Cá Chép Nhật Thu Lợi Cao Ở Đồng Nai Nuôi Cá Chép Nhật Thu Lợi Cao Ở Đồng Nai

Xưa nay, nhiều hộ có ao ở ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chỉ nuôi cá tạp. Gần đây, một số nông dân trong ấp đã chuyển sang nuôi cá chép Nhật đem lại hiệu quả khá cao.

24/05/2012
Trồng Ớt Trúng Mùa, Trúng Giá Trồng Ớt Trúng Mùa, Trúng Giá

Hiện nay, nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đang thu hoạch ớt. Sản lượng ớt năm nay tăng cao nên nhiều nông dân rất vui mừng, phấn khởi.

08/03/2011
Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới

Chuyện nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa mới hiện nay không phải là hiếm, nhưng một người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa đạt chuẩn được xem là một tâm điểm thu hút sự chú ý của giới nông dân và các nhà khoa học. Người chúng tôi muốn nói đến là ông Phan Văn Oanh (Mười Oanh), ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình.

17/06/2012