Lào Cai Thông Đường Xuất Khẩu Nông Sản

Xuất khẩu (XK) hàng nông sản qua các cửa khẩu ở Lào Cai hiện đang gặp không ít khó khăn mặc dù các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động.
Hàng Việt xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Xuất khẩu giảm
Theo số liệu của Cục Hải quan Lào Cai, kim ngạch XK hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lào Cai (không tính tiểu ngạch biên giới) trong tháng 8 ước khoảng 44,9 triệu USD, giảm 53% so với tháng 7 (ước đạt 110,1 triệu USD).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai cho biết, XK hàng nông sản sang Trung Quốc (đường, gạo, cao su, cà phê, chuối, thanh long…) hiện nay đang gặp không ít khó khăn, một số mặt hàng XK chính có dấu hiệu suy giảm mạnh. Đơn cử, trong tháng 8, kim ngạch XK gạo giảm khoảng 47%, kim ngạch XK đường giảm khoảng 23,5% so với tháng 7…
Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt quản lý các mặt hàng XNK biên giới; hạ tầng cửa khẩu còn nhiều bất cập dẫn đến quá tải, năng lực thông quan hạn chế; tính liên kết của DN yếu, cạnh tranh giao nhận, bốc xếp hàng hóa chưa lành mạnh...
Ngoài ra, kim ngạch XK giảm còn do vướng mắc trong thanh toán. Ông Nguyễn Đức Thu- Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai- thông tin: Hiện đối tác Trung Quốc nợ khá nhiều tiền hàng của DN Việt Nam, trong đó có DN XK sắn bị nợ tới hàng chục tỷ đồng.
Tiềm lực tài chính DN Việt Nam có hạn, muốn XK thêm hàng cũng khó và thiếu vốn để hoạt động nếu đối tác Trung Quốc tiếp tục nợ hoặc chậm thanh toán. Một số mặt hàng nông sản có thể XK nhiều như thanh long, vải thiều, chuối… đến nay Trung Quốc đã tự sản xuất nên nhu cầu NK giảm.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XNK và mua bán hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai khoảng 1,384 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2013.
Ưu tiên xuất khẩu nông sản
Có ý kiến cho rằng, việc Lào Cai cấp phép cho một số DN hoạt động tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Bản Vược và Mường Khương vào tháng 6/2014 trong khi đường sá, bến bãi chật hẹp, công tác điều tiết kém hiệu quả đã làm gia tăng ách tắc vận chuyển, quá tải.
Ngày 22/8/2014, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định cho tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất, phần nào giúp cho XK nông sản qua Lào Cai giảm bớt khó khăn, nhất là mặt hàng đường. Chẳng hạn, trước thời điểm ngày 22/8, Công ty Nghĩa Anh tồn kho khoảng 4.000 tấn đường, từ đó đến nay đã xuất được khoảng 3.000 tấn…
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên cũng như ý kiến phản hồi từ ngành Công Thương và Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, kể từ khi tỉnh cho tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất đến nay, tốc độ XK các mặt hàng nông sản qua địa bàn vẫn chậm.
Dự kiến sắp tới, tỉnh sẽ có cơ chế điều tiết XK và tái xuất khẩu theo hướng dành đường riêng cho XK nông sản. Cùng với việc khắc phục yếu kém về hạ tầng, các lực lượng chức năng sẽ trực đến 22- 23 giờ để giải quyết thủ tục cho DN. Bên cạnh đó, các DN phải tích cực trao đổi thông tin với cơ quan chức năng để nắm diễn biến hoạt động ở cửa khẩu, đăng ký lượng hàng và tập kết tại nơi quy định để cơ quan chức năng điều tiết phương tiện và hàng hóa đưa lên cửa khẩu vào thời điểm thích hợp nhằm tránh ách tắc, quá tải, bảo đảm cho hoạt động XK nông sản thuận lợi và tạo điều kiện cho các DN tạm nhập tái xuất.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) đang áp dụng mô hình nuôi rắn hổ hèo trong chuồng cho thu nhập kinh tế cao và ổn định.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Công văn số 1240/UBND-NL của UBND tỉnh về việc kiểm tra việc gieo ươm giống mắc ca của Công ty TNHH Giống cây trồng VinaMacca Đức Anh Gia Lai. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra Quyết định số 277/QĐ-SNN thành lập đoàn thanh tra tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hộ dân tại xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) mua và trồng giống cây bơ Booth do Viện Ea Kmat (có trụ sở tại Đak Lak) cung cấp đã bị chết hàng loạt. Một số ít cây còn sống đều phát triển còi cọc.

Nhằm đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt được tăng gấp đôi (100 triệu đồng).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định rằng so với các loại cây trồng khác, mía đường vẫn là ngành được bảo hộ cao nhất; phải gấp rút thực hiện giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành mía đường.