Làng Trứng Châu Mai (Hà Nội)

Người dân thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội), có nghề nuôi vịt đẻ trứng. Nhắc đến nghề này, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ tươi cười: "Trứng vịt lộn người Hà Nội ăn đều có xuất xứ từ làng tôi cả. Trứng vịt của làng có mặt ở khắp nơi: Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, nhưng chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Nhờ trứng mà hộ nghèo ở thôn này giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều gia đình sáng "mở mắt" ra đã có cả triệu đồng tiền lãi.
Thu tiền triệu mỗi ngày
Trong khu chuyển đổi của gia đình ông Đào Quang Tư, hàng nghìn con vịt đẻ tung tăng bơi lội. Gia đình ông Tư có 8 mẫu ruộng, vừa đào ao thả cá, vừa chăn nuôi vịt. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình thu hoạch 2 vụ cá, sản lượng 5 tấn, được khoảng 400 triệu đồng. Riêng 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu về 2.600 quả trứng. Mấy tháng gần đây, trứng vịt được giá, mỗi ngày tiền bán trứng, trừ chi phí, gia đình ông Tư thu lãi 1 triệu đồng. Mặc dù mỗi ngày thu hàng nghìn quả trứng nhưng theo ông Tư, gia đình ông vẫn thuộc những hộ thu nhập khiêm tốn so với các hộ khác trong thôn.
Ở Châu Mai, nhiều hộ nuôi quy mô lên tới 5.000 - 6.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu hơn 5.000 trứng vịt, cộng với việc ấp trứng, bán trứng vịt lộn, lãi 1-2 triệu đồng một ngày. Cùng khu chuyển đổi của thôn Châu Mai, gia đình ông Đào Bá Đạt cũng có ao thả cá và nuôi 2.000 con vịt.
Ông Đạt so sánh với cấy lúa truyền thống thì chăn nuôi cho hiệu quả cao gấp hàng trăm lần. "Một năm 2 vụ lúa, được mùa thì đạt 4 tạ/sào. Nhân với giá thóc 7.000 đồng/kg, được 1,4 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí giống, công làm đất, công tuốt lúa còn lại chẳng được bao. Bây giờ thả cá và nuôi vịt, mỗi hộ trong khu chuyển đổi lãi cả triệu đồng một ngày.
Không chỉ giỏi chăn vịt, thôn Châu Mai còn có 120 hộ làm nghề ấp trứng, công suất 16-18 nghìn quả/lò, tính ra, mỗi lứa ấp (18 ngày), cả làng cung cấp ra thị trường 1.300.000 quả trứng. Mỗi lò ấp trứng lại kéo theo 10 lao động đi chợ trứng. Cả xã, gần như 100% hộ có thu nhập ổn định nhờ nghề trứng. Nhờ có nghề này, Châu Mai không có người dân nào thất nghiệp.
Xây dựng thương hiệu
Ông Đào Quang Tư nhẩm tính, lúc mới ra khu chuyển đổi, gia đình ông phải đầu tư rất nhiều. Bao công sức bỏ ra đào ao, đắp bờ, làm chuồng trại, rồi mua sắm dụng cụ, tiền đổ vào đó hết 300 triệu đồng. Nay khu đồng này đã cho thu nhập ổn định. Song người chăn nuôi ở Liên Châu vẫn chưa thực sự hết khó khăn. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, cần phải có thêm vốn, tuy nhiên đi lên từ nông nghiệp, đồng vốn cho sản xuất có hạn, không ít hộ phải đi vay lãi để đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn, giúp các hộ dân đầu tư vào vùng chuyển đổi để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân Quỹ Khuyến nông đợt 1 cho 12 hộ dân vùng chuyển đổi ở Châu Mai, với số tiền lên tới 4,8 tỷ đồng. Vẻ mặt rạng ngời, ông Tư cho hay, sau khi được vay vốn, gia đình sẽ cải tạo lại khu chăn nuôi cho quy củ hơn và mua thức ăn dự trữ cho cá và vịt. "Trước đây, thức ăn cho cá và vịt thường mua theo ngày, theo tuần vì không có vốn.
Nay được vay tiền không lãi suất, gia đình sẽ mua thóc tích trữ và như vậy, giá thức ăn sẽ hạ hơn so với đong lẻ" - ông Tư nhẩm tính. Còn ông Đào Bá Đạt chia sẻ, với số tiền được vay 300 triệu đồng, gia đình sẽ mua thêm 1 máy ấp trứng để bán trứng vịt lộn và mua thêm 2.000 con vịt đẻ, mở rộng quy mô.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ cho biết, sau thành công dồn điền, đổi thửa vào năm 1997, xã Liên Châu đã hình thành hơn 80 trang trại kết hợp. Đáng chú ý, 110ha ruộng ở các cánh đồng trũng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh, nay đã hình thành khu trang trại kết hợp thả cá, chăn vịt, cho giá trị kinh tế cao.
Năm 2013, Liên Châu đã trở thành một trong 8 vùng được ngành nông nghiệp Hà Nội xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện xã đang xúc tiến xây dựng thương hiệu trứng vịt lộn thôn Châu Mai. Khi có thương hiệu, chắc chắn sản phẩm trứng vịt lộn của thôn sẽ được nhiều người biết đến.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Minh Hải (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới trồng thí nghiệm ở Cà Mau ba loại cây, trong đó có cây chà là ăn trái rất có hiệu quả.

Theo báo cáo từ Chi cục kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay toàn tỉnh còn gần 5.000 con cá sấu không có đầu ra, tình hình này khiến cho hàng trăm hộ nuôi cá sấu bị thiệt nặng về kinh tế. Trong khi đó cá sấu để lâu trong chuồng trại lâu chừng nào thiệt hại kinh tế lớn chừng ấy vì chi phí mua thức ăn cho cá sấu rất cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Sóc Trăng, hỏi “Người nuôi tôm cần gì ở Chính phủ?”. Tất cả những người nuôi tôm đều trả lời “thủy lợi”. Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói cụ thể hơn, hệ thống thủy lợi quá khứ để lại chỉ phục vụ trồng lúa, chưa phục vụ nuôi tôm

Được hai ông bạn cùng ở ngoại thành Hà Nội, một là nông dân ở Thạch Thất và một là thạc sỹ, giảng viên Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ) rủ cùng làm nấm, tôi bảo: Tôi chỉ biết đánh “võ mồm” thôi, ngoài ra chẳng biết gì sất.

Năm 2011 do tác động của điều kiện thời tiết nên kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa xuân từ 10-25 ngày, ảnh hưởng lớn tới lịch gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa cũng như thời vụ vụ đông. Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2010 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2011 của các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra tại Vĩnh Phúc