Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lao đao mùa dưa hấu

Lao đao mùa dưa hấu
Ngày đăng: 18/04/2015

Giá dưa rớt thê thảm

5 năm trở lại đây, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Định tìm đến các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân thuê đất trồng dưa hấu xuất khẩu. Theo Sở NN-PTNT, đến nay, Phú Yên có hơn 700ha dưa hấu, năng suất bình quân 40 tấn/ha. Những ngày qua, giá dưa liên tục “lao dốc” từ 6.000 đồng xuống 4.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 3.200 đồng/kg. Mỗi hecta dưa hấu, nông dân thua lỗ ít nhất từ 30 đến 40 triệu đồng.

Cũng như nhiều người dân khác ở tỉnh Bình Định, ông Bùi Văn Nổi đến huyện Đồng Xuân trồng dưa hấu và cũng chịu thiệt hại nặng nề. Ông Nổi cho biết: “Tôi trồng gần 1,5ha dưa ở xã Xuân Phước, năng suất hơn 70 tấn. Dưa đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc nhưng giá hiện chỉ còn 3.200 đồng/kg, còn dưa dạt (không đạt tiêu chuẩn), các thương lái trong tỉnh mua với giá 500 đồng/kg. Vụ này tôi lỗ gần 40 triệu đồng”. Khu Miễu Chính, Gò Đồi thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), có 16 trại dưa, diện tích hơn 40ha, trung bình mỗi hecta được đầu tư hết 150 triệu đồng.

Theo người dân địa phương, cơn lũ lịch sử năm 2009 đã bồi lấp khu vực này hơn 1m cát nên không thể trồng sắn ở đây. Từ cuối năm 2014, người dân cải tạo đất chuyển sang trồng dưa hấu, nhưng năng suất chỉ đạt hơn 20 tấn/ha, thấp hơn từ 10 đến 20 tấn/ha so với những nơi đất tốt. Ông Nguyễn Văn Hóa ở tỉnh Bình Định trồng dưa tại khu vực trên chia sẻ: “Nghề trồng dưa hấu rất bấp bênh do giá cả không ổn định, thường xuyên bị ứ đọng hàng. Khi dưa chín phải bán ngay nếu không sẽ bị nứt, thối rữa do nắng nóng. Sau vụ dưa này, chúng tôi phải ngược lên các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục trồng dưa, hy vọng gỡ lại được vốn thua lỗ tại Phú Yên.

Tại 9 trại dưa hấu chuẩn bị thu hoạch có diện tích hơn 7ha ở buôn Thu, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), người dân cũng lo lắng do giá dưa giảm mạnh. Dù muốn hay không, khi dưa chín, họ buộc phải bán cho thương lái, nếu không sẽ phải đổ đi. Nhưng các thương lái gom dưa ở các huyện miền núi Phú Yên xuất sang Trung Quốc cũng đang điêu đứng, có người lỗ bạc tỉ. “Tôi đã 5 lần gom dưa xuất sang Trung Quốc với giá hơn 5.000 đồng/kg, lỗ hơn 500 triệu đồng”, bà Trần Thị Kim Phượng ở xã Nhơn Tân, TX An Nhơn (Bình Định), ngậm ngùi bày tỏ.

Phải đóng nhiều khoản phí

Điều đáng nói là trong khi giá dưa rớt thê thảm, người trồng dưa lại phải đóng nhiều khoản phí cho địa phương, như tiền hỗ trợ nộp ngân sách, phí an ninh - quốc phòng và sửa chữa đường bê tông nông thôn. Các thương lái cũng phải nộp thuế 0,5% tổng giá trị mua hàng và 1% thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, mỗi nơi thu các khoản phí một kiểu. Điển hình như mỗi trại dưa ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, phải đóng 1,1 triệu đồng tiền “Tham gia hỗ trợ ngân sách xã và an ninh - quốc phòng”; 16 trại dưa ở khu vực này còn phải nộp 20 triệu đồng tiền sửa chữa đường bê tông do vận chuyển dưa bằng xe quá tải.

Trong khi đó, mỗi trại dưa ở hai xã Ea Bia và Ea Trol (huyện Sông Hinh) đóng từ 300.000 đến 500.000 đồng phí an ninh - quốc phòng. Ông Nay Y Sét, Chủ tịch UBND xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, cho biết toàn xã có 25 hộ trồng dưa hấu. Thời điểm giá dưa ở mức 6.000 đồng/kg, địa phương thu mỗi xe vận chuyển 1 triệu đồng. Khi dưa hạ xuống còn 4.000 đồng/kg thì giảm mỗi xe 500.000 đồng theo sự chỉ đạo của UBND huyện.

Ông Nguyễn Văn Sỹ ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) - thương lái chuyên thu gom dưa ở huyện Sông Hinh đi Trung Quốc, than phiền: “Từ đầu mùa đến nay, trung bình mỗi ngày tôi xuất từ 50 đến 100 tấn dưa sang Trung Quốc với giá 7.000 đồng/kg, phải đóng các khoản phí cho địa phương gần 20 triệu đồng. Giá dưa thấp, vận chuyển chậm, gặp thời tiết nắng nóng, dưa hư hỏng nhiều, tôi lỗ hơn 1 tỉ đồng. Có chuyến, tôi thu gom 20 tấn dưa nhưng chỉ hơn 3 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn lại phải bán đổ bán tháo. Tôi chưa thấy địa phương nào thu các khoản phí buôn dưa như ở huyện Sông Hinh”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết việc thu phí từ dưa hấu là để tăng thêm ngân sách cho các xã khó khăn.

Theo bà Ngô Thị Kim Vui, Phó cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, cơ quan thuế đã hướng dẫn người nộp thuế tự kê khai doanh thu và tính thuế, xuất biên lai thu đúng quy định, gồm thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo các thương lái, doanh thu từ dưa họ không thể xác định trước vì chưa bán (có chuyến lỗ, chuyến lãi) nên việc thu thuế như trên là chưa phù hợp.


Có thể bạn quan tâm

Ngành chăn nuôi điêu đứng vì chất cấm Ngành chăn nuôi điêu đứng vì chất cấm

Việc sử dụng chất cấm salbutamol nhằm tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Nếu không chặn đứng hiện tượng này, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu và bị người tiêu dùng trong nước quay lưng.

07/09/2015
Triển vọng từ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin Triển vọng từ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin

Hồ tiêu Cư Kuin đã được khẳng định trên thị trường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để quảng bá thương hiệu mặt hàng nông sản này huyện Cư Kuin (tỉnh Đăk Lăk) đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin". Dù phía trước vẫn còn một chặng đường dài phấn đấu, nhưng việc mạnh dạn xây dựng thương hiệu cũng đã mở ra nhiều tín hiệu khả quan cho hàng nông sản địa phương.

08/09/2015
Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 51% Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 51%

Ngày 7.9, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ giảm kỷ lục với mức giảm lên đến 51%.

08/09/2015
 Thanh long cho bò ăn là loại bị sâu bệnh Thanh long cho bò ăn là loại bị sâu bệnh

Có thời điểm, giá thanh long tại Bình Thuận rớt thảm hại do dư thừa nguồn cung. Thanh long xấu xí do sâu bệnh không bán được mới cho bò ăn.

08/09/2015
Chuỗi giá trị nào cho ngành chè Chuỗi giá trị nào cho ngành chè

Khâu đột phá để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững lại không nằm ở kỹ thuật mà phải làm từ khâu tổ chức. Hiện nay, chè được trồng ở 34 tỉnh thành cả nước với diện tích khoảng 125.000 ha, thu hút khoảng 3 triệu lao động tham gia. Tuy nhiên, giá trị của ngành hiện còn thấp chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm, một con số rất khiêm tốn so với xuất khẩu hồ tiêu.

08/09/2015