Liên Kết Làm Giàu

Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Từ câu lạc bộ “cùng sở thích chăn nuôi”…
Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi heo ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) lúc đầu chỉ có 6 thành viên, nhưng đến nay đã tăng lên 22 thành viên với quy mô nuôi trên 300 heo nái sinh sản và khoảng 2.000 heo thịt. CLB đã tập hợp những hội viên có tâm huyết trong chăn nuôi, góp phần vào quá trình phát triển chăn nuôi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên.
Ông Nguyễn Minh Hoa-Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Sở dĩ ngày càng có nhiều hộ tham gia CLB là vì thấy có nhiều cái lợi. Khi gặp vấn đề gì về kỹ thuật hay heo bị bệnh thì sẽ có kỹ thuật của CLB hướng dẫn cho cách trị bệnh. Ngoài ra còn được Trạm Thú y huyện hỗ trợ thuốc sát trùng chuồng trại, Công ty cám Greenfeed hỗ trợ tinh heo… Đặc biệt thị trường đầu ra cũng đã có thành viên trong CLB đảm nhận thu mua. “Chỉ cần trước ngày bán gọi điện báo trước là có người vô bắt heo, không phải lo lắng gì hết”, ông Hoa chia sẻ.
Để đảm bảo nuôi heo hiệu quả, chủ động con giống, hạn chế dịch bệnh do mua con giống trôi nổi trên thị trường, các thành viên CLB đã xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín, có hầm biogas. Đồng thời mỗi hộ đều mua máy phát điện để đảm bảo nguồn điện bơm nước cho heo uống và thắp đèn sưởi ấm cho heo con trong những ngày giá lạnh. CLB mỗi tháng sinh hoạt một lần và đều có cán bộ kỹ thuật của Công ty cám Greenfeed tham dự để hướng dẫn những kỹ thuật mới.
Hiện tại, mỗi thành viên CLB đều có ít nhất 10 heo nái sinh sản. Vì vậy họ đã chủ động được con giống. Nhiều hộ đã mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi, sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ thành viên trong CLB cũng như bán ra thị trường. Điển hình như anh Nguyễn Hoài hiện đang có số heo nái sinh sản lên đến 40 con. Tuy nhiên, anh vẫn muốn tiếp tục phát triển đàn heo theo hướng công nghiệp, hiện đại hơn nên anh cùng với hai thành viên khác trong CLB mua thêm 2ha đất và đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi heo.
… đến thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Là nông dân nhưng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Long (Bình Sơn) chỉ có vài ba sào ruộng. Không có đất để trồng trọt nên anh quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi gà.
Lúc đầu do không có vốn, diện tích đất để xây dựng chuồng trại cũng eo hẹp nên anh Minh chỉ nuôi vài trăm con gà ở trong vườn nhà. Nhưng rồi thấy chăn nuôi cũng có lãi, có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học nên anh quyết định đầu tư chăn nuôi lớn.
“Cũng nhờ thằng em nó có rẫy keo ở trên núi nên hai anh em tôi lên đó khoanh lưới thả gà. Được cái chăn nuôi ở trên núi cách xa khu dân cư nên mình có thể nuôi với số lượng lớn mà không sợ ảnh hưởng đến môi trường và cũng hạn chế được dịch bệnh”, anh Minh chia sẻ.
Hiện tại, anh Minh nuôi trên 8.000 con gà thịt. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 2.000 con. Mỗi năm đàn gà cho anh thu nhập trên 150 triệu đồng.
Nhiều người thấy vợ chồng anh Minh không có đất sản xuất nhưng vẫn “sống khỏe” nên đã tìm đến học hỏi. Từ đó anh Minh cùng một số hộ chăn nuôi khác trong xã cùng nhau thành lập CLB chăn nuôi gà. Đến nay CLB đã có 12 thành viên.
Anh Minh cho hay: “Cái được lớn nhất đối với mỗi thành viên CLB là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, cùng tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình nuôi. Thu nhập của các thành viên được cải thiện rõ rệt. Nhiều người có của ăn của để và mua sắm vật dụng, tiện nghi trong gia đình”.
Trước nỗi lo dịch bệnh cũng như thị trường đầu ra bấp bênh thì việc các hộ nông dân chủ động tập hợp, liên kết lại để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, nhất là giải quyết được thị trường đầu ra là một cách thức làm kinh tế đáng để nông dân trong tỉnh học hỏi.
Có thể bạn quan tâm

Xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang) có lợi thế về những đồng cỏ tự nhiên và sản phẩm phẩm phụ dồi dào từ nông nghiệp như ngô, lạc, đậu đỗ… Trong những năm qua xã Tùng Vài đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình trong xã

Ngày 20.6, Hội ND huyện Tiên Phước tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017. Đây là huyện được Hội ND tỉnh Quảng Nam chọn làm điểm tổ chức đại hội khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.

Trong 3 tháng đầu năm nay, đã có trên 100 héc ta đất lúa ở các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Nam… của huyện Cai Lậy được bà con nông dân chuyển sang ươm cá tra giống, đó là thông tin được ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết tại buổi hợp báo về tình hình kinh tế - xã hội quí 1 vào chiều 11/4 tại Tiền Giang.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cách đây 7 năm, do giá nhãn tiêu quế bấp bênh nên nông dân Nguyễn Văn Tân đã quyết định đốn bỏ vườn nhãn đang trong thời kỳ xanh tốt và cho trái sai để thay thế bằng cây sầu riêng. Điều đó đã làm cho nhiều hộ ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (Chợ Lách - Bến Tre) - nơi ông sinh sống không khỏi ngạc nhiên. Những kết quả hôm nay đã chứng minh rằng: năng động và nhạy bén là một trong những yếu tố quan trọng để đi đến thành công.