Lập Nghiệp Từ Xoài

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.
Tốt nghiệp ngành Trung cấp Hàng hải ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vì tìm việc khó khăn, anh Nhã trở về địa phương sinh sống và công tác. Lớn lên tại vùng đất Cam Lâm, cây xoài vốn gắn bó với anh Nhã từ thuở bé, càng trở nên thân thuộc hơn khi năm 2008, cha anh đột ngột qua đời, để lại cho anh 100 gốc xoài cát Hòa Lộc đang tuổi trưởng thành. Kể từ đó, anh Nhã một tay chăm sóc, phát triển vườn xoài và trở thành lao động chính chăm lo phụng dưỡng mẹ già.
Buổi đầu khởi nghiệp với cây xoài, anh Nhã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chăm chỉ tìm tòi kỹ thuật chăm sóc nhưng mùa thu hoạch đầu tiên (năm 2009) giá bán không cao, trừ chi phí anh chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng. Nhận thấy việc cây cho trái thuận mùa khó mang lại hiệu quả kinh tế, anh Nhã tiếp tục nghiên cứu, học hỏi cách xử lý xoài cho hoa trái vụ, và anh đã thành công. Từ đó đến nay, cứ vào vụ xoài chính, anh Nhã đi mua khoảng chục gốc xoài của người dân trong vùng để chăm sóc rồi thu hoạch, lãi khoảng 10 - 20 triệu đồng.
Vườn xoài của gia đình, anh dồn sức đầu tư, canh tác để cho thu hoạch trái vụ, hy vọng giá bán cao hơn. Để cây trồng đạt năng suất cao, anh Nhã thường xuyên tham khảo tài liệu, sách báo, cập nhật kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật như cách cắt cành tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh thường gặp... “Vụ xoài mới đây, trừ chi phí tôi lãi khoảng 100 triệu đồng” - anh cho biết.
Trên 9 sào đất còn lại của gia đình, anh Nhã trồng mía và mì xen vụ, cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Thành công của anh không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn góp phần tạo việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Anh cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với mọi người, nhất là thanh niên địa phương.
Với suy nghĩ: “Muốn thành công phải luôn học hỏi”, hơn 2 năm nay, anh Nhã theo học lớp đại học tại chức ngành Kinh tế - Trường Đại học Thái Bình Dương vào mỗi tối Thứ bảy, Chủ nhận hàng tuần. Anh chia sẻ: “Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng diện tích xoài kết hợp với các loại hình chăn nuôi. Nếu có vốn vay ngân hàng, tôi sẽ đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, cùng với thanh niên, nhân dân địa phương đẩy mạnh phát triển cây xoài”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Bí thư Đoàn xã Cam Hiệp Bắc nhận xét: “Anh Nguyễn Văn Nhã là thanh niên giàu nghị lực, có ý chí lập thân lập nghiệp. Không chỉ chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất, anh còn luôn phấn đấu học tập nâng cao trình độ, sống hiền hòa, được mọi người yêu mến”.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.

Đợt rầy này đang nở trên lúa thu đông trong giai đoạn đứng cái, trỗ đòng. Mật số rầy trung bình 1.500 - 3.000 con/m2, có nơi mật số cao 6.000 - 7.000 con/m2, cá biệt một số nơi lên đến hơn 10.000 con/m2.

Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...

Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...

Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.