Liên kết phát triển rau an toàn

“Dù biết rau không rõ nguồn gốc nhưng chúng tôi vẫn phải mua ăn, chứ không lẽ chỉ ăn mỗi thịt, cá. Nếu có nguồn rau an toàn, được kiểm định rõ ràng, tôi vẫn chấp nhận mua giá cao hơn để bảo vệ sức khỏe gia đình mình” – chị Nguyễn Thiên Thanh, phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), chia sẻ.
Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều người tiêu dùng trong bối cảnh thuốc trừ sâu, chất cấm bị sử dụng tràn lan trong trồng trọt, chăn nuôi.
Nhu cầu tăng cao
Tại chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), dù giá bán cao hơn 20% so các loại rau thường nhưng cửa hàng rau an toàn của chị Dương Kim Kiều vẫn đông khách. Mỗi ngày, chị bán hơn 150kg rau an toàn. Khách có niềm tin bởi biết nguồn hàng hóa được chị lấy từ vùng trồng rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng.
“Nhiều người không hỏi đến giá cả, họ chỉ việc chọn rau rồi đưa lên cân. Có người mua số lượng nhiều về nấu đám tiệc trong nhà” – chị Kiều thông tin.
Tại các siêu thị Co.opmart, Metro trên địa bàn TP. Long Xuyên, các loại rau, củ thường có giá nhỉnh hơn các chợ bên ngoài nhưng vẫn đông khách chọn mua, bởi hàng hóa nơi đây biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm định chất lượng…
Từ đó cho thấy, nhu cầu sử dụng rau an toàn rất lớn nhưng địa điểm cung cấp còn hạn chế, nhất là các vùng nông thôn. Đây cũng là lý do mà Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Phan Nam (Công ty Phan Nam) mạnh dạn đầu tư thực hiện Dự án sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh An Giang theo tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công ty quyết tâm thực hiện vai trò là doanh nghiệp cầu nối để gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nhằm xây dựng thành công hình ảnh rau an toàn An Giang cũng như phân phối rau an toàn đến tay người tiêu dùng tiện ích nhất và giá cả phù hợp.
Khách hàng mua rau an toàn ở chợ Mỹ Bình
“Hiện nay, ở An Giang nói riêng và cả nước nói chung, nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng đang ngày càng tăng. Trong tương lai, nhu cầu này sẽ còn cao hơn vì người dân đã ý thức được về bữa ăn không chỉ là no, mà còn phải ngon và an toàn cho sức khỏe” – anh Nguyễn Văn Trí, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Phan Nam, đánh giá.
Lợi cả đôi đường
Sau thời gian chuẩn bị, showroom rau an toàn của Công ty Phan Nam tại địa chỉ 30 Tôn Đức Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chính thức khai trương vào hôm nay (22-9). Showroom đóng vai trò là cửa hàng đầu mối bán hàng trực tiếp cho các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể của trường học, bệnh viên, nhà máy, xí nghiệp, đồng thời phát triển hệ thống phân phối cấp 1 là các siêu thị, cửa hàng rau sạch, các điểm bán rau tại các chợ truyền thống…
Anh Nguyễn Văn Trí cho biết, công ty sẽ lần lượt hợp tác với 6 Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, gồm: Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), Bình Thạnh (Châu Thành), Tuấn Phong, Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) và 2 THT của huyện Chợ Mới, với tổng diện tích vùng nguyên liệu được công nhận là 32,6 héc-ta.
Bên cạnh ký hợp đồng thu mua các chủng loại nông sản là thế mạnh của mỗi THT, công ty sẽ cấp giống mới, vật tư, nguyên liệu đầu vào để các THT sản xuất theo yêu cầu, cụ thể như: THT Mỹ Hòa Hưng và Vĩnh Mỹ sản xuất rau ăn lá (rau muống, cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền…); THT Bình Thạnh sản xuất bắp cải, củ cải, cải bẹ dún, ớt, các loại nấm ăn…; THT Tuấn Phong sản xuất các loại quả như: Cà chua, dưa leo, dưa hấu non, dưa lê, dưa hoàng kim, đậu bắp, đậu que, đậu đũa…
“Công ty có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn I (2015 – 2016) là 5 héc-ta, phấn đấu đến năm 2020 là 100 héc-ta.
Dự kiến năm đầu tiên, công ty sẽ tiêu thụ từ 2 - 5 tấn rau, củ, quả các loại mỗi ngày, sau đó tăng dần lên. Chúng tôi chú trọng điểm khác biệt và nổi bật trên bao gói, nhãn mác sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết đâu là rau an toàn” – anh Trí thông tin.
Đối với các chủng loại rau an toàn mà An Giang chưa sản xuất, Công ty Phan Nam hợp tác với các hợp tác xã ở Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh để nhập về. Riêng nguồn trái cây an toàn, công ty sẽ ưu tiên liên kết một số nhà vườn vùng ĐBSCL để cung ứng cho người tiêu dùng.
Hiện nay, Công ty Phan Nam đã có 9 hộ tiểu thương tại các chợ truyền thống đăng ký bán nông sản an toàn, gồm các chợ: Mỹ Bình, Long Xuyên, Mỹ Quý, Bình Khánh, Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên); chợ thị trấn An Châu (Châu Thành; chợ Phú Tân, Phú Bình (Phú Tân).
Bên cạnh đó, còn có siêu thị Metro, Co.opmart Long Xuyên, các nhà hàng Khoa Trí, Thắng Lợi, Làng Tôi, bếp ăn Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, bếp ăn Trường phổ thông Thực hành sư phạm An Giang…
“Phấn đấu đến cuối năm 2015, công ty sẽ mở rộng liên kết với 30 hộ tiểu thương ở các chợ truyền thống, 3 siêu thị, 20 nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể… để đưa rau an toàn đến đông đảo người dân. Khi đó, cả người trồng rau và người tiêu dùng đều có lợi” – anh Trí quyết tâm.
Có thể bạn quan tâm

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) có nguồn gốc lâu đời tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là giống gà quý hiếm, từng là vật tiến vua. Hiện nay, giống gà này đã được nuôi rộng rãi ở các các tỉnh phía Bắc và gần đây là khu vực tỉnh Đồng Nai. Tại Tây Ninh cũng đã xuất hiện một số hộ dân đầu tư và nuôi thử nghiệm giống gà mới này. Tuy bước đầu nuôi thử nghiệm nhưng thực tế đã cho thấy được hiệu quả kinh tế mà giống gà này mang lại.

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nông dân TP Cà Mau không ngừng tăng gia sản xuất với nhiều mô hình cho thu nhập khá, trong đó mô hình trồng rau má thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế bền vững, giúp nông dân từ nghèo đói vươn lên khấm khá.

Trong vòng hơn một tháng qua, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình khốn đốn khi cả vốn lẫn lãi bỗng chốc tan biến như bọt nước.

Những cơn mưa lớn trong suốt tuần qua đã làm các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột làm 518ha tôm nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại với các biểu hiện phát bệnh gan tụy, đốm trắng và một số không rõ nguyên nhân. Tôm thiệt hại chủ yếu giai đoạn từ 20 - 45 ngày tuổi đối với tôm sú và 20 - 30 ngày tuổi đối với tôm thẻ chân trắng.

Trung tuần tháng 7, Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long (Bình Phước) tổ chức cho câu lạc bộ trồng tiêu và các hộ dân đến tham quan mô hình trồng tiêu “3 không” (không làm bồn, không làm cỏ, không bị chết) cho năng suất 8 - 10 tấn/ha của hộ anh Nguyễn Văn Ánh ở khu phố Phú Lạc, phường Phú Đức (TX. Bình Long).