Liên Kết Làm Giàu

Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Từ câu lạc bộ “cùng sở thích chăn nuôi”…
Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi heo ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) lúc đầu chỉ có 6 thành viên, nhưng đến nay đã tăng lên 22 thành viên với quy mô nuôi trên 300 heo nái sinh sản và khoảng 2.000 heo thịt. CLB đã tập hợp những hội viên có tâm huyết trong chăn nuôi, góp phần vào quá trình phát triển chăn nuôi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên.
Ông Nguyễn Minh Hoa-Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Sở dĩ ngày càng có nhiều hộ tham gia CLB là vì thấy có nhiều cái lợi. Khi gặp vấn đề gì về kỹ thuật hay heo bị bệnh thì sẽ có kỹ thuật của CLB hướng dẫn cho cách trị bệnh. Ngoài ra còn được Trạm Thú y huyện hỗ trợ thuốc sát trùng chuồng trại, Công ty cám Greenfeed hỗ trợ tinh heo… Đặc biệt thị trường đầu ra cũng đã có thành viên trong CLB đảm nhận thu mua. “Chỉ cần trước ngày bán gọi điện báo trước là có người vô bắt heo, không phải lo lắng gì hết”, ông Hoa chia sẻ.
Để đảm bảo nuôi heo hiệu quả, chủ động con giống, hạn chế dịch bệnh do mua con giống trôi nổi trên thị trường, các thành viên CLB đã xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín, có hầm biogas. Đồng thời mỗi hộ đều mua máy phát điện để đảm bảo nguồn điện bơm nước cho heo uống và thắp đèn sưởi ấm cho heo con trong những ngày giá lạnh. CLB mỗi tháng sinh hoạt một lần và đều có cán bộ kỹ thuật của Công ty cám Greenfeed tham dự để hướng dẫn những kỹ thuật mới.
Hiện tại, mỗi thành viên CLB đều có ít nhất 10 heo nái sinh sản. Vì vậy họ đã chủ động được con giống. Nhiều hộ đã mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi, sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ thành viên trong CLB cũng như bán ra thị trường. Điển hình như anh Nguyễn Hoài hiện đang có số heo nái sinh sản lên đến 40 con. Tuy nhiên, anh vẫn muốn tiếp tục phát triển đàn heo theo hướng công nghiệp, hiện đại hơn nên anh cùng với hai thành viên khác trong CLB mua thêm 2ha đất và đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi heo.
… đến thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Là nông dân nhưng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Long (Bình Sơn) chỉ có vài ba sào ruộng. Không có đất để trồng trọt nên anh quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi gà.
Lúc đầu do không có vốn, diện tích đất để xây dựng chuồng trại cũng eo hẹp nên anh Minh chỉ nuôi vài trăm con gà ở trong vườn nhà. Nhưng rồi thấy chăn nuôi cũng có lãi, có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học nên anh quyết định đầu tư chăn nuôi lớn.
“Cũng nhờ thằng em nó có rẫy keo ở trên núi nên hai anh em tôi lên đó khoanh lưới thả gà. Được cái chăn nuôi ở trên núi cách xa khu dân cư nên mình có thể nuôi với số lượng lớn mà không sợ ảnh hưởng đến môi trường và cũng hạn chế được dịch bệnh”, anh Minh chia sẻ.
Hiện tại, anh Minh nuôi trên 8.000 con gà thịt. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 2.000 con. Mỗi năm đàn gà cho anh thu nhập trên 150 triệu đồng.
Nhiều người thấy vợ chồng anh Minh không có đất sản xuất nhưng vẫn “sống khỏe” nên đã tìm đến học hỏi. Từ đó anh Minh cùng một số hộ chăn nuôi khác trong xã cùng nhau thành lập CLB chăn nuôi gà. Đến nay CLB đã có 12 thành viên.
Anh Minh cho hay: “Cái được lớn nhất đối với mỗi thành viên CLB là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, cùng tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình nuôi. Thu nhập của các thành viên được cải thiện rõ rệt. Nhiều người có của ăn của để và mua sắm vật dụng, tiện nghi trong gia đình”.
Trước nỗi lo dịch bệnh cũng như thị trường đầu ra bấp bênh thì việc các hộ nông dân chủ động tập hợp, liên kết lại để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, nhất là giải quyết được thị trường đầu ra là một cách thức làm kinh tế đáng để nông dân trong tỉnh học hỏi.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.

Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.

Nhiều năm đứng trên đất lúa ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh (Đồng Tháp)... cây sen đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá tôm nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau tăng mạnh. Tôm loại 1 cỡ 20 con/kg tăng từ 230.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Tôm nguyên liệu loại 25 – 30 con/kg giá từ 180.000 đồng lên 220.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, mô hình cánh đồng mía mẫu áp dụng cơ giới hóa được triển khai trong niên vụ mía 2013-2014 trên 40ha tại các xã Ea Ly (Sông Hinh) 10ha, Ea Chà Rang (Sơn Hòa) 10ha và Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) 20ha.