Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên kết phát triển bền vững ngành dừa

Liên kết phát triển bền vững ngành dừa
Ngày đăng: 23/04/2015

Bấp bênh đầu ra

Cả nước có khoảng 150.000 ha trồng dừa, đây là cây công nghiệp lâu năm có diện tích đứng thứ tư sau cao su, cà phê và điều. Riêng diện tích trồng dừa Bến Tre hiện chiếm 40% diện tích trồng dừa cả nước, với khoảng 63.000ha, sản lượng hằng năm trên 500 triệu trái.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, trong tổng sản lượng 500 triệu trái hằng năm, khoảng 20 - 25% được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa.

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 43,3 triệu USD; năm 2010 tăng lên mức 74,64 triệu USD và năm 2014 đạt 191,46 triệu USD. Thị trường xuất khẩu dừa ngày càng mở rộng, nhưng theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Bến Tre: Dừa Bến Tre chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, có nền chính trị không ổn định.

Điều này khiến đầu ra của sản phẩm dừa phụ thuộc rất lớn vào biến động thị trường. Có những lúc giá thị trường xuống tận đáy (giai đoạn 2010 - 2011: giá dừa xuống còn 15.000 đồng/chục (12 trái) và có thời điểm người trồng dừa không bán được sản phẩm do mình làm ra vì không có thương lái thu mua.

Thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, tỉnh có trên 163.000 hộ dân trồng dừa, nhưng có đến 75% trong số này có diện tích trồng dưới 5.000m2, diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán nên khâu liên kết sản xuất yếu, đầu ra của trái dừa bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân trồng dừa ở ấp Thới Trị, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, cho biết: “Gia đình tôi trồng 0,9 ha dừa xen các loại cây khác, trong đó 0,4ha chuyên trồng dừa xiêm xanh.

Hằng năm thu hoạch 15.000 trái, trừ các chi phí, tôi còn lời khoảng 63 triệu đồng. Hiện nay, đa số nông dân trồng dừa trong ấp đều bán cho thương lái tại địa phương, không qua khâu sơ chế; mạnh ai nấy bán. Và cũng không có nhà máy, DN đến mua dừa của nông dân nên giá cả không ổn định”.

Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre, vì nông dân bán dừa cho thương lái nên họ chỉ quan tâm đến giá dừa trái mà không quan tâm đến chuỗi giá trị ngành dừa. Khi giá dừa tăng cao thì DN chế biến sản phẩm dừa gặp khó, khi giá bán thấp thì nông dân giảm thu nhập.

Hằng năm, thương nhân Trung Quốc đến Bến Tre mua khoảng 1 trăm triệu trái dừa loại 1 cũng khiến DN chế biến trong tỉnh điêu đứng vì khó cạnh tranh về giá mua. Mặt khác, khi DN xuất khẩu sản phẩm dừa sang thị trường Trung Quốc phải chịu thuế 37%, còn thương nhân Trung Quốc được tỉnh miễn thuế. Điều này khiến môi trường cạnh tranh không bình đẳng, phần thiệt thuộc về DN Việt.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Cây dừa là cây cuộc sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh. Phần lớn đều không có nhiều đất sản xuất, nếu không được tiêu thụ tốt và có lợi cho họ thì thu nhập, đời sống của người trồng dừa bị ảnh hưởng, trách nhiệm có phần thuộc về chính quyền các cấp”.

Theo ông Cao Văn Trọng, tỉnh tổ chức Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 vừa qua là dịp để tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, DN, nông dân để kết nối, thúc đẩy sự phát triển của ngành dừa. Đồng thời, tỉnh mong muốn sự hỗ trợ từ Trung ương để trở thành trung tâm phát triển ngành dừa của khu vực (nghiên cứu, cung ứng dừa giống, chế biến xuất khẩu) và đầu mối liên kết với các địa phương trồng dừa cả nước.

Cần tầm nhìn chiến lược

Theo Tiến sĩ Trần Tiến Khai, Trưởng Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết, thời điểm 2011 - 2012, cuộc đua thu mua dừa nguyên liệu của thương nhân Trung Quốc tại thị trường Bến Tre đã đẩy DN vào tình thế khó và cơn sốt dừa hạ nhiệt trong năm 2012 khi thị trường Trung Quốc đóng băng đã đẩy người trồng dừa vào tình cảnh khốn đốn. Do đó, cần đánh giá lại quá trình sản xuất, tiêu thụ để liên kết, nâng chuỗi giá trị ngành dừa một cách bài bản.

Tiến sĩ Trần Tiến Khai dẫn chứng: “Mức giá xuất khẩu cao nhất của dừa trái là năm 2010 đạt 478 USD/1.000 trái. Nếu biết chế biến xa hơn thành các sản phẩm như: cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, thạch dừa thì 1.000 trái dừa tạo ra đến 575 USD giá trị gia tăng. Nếu có khả năng chế biến sâu hơn nữa thì lợi ích không chỉ dừng lại ở 575 USD mà sẽ nâng lên 900 USD/1.000 trái dừa. Không chỉ vậy, chế biến dừa còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động, giải quyết sinh kế nông thôn”.

Theo Tiến sĩ Trần Tiến Khai, để nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa, DN cần đóng vai trò dẫn dắt. DN là thị trường trực tiếp của người trồng dừa và đóng vai trò tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường, giá trị gia tăng. DN chế biến còn cung cấp cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời đóng vai trò liên kết giữa ngành dừa Việt Nam với thế giới, quảng bá hình ảnh, sản phẩm dừa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Để DN làm được vai trò dẫn dắt cần tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Trước năm 2012, công ty chỉ sản xuất cơm dừa sấy khô và dầu dừa thô nên khả năng cạnh tranh của DN không cao khi nguồn nguyên liệu luôn biến động. Chất lượng sản phẩm hạn chế nên khó tiếp cận các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ…

Năm 2012, công ty được tỉnh xét cho vay ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất nước cốt dừa đóng lon. Năm 2015, công ty tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ mới để đóng gói dầu dừa nguyên chất và nước cốt dừa, nước dừa theo hướng tự động hóa để đáp ứng yêu cầu khó tính của thị trường xuất khẩu.

Với phương pháp này, công ty đã làm tăng giá trị dừa nguyên chất từ 15 - 20% so với phương pháp ép lạnh, chất lượng dầu dừa sau chế biến sẽ giữ được các chất khoáng vi lượng và vitamin”. Bà Châu cho rằng, đầu tư công nghệ rất tốn kém, trong khi khả năng tài chính của DN còn hạn chế, rất cần sự quan tâm của các ngành hữu quan để DN ngành dừa mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm thị trường mới.

Tại hội thảo “Liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa” mới đây ở Bến Tre, các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, cần liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thị để nâng cao giá trị ngành dừa. “Để ngành dừa phát triển bền vững, phải có được tầm nhìn chiến lược và sự phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội với DN, cùng các bộ, ngành Trung ương. Từ đó, có kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn cụ thể” - bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam khẳng định.

Các nhà khoa học nghiên cứu giống dừa chất lượng, Nhà nước hỗ trợ DN đầu tư công nghệ, xúc tiến thương mại, DN đầu tư cho nông dân, bao tiêu thị trường đầu ra… Có như vậy, ngành dừa mới phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Xuống Giống Tập Trung Né Rầy Trên Lúa Vụ Thu Đông Xuống Giống Tập Trung Né Rầy Trên Lúa Vụ Thu Đông

Theo đó, sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân tiến hành làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ. Đồng thời, tập trung xuống giống né rầy 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 1 đến 8-8 (nhằm ngày 25-6 đến 2-7 âm lịch); đợt 2 từ ngày 22 đến 31-8 (nhằm ngày 16 đến 25-7 âm lịch).

03/08/2013
Khóc Ròng Vì Cá Điêu Hồng Chết Đột Ngột Ở Đồng Tháp Khóc Ròng Vì Cá Điêu Hồng Chết Đột Ngột Ở Đồng Tháp

Gần 1 tuần nay, ở Đồng Tháp, nhiều hộ dân nuôi cá bè trên sông Đốc Binh Vàng, đoạn từ ấp Nam, xã Tân Thạnh đến cồn Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình đang rất hoang mang trước tình trạng cá điêu hồng bị chết một cách bất thường, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

21/11/2012
Trồng Cà Tím Giống Mới Lãi 200 Triệu Đồng/ha Trồng Cà Tím Giống Mới Lãi 200 Triệu Đồng/ha

Thời gian gần đây, cà tím giống mới của Thái Lan VIOLET KING 252 cho năng suất cao, được bà con nông dân ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trồng khá phổ biến. Nhờ trồng loại cây này nhiều gia đình đã giàu lên, tiêu biểu là hộ anh Bùi Đình Tuấn, hiện ở khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, với diện tích 3 ha trồng cà tím, thu nhập 600 triệu đồng.

23/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Nhện Ở Bình Dương Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Nhện Ở Bình Dương

Nhắc đến tên của loài rắn này, không ít người nghĩ rằng đây là loài rắn độc, rất khó gần chứ nói gì đến việc thuần chủng, nuôi nhốt. Vậy mà hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đã chọn nuôi bởi lợi nhuận rất cao. Tính trung bình, người nuôi lãi ròng khoảng 1 triệu đồng/con/năm.

26/11/2012
Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

23/06/2013