Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng Rau Những Ngày Vào Tết

Làng Rau Những Ngày Vào Tết
Ngày đăng: 19/01/2013

Mùa này, có đi đến làng rau các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết mới thấy cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Mùa rau Tết cũng là lúc người trồng rau nghĩ đến chuyện tích lũy sau một năm lao động miệt mài…

Thời gian này đến các vùng làm rau trọng điểm: Phường Thới An, Hiệp Thành, quận 12; Xã Thái Mỹ, Trung Lập Hạ - Củ Chi; hay Tân Quý Tây – Bình Chánh; xã Nhị Bình – Hóc Môn, tràn ngập không khí lao động ở làng rau tất bật vào vụ tết: kẻ nhổ cỏ, người tưới nước, bó rau… Ngoài số lượng rau đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, người làm vườn dành sự chăm sóc đặc biệt hơn cho những luống rau vừa lên mầm chuẩn bị cho mùa Tết. Mấy năm trước, người làng rau còn trồng đủ các loại rau: dưa leo, khổ qua, bí xanh… Nhưng gần đây, họ tập trung vào một số loại rau chính như: xà lách, hành, rau thơm, rau tần ô, rau gia vị… phục vụ nhu cầu những ngày giáp tết. Bác Sáu, một phụ nữ đã sống gần như cả đời mình với nghề trồng rau ở xã Nhị Bình – Hóc Môn, cho biết: "Những năm gần đây, nông dân trồng dưa leo, khổ qua… đón vụ Tết rất nhiều, còn cà chua thì "hàng" của mình không đẹp bằng cà chua Đà Lạt xuống. Đậu cô ve thì lại không thể bằng của Đà Lạt và các tỉnh miền Tây… nên bà con ở đây chỉ tập trung sản xuất những loại rau mà các nơi không làm, như thế mới không bị rớt giá".

Những vườn rau an toàn ở đây là vùng trọng điểm của mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap do Trung Tâm Khuyến Nông quản lý. Vì vậy, người trồng rau ở đây cũng "chuyên nghiệp" hơn ở những nơi khác trong vùng.

Rau được sản xuất theo qui trình rau an toàn, hạn chế được số lần phun thuốc BVTV tùy theo từng loại rau, từng thời vụ canh tác. Các hộ nông dân biết sử dụng giống rau F1, dùng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai, giảm lượng phân đạm; Các loại thuốc BVTV sử dụng trên rau an toàn thường là thuốc trừ sâu sinh học, góp phần làm sạch môi trường, giảm ô nhiễm và ngộ độc đối với người trực tiếp sản xuất và tiêu thụ rau. Bước đầu kết quả trồng rau an toàn cho thấy thu nhập cao hơn cấy lúa từ 10 đến 15 lần trên cùng một diện tích canh tác. Đồng thời hiệu quả kinh tế - xã hội có tác động rất lớn đến việc bảo vệ môi trường, hạn chế đáng kể sự ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm do việc dùng hoá chất bừa bãi, không đúng kỹ thuât so với canh tác trước đây. Ngoài ra, trồng rau an toàn còn tăng được hệ số sử dụng đất, bằng việc bồi dưỡng đầu tư cải tạo nguồn đất, nguồn nước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các hộ làm rau phường Thới An, quận 12 cho biết: Thời tiết những ngày gần tết khá ổn định nên rau phát triển tốt. Một phần rau dành để cung cấp cho các cửa hàng rau sạch trong thành phố, còn lại chúng tôi bán cho bạn hàng ở các chợ. Khi được hỏi về việc phân biệt đâu là rau bình thường, đâu là rau an toàn, ông Nguyễn Trọng Huỳnh, ngụ 81/3A, KP 3 tâm sự: "Có người nói chúng tôi trộn rau thường vào rau sạch để kiếm lời, nhưng làm gì có chuyện đó. Vườn rau rộng bao nhiêu, có bao nhiêu loại rau, khối lượng xuất mỗi ngày đều được mối vào bao tiêu hết, họ làm công việc của mình còn không xuể, thì giờ đâu mà trộn rau này rau nọ, đâu có dễ lừa được người tiêu dùng! Những ngày này, người làm vườn chúng tôi không bao giờ hết việc nhưng vẫn không dám làm bậy, chỉ mong giá rau ổn định cho đến Tết".

Trước đây, người nông dân trồng rau cứ sản xuất đại trà theo tập quán, kinh nghiệm nên thiếu sự tính toán, tìm hiểu nhu cầu thị trường. Bây giờ người trồng rau ở vùng ngoại thành được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông đã biết tập trung sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Hộ bà Trần Thị Tâm, xã Thái Mỹ - Củ Chi cho biết: "Năm nay, ngoài các loại rau như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua… các loại rau ăn lá: cải ngọt, cải xanh, mồng tơi… bà con ở đây trồng thêm các loại rau thơm, hành ngò… để bán trong dịp Tết, còn các loại rau khác sẽ trồng xen canh để dành sau Tết, vì những ngày này rau thơm dễ bán, nhiều người mua, lại được giá". Do giá rau lên xuống thất thường tùy theo thời tiết, nhiều người cùng trồng một loại rau dễ dẫn đến tình trạng rau bị xuống giá, không tiêu thụ hết, nên những hộ trồng rau ở đây cũng chọn cách sản xuất sao cho có lợi nhất. Không "rủ nhau" trồng đại trà như trước, mà có sự hướng dẫn chi tiết của cán bộ phụ trách mô hình. Như vậy, các mặt hàng rau sẽ phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Người trồng rau bây giờ đã quan tâm nhiều hơn đến việc sản xuất rau sạch. Không thiếu những hộ tuy không trực tiếp tham gia mô hình sản xuất rau an toàn của Khuyến nông nhưng vẫn chú ý giảm dần việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Rau không "đẹp" khó bán đã đành, mà ngay cả rau tốt một cách đáng… nghi thì "lái" cũng sẽ giảm giá mua vì người tiêu dùng rất ngại kiểu rau tốt này… Thế mới biết người tiêu dùng ngày nay khó tính như thế nào!

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Trồng trọt, việc sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap đã được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm xây dựng các mô hình và mở rộng diện tích trồng. Nhận thức của người nông dân về sản xuất rau an toàn đã được nâng lên rất nhiều. Nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng. Nên chăng, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc tiêu thụ giữa các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân vì: ”Trồng rau hữu cơ thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và mang lại giá trị kinh tế cao”.

 


Có thể bạn quan tâm

Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm

Sau nhiều năm năng suất tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Ngô Văn Hùng, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), sáng tạo bằng cách chia nhỏ vuông tôm để nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, kết quả năng suất tôm tăng trên 50%, lúa đạt trên 20 giạ/công.

30/11/2013
Ông Bắt Làm Giàu Từ Ong Ông Bắt Làm Giàu Từ Ong

Đến với ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó như một cái duyên. Nhưng cái duyên đó đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phùng Văn Bắt, thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

30/11/2013
Diện Tích Ruộng San Phẳng Bằng Máy Tia Laser Quá Ít Diện Tích Ruộng San Phẳng Bằng Máy Tia Laser Quá Ít

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang Đoàn Ngọc Phả, nguyên nhân do giá bán máy còn quá cao (bao gồm cả máy kéo khoảng 500 triệu đồng), trong khi thời gian hoạt động của máy san đất chỉ vài ngày sau thu hoạch vụ lúa đông xuân nên nông dân ngại đầu tư vì chậm thu hồi vốn.

30/11/2013
Giàu Lên Từ Đồng Ruộng Giàu Lên Từ Đồng Ruộng

Những năm gần đây xã Tam Đa vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Phù Cừ (Hưng Yên) nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, bộ mặt làng quê khang trang đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

30/11/2013
Diện Tích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Gấp 4 Lần Tôm Sú Diện Tích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Gấp 4 Lần Tôm Sú

Theo Chi cục Thủy sản, năm 2013, nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển đổi đối tượng nuôi một cách rõ rệt, đa số hộ nuôi tôm chọn thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu như năm 2012, diện tích thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng là tương đương nhau thì năm nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cao gần gấp 4 lần diện tích thả nuôi tôm sú.

02/12/2013