Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lao Đao Trước Bão Gia Cầm Giống Nhập Lậu

Lao Đao Trước Bão Gia Cầm Giống Nhập Lậu
Ngày đăng: 30/05/2013

Chưa khi nào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, sản xuất giống gia cầm trở nên “bi đát” như năm nay. Những năm trước, giá giống gia cầm lên xuống là chuyện bình thường, song đều có quy luật. Nhưng từ khi gà thải loại, gà, vịt giống lậu ồ ạt tràn vào nước ta, sản xuất giống và chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại càng lúng túng.

Không cạnh tranh nổi với gia cầm nhập lậu

Đến thời điểm này, dù đã sau gần 1 năm tăng trưởng âm, giá bán thịt gà trắng vẫn luẩn quẩn ở mức 24.000 - 28.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con gà trắng người chăn nuôi lỗ không dưới 30.000 đồng. Những doanh nghiệp chuyên cung cấp giống gà cũng đang gặp khó khăn. Anh Phạm Văn Lượng, Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ cho biết: “Do gia cầm giống nhập lậu len lỏi vào các vùng chăn nuôi, bán với giá chỉ bằng 1/2 giá sản xuất của doanh nghiệp nên lượng giống gia cầm của chúng tôi bán cũng giảm hơn so với trước đây. Ở khu vực Hải Phòng, chủ yếu chúng tôi bán giống gà màu cho các trang trại chăn nuôi lớn còn số lượng hộ chăn nuôi thả vườn giảm lượng mua hơn hẳn. Hiện giống gà màu chất lượng cao công ty tôi tăng lượng bán chủ yếu ở các tỉnh phía nam”.

Tại “thủ phủ” của phong trào nuôi vịt quy mô lớn đồng thời là trung tâm sản xuất giống thủy cầm của thành phố tại Bắc Hưng (Tiên Lãng), nhiều lò ấp thủ công đã ngừng hoạt động. Các hộ chăn nuôi đang bán trứng tại chợ Bắc Hưng cho biết: họ đang rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": duy trì vịt đẻ cũng "dở" mà bán vịt thịt cũng "không xong". Chị Vũ Thị Thiếm ở xã Nam Hưng (Tiên Lãng) bức xúc: "Thời kỳ cao điểm, giá trứng có lúc được 2.000 đồng một quả. Tuy nhiên, từ khi trứng gia cầm nhập lậu tràn qua biên giới, trứng của chúng tôi xuống giá nhanh quá. Từ 2.000 đồng, giá tụt xuống 1.700 đồng, có lúc còn 1.500 đồng. Nhiều hộ trước đây ấp trứng để bán vịt giống hiện sản xuất cầm chừng, nhiều lứa đành bán trứng vịt lộn. Nguyên nhân là do không cạnh tranh được với giống vịt nhập lậu, giá khoảng 7000 đồng/con”.

Trang trại nhà anh Lương Văn Mười ở xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng hiện đang nuôi khoảng 1.500 con vịt đẻ. Do trứng mất giá trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên mỗi ngày tính sơ gia đình anh cũng lỗ khoảng 750.000 đồng. "Nhà tôi là một trong những trại nuôi nhiều nhất xã. Càng nuôi nhiều thì càng lỗ nặng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì cũng đành bán vịt, dù bán là lỗ. Vịt đẻ mua giống là 55.000 đồng/con, nuôi đến lúc có trứng là khoảng 85.000 đồng/con. Giờ mà bán thì chỉ được 25.000 đồng mà chẳng ai mua cho vì vịt đẻ không ngon bằng vịt thịt. Để trứng ấp thành vịt giống thì cũng khó bán”… anh Mười cho biết.

Mất phương hướng

Việc gà lậu tràn vào quá nhiều khiến người chăn nuôi thua lỗ triền miên gần một năm qua nên giờ gần như ai cũng mất phương hướng, không biết nuôi giống gà nào cho chắc ăn. Chị Nguyễn Thị Thoa, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Lại Xuân (Thủy Nguyên) cho biết: “Trước đây, chúng tôi chăn nuôi gia công cho công ty CP Group thì nuôi gà trắng hay gà màu là do công ty quyết định. Nay chuyển ra nuôi độc lập thì lại đang lúng túng không biết nên nuôi gà trắng hay gà màu. Giống gà trắng thì hiện cứ lấy qua các Công ty thì yên tâm về chất lượng nhưng giá bán lại thấp. Nuôi gà màu, nếu mình mua giống chất lượng thì khó cạnh tranh với các hộ nuôi giống gà màu nhập lậu”.

Theo trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp- PTNT) Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng là băn khoăn chung của nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Trước đây chúng ta thiếu thực phẩm nên phát triển gà trắng là hướng đi hợp lý vì nuôi được theo quy mô công nghiệp, thời gian ngắn, chi phí lại thấp. Nhiều trang trại chăn nuôi ở Hải Phòng đưa gà công nghiệp vào nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian chăn nuôi gà lông trắng, các gia trại, chăn nuôi của dân không thể cạnh tranh nổi với các trang trại chăn nuôi gia công của công ty như CP, Jafa… Ngoài tự sản xuất được giống gà trắng và thức ăn chăn nuôi, các công ty này đều có nhà máy chế biến thực phẩm nên rất ít khi thua lỗ.

Người chăn nuôi nếu nuôi gà trắng khó cạnh tranh với các doanh nghiệp này do nuôi gà trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mọi công nghệ, kỹ thuật, con giống, giá cả phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài. Các trang trại không chăn nuôi gia công chọn việc chăn nuôi gà lông màu để tránh áp lực phải cạnh tranh với các trang trại gia công cho công ty nước ngoài. Đúng thời điểm người chăn nuôi lại ồ ạt từ bỏ con gà trắng quay sang nuôi các giống gà màu truyền thống, thì giống gà màu nhập lậu ồ ạt tràn vào nước ta. Nhiều hộ chăn nuôi đã bị thua lỗ khi mua giống gà nhập lậu do tỷ lệ chết cao. Do vậy, hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố lúng túng không biết nên phát triển chăn nuôi như thế nào để không bị thua lỗ triền miên.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Gà Nòi Lai Theo Mô Hình Sinh Học Nuôi Gà Nòi Lai Theo Mô Hình Sinh Học

Mô hình triển khai tại 2 huyện Châu Thành, An Biên và TX.Hà Tiên từ tháng 5.2014. 15 hộ nuôi thử nghiệm áp dụng phương thức nuôi trong chuồng bao lưới kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Nông dân tham gia được Trung tâm KNKN Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền giống, 30% tiền thức ăn.

09/10/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

09/10/2014
Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ Miền Núi Vẫn Khó Khăn Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ Miền Núi Vẫn Khó Khăn

Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của kinh tế hộ ở các huyện miền núi tỉnh ta. Tuy nhiên, tại các địa phương, chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

09/10/2014
Hỗ Trợ Lãi Suất Cho Khách Hàng Mua Máy Nông Nghiệp Hỗ Trợ Lãi Suất Cho Khách Hàng Mua Máy Nông Nghiệp

Ngày 7-10, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Lễ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác cho vay vốn đối với khách hàng mua máy nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

09/10/2014
Toàn Tỉnh Có 17 Nghìn Ha Cây Ăn Quả Toàn Tỉnh Có 17 Nghìn Ha Cây Ăn Quả

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích một số loại cây ăn quả kém hiệu quả trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Đơn cử như cây vải, hiện chỉ còn khoảng 4.000 ha, giảm 15-20% diện tích so với 5 năm trước. Diện tích một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như nhãn, na, chuối, táo tăng lên do thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là chuối. Riêng 9 tháng của năm nay, nông dân trong tỉnh đã trồng được 83ha chuối.

09/10/2014