Lão Nông Bình Định Bỏ 1 Triệu Đồng Mua Gà Rừng Về Nuôi, Thu Lãi... Ngàn Đô

Từ đống vốn ít ỏi ban đầu, ông Nam gầy được đàn gà rừng lớn mạnh, mỗi năm ông Nam thu lãi từ 18 triệu – 20 triệu đồng, trở thành nguồn thu bền vững cho gia đình ông.
Từ một triệu đồng mua cặp gà rừng về nuôi, sau hơn một năm ông Sâu Zuôn Nam làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) thu lãi gần 20 triệu đồng.
Ông Sâu Zuôn Nam mê nuôi gà rừng và bảo tồn giống gà hoang dã này từ nhỏ. Năm 2011, khi có điều kiện ông lặn lội khắp các vùng nuôi trong huyện, có lúc ông qua tận huyện Đồng Xuân (Phú Yên) học hỏi kinh nghiệm nuôi gà. Cả tháng ròng rã ở Đồng Xuân, cuối cùng ông Nam mua được cặp gà giống giá một triệu đồng về quê nuôi.
Ban đầu, chưa nắm rõ được tập tính của gà rừng, không biết kỹ thuật nuôi, ông Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cặp gà giống. Ba tháng sau, ông quen dần, tự tìm tòi thêm, nên đã chủ động hơn trong việc chăm sóc. Ông lên chế độ ăn uống, chăm sóc gà một cách khoa học.
Nguồn thức ăn chính của gà rừng là mối. Mối giàu protein giúp gà hấp thụ dinh dưỡng tốt, lớn nhanh. Ngoài thức ăn tự nhiên, ông Nam mua thêm thực phẩm công nghiệp như bột cám, bắp xay, rau, tép khô... cho gà ăn bổ sung.
Sau gần một năm, cặp gà giống bắt đầu ấp nở, và cứ thế từ chỗ 2 con nhân lên 60 con. Gà rừng sinh nở nhanh, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ ấp từ 10 đến 15 trứng. Toàn bộ đàn gà hiện có của ông Nam đều nhân giống từ cặp gà đầu tiên.
Ban đầu ông Nam nuôi gà theo sở thích, bạn hàng của ông chủ yếu là khách quen vì thích tìm đến mua gà giống. Dần dần, nhiều nơi tìm về đặt mua gà thịt để chế biến món ăn đặc sản.
Hiện nay ông Nam bán từ gà giống đến gà thịt, gà 45 ngày tuổi bán 400.000 đồng một cặp, gà 60 ngày bán 600.000-700.000 đồng một cặp, gà 90 ngày tuổi bán trên 1 triệu đồng một cặp. Riêng gà thịt xuất bán giá 200.000 đồng một kg. Còn gà rừng mua về đá mỗi con có giá vài ba triệu trở lên.
"Trại gà của tôi hiện có hơn 60 con, trong đó có 4 cặp gà mái đẻ, số còn lại là gà từ 60 đến 80 ngày tuổi. Ngoài ra, trong trại còn có 4 gà cồ (gà trống) có giá trên 30 triệu đồng”, ông Sâu Zuôn Nam nói thêm.
Từ đống vốn ít ỏi ban đầu, ông Nam gầy được đàn gà rừng lớn mạnh, mỗi năm ông Nam thu lãi từ 18 triệu – 20 triệu đồng, trở thành nguồn thu bền vững cho gia đình ông. Ngoài ra ông Nam còn phát triển mô kinh tế vườn rừng, chăn nuôi bò... tính tổng thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi gà rừng bền vững của ông Sâu Zuôn Nam đang được khuyến khích và phát triển tại địa phương. Ông Lơ O Hòa, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận cho biết, UBND xã sẽ hỗ trợ thêm về kinh phí, đầu tư chuồng trại phát triển bền vững và bảo tồn giống gà rừng hoang giã tại địa phương. Từ cơ sở ban đầu của nhà ông Nam, xã sẽ nhân rộng mô hình này cho các hộ gia đình khác.
Ông Nam chia sẻ: “Tôi đang dự định mở hẳn trang trại chăn nuôi gà rừng trong thời gian tới. Gà rừng tuy được thuần nhưng vẫn ưa môi trường sống tự nhiên, vì thế để đảm bảo phát triển đàn, trước mắt tôi sẽ chuyển đàn lên vùng đồi Chầm Xô, gần khu vực suối Kà Xiêm chăn nuôi.
Vùng đất này vừa có đồi, vừa có nguồn nước lại thuận đường, cách xa khu dân cư nên đảm bảo chăn nuôi an toàn. Do mới nuôi thử nghiệm nên tôi chủ yếu mày mò kinh nghiêm, xem thêm sách báo là chính. Sắp tới, tôi sẽ cho con trai đi học lớp thú y để về phát triển đàn”.
Theo ông Nam, gà rừng có sức đề kháng cao, ít bệnh, tuy nhiên vì đặc tính hoang dã, nên khi còn nhỏ, nhất là trong vòng 15 ngày tuổi, ông phải tập cho gà ăn trên tay để thuần hóa.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.

Những ngày cuối năm âm lịch này, nông dân trồng khoai mỡ ở Phú Mỹ rất phấn khởi, vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, một trong những hộ trồng khoai mỡ lâu năm trong ấp, phấn khởi cho biết, anh có 8 công trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch vừa qua được trên 17 tấn khoai mỡ lớn nhỏ.

Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.

Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.

Ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đưa chúng tôi đến ấp Phước Giang thăm gia đình ông Nguyễn Huỳnh Hắng (sinh năm 1963), một nông dân đã sáng chế và đang vận hành thử nghiệm máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa.