Liên Kết Giữa Doanh Nghiệp - Nông Dân Lo Chữ Tín

Hiện tại, không thiếu mô hình doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu nông sản. Nhưng trong thực tế, nhiều mô hình liên kết này thiếu tính bền vững. Nông dân sẵn sàng phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, DN không thực hiện đúng các cam kết trong bao tiêu khi thị trường bất lợi.
Trong giai đoạn hội nhập, yêu cầu sản xuất nông nghiệp phải đạt sản lượng lớn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh nên việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản mang ý nghĩa sống còn.
* Chưa trọng chữ tín
Đồng Nai có một số loại cây trồng có diện tích lớn và đã bắt đầu hình thành một số chuỗi liên kết giữa DN và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ, như: điều, cà phê, ca cao…
Nhưng nông dân vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn “chặt trồng, trồng chặt”, chuyển đổi hết loại cây trồng này sang cây trồng khác vì đầu ra bấp bênh. Trong khi đó, DN lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu chế biến. Để gỡ khó về vấn đề này, Đồng Nai đã hình thành được một số chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Nhưng do thiếu chữ tín, thiếu sự xem trọng các hợp đồng bình đẳng giữa 2 bên nên thực tế đã xảy ra việc vi phạm cam kết cả ở phía DN và nông dân. Trong đó, tình trạng nông dân không tuân thủ các hợp đồng bao tiêu nông sản đã ký kết đang là mối e ngại không nhỏ cho phía DN khi muốn hợp tác với nông dân.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), chia sẻ nhiều năm nay DN đã thực hiện liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu ca cao. DN phải bỏ thời gian, chi phí đầu tư gối đầu cho nông dân từ khâu giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng ca cao...
Nhưng hiện DN phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc mua sản phẩm, thương lái thường trả cao hơn mức giá bao tiêu của DN để thu gom nguồn hàng. Trong khi đó, nông dân vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá vỡ cam kết với DN. “Cái khó là tuy 2 bên có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng việc thực hiện cam kết lại chủ yếu dựa trên lòng tin. Ở đây rất cần xây dựng chế tài xử lý vi phạm một cách cụ thể, hiệu quả” - ông Khanh đề nghị.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai, nhận xét: “Tỉnh đang triển khai nhiều mô hình thí điểm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phía ngân hàng rất quan tâm cho vay vốn các dự án này. Tuy nhiên, cơ sở để giải ngân cho những mô hình thí điểm này là mối liên kết giữa DN và nông dân có bền vững hay không, vì nó quyết định tính khả thi của dự án”.
* Cần sự bình đẳng
Mục tiêu của liên kết DN và nông dân là cùng phát triển trên cơ sở chia sẻ lợi ích lẫn rủi ro giữa các bên tham gia. Chính vì vậy, các bên tham gia trong chuỗi giá trị phải được đảm bảo về sự bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất, cho rằng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thiếu bền vững không hoàn toàn chỉ do lỗi từ phía nông dân, thực tế đã xảy ra tình trạng vi phạm cam kết từ DN. Theo ông Bưởi: “Bài học từ cây điều, có những năm giá mua quá thấp khiến nông dân ồ ạt chặt bỏ loại cây trồng này.
Như vậy, DN nên tính toán để đưa ra mức giá bao tiêu nông sản đảm bảo nông dân có đồng lời khi đầu tư sản xuất. Mặt khác, tỉnh phải xây dựng quy chế xác định rõ trách nhiệm từng đối tượng trong chuỗi liên kết và có chế tài cụ thể, xử lý khi có trường hợp vi phạm”.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cũng cho rằng ở đây không thể dùng biện pháp hành chính để buộc nông dân sản xuất theo quy hoạch Nhà nước, mà phải nâng cao thu nhập cho họ bằng giá mua sản phẩm và có cơ chế tốt để khuyến khích.
Vấn đề căn bản nhất trong xây dựng liên kết DN và nông dân là bao tiêu sản phẩm phải tính đến trường hợp khi giá cả thị trường biến động. Mặt khác, các dự án liên kết này phải thực hiện đúng quy hoạch, đúng quy trình thì mới đủ điều kiện được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999 - 2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực.

Xây dựng quy trình thực hành sản xuất theo 4 tiêu chí này, sản phẩm rau của bà con nông dân xã Ninh Đông - Thị xã Ninh Hòa đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 thuộc Cục quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp chứng nhận VietGAP.

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Trung tâm Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hồ tiêu toàn tỉnh Bình Phước hiện có 11.600 ha, tăng hơn 1.000 ha so năm 2013. Tuy nhiên diện tích tiêu chết vì bệnh đang tăng nhanh. Sâu bệnh gây hại chủ yếu trên hồ tiêu là tuyến trùng với 976 ha, rệp sáp là 393 ha.

Niên vụ 2014 - 2015, Tân Châu (Tây Ninh) có trên 6.800 ha mía. Theo Trạm bảo vệ thực vật huyện, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại lên đến gần 1.000 ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, Tân Thành gần 200 ha, Suối Dây trên 160 ha… với tỷ lệ nhiễm từ 5 - 15%.

Những năm gần đây, người dân ở phường Hòa Lợi, TX. Bến Cát (Bình Dương) đã tận dụng diện tích đất trong vườn cao su, đất xung quanh nhà phát triển mô hình trồng rau màu đạt hiệu quả cao. Các loại rau màu chủ yếu được trồng là dưa leo, ớt, khổ qua, bầu, bí, cải xanh... Bình quân 1 ha đất trồng dưa leo xen với cây cao su, người nông dân có thể thu về 2 - 3 tấn/ ngày, sau khi trừ chi phí cho lãi 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Anh Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Lợi cho biết, tình trạng giá cao su giảm mạnh trong thời gian gần đây đã làm cho các hộ trồng cao su trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lợi nhuận thu được từ mô hình trồng rau màu xen canh đã góp phần giúp nhiều gia đình khắc phục những khó khăn trước mắt, cải thiện cuộc sống.