Làng hoa Mỹ Tho bắt đầu vào vụ Tết

Năm nay, ngoài những loại hoa truyền thống, Phòng Kinh tế TP.Mỹ Tho còn hỗ trợ bà con trồng hoa một số loại giống “đặc biệt” và hứa hẹn sẽ hấp dẫn người mua.
Trồng khoảng 850.000 giỏ hoa các loại. Sáng sớm, gia đình ông Lê Văn Sơn, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho đã ra đồng chăm sóc những giỏ hoa cúc Hà Lan vừa xuống giống cách nay mấy ngày.
Trên từng liếp trồng hoa đều phủ kín cả trăm chậu lớn, nhỏ xếp thẳng hàng.
Ông Sơn cho biết, năm nay ông trồng 4.000 giỏ cúc Hà Lan và 1.000 giỏ vạn thọ, mồng gà.
Để trồng số lượng hoa này, ông phải chuẩn bị giỏ, phân, tro, xơ dừa và đặt mua giống… từ đầu tháng 3 (ÂL).
Các chi phí đầu vụ như: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu và thuê nhân công không cao so với năm ngoái nên người trồng hoa cũng cảm thấy phấn khởi.
Vụ hoa Tết Nguyên đán 2015, ông Sơn trồng 4.500 giỏ hoa các loại, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 130 triệu đồng.
Những chậu hoa cúc Hà Lan phục vụ Tết Nguyên đán 2016 đã bắt đầu bén rễ.
Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) cho biết, năm nay, tổ hợp tác có trên 180 hộ trồng khoảng 650.000 giỏ hoa các loại như:
Cúc mâm xôi, vàng hòe, Hà Lan, vạn thọ, mồng gà… Trong đó, cúc mâm xôi 40.000 giỏ, Hà Lan 300.000 giỏ, vàng hòe 200.000 giỏ, còn lại là các loại hoa khác.
Theo ông Nhung, nếu thời tiết thuận lợi, được giá, nông dân trồng 2.000 giỏ cúc có thể thu lời vài chục triệu đồng.
Trong những năm gần đây, phường 9, TP.Mỹ Tho cũng rộn ràng hơn với nghề trồng hoa tết.
Diện tích và số lượng hoa ngày một tăng. Bà Nguyễn Thị Truyền, khu phố 3, phường 9, TP.Mỹ Tho đã xuống giống hơn 600 giỏ cúc mâm xôi và 1.
000 giỏ cúc Hà Lan.Bà cho biết, năm rồi gia đình trồng cúc mâm xôi không đạt, bán giá không cao nên năm nay phải rút kinh nghiệm, chăm sóc kỹ hơn để cúc nở đúng dịp tết và đẹp hơn.
Theo bà Truyền, tháng 6 (ÂL) hàng năm, nông dân bắt đầu làm đất, trộn tro, phân và xuống giống cúc mâm xôi, khoảng rằm tháng 8 (ÂL) bắt đầu trồng cúc Hà Lan, khoảng tháng 9 thì trồng cúc vàng hòe.
Các loại hoa còn lại trồng đầu tháng 10 (ÂL).“Hiện nay, những hộ trồng hoa phải thường xuyên có mặt ở vườn để tưới nước 2 lần/ngày, phun thuốc kích thích sinh trưởng.
Khi cây cao khoảng 40 cm thì cắm nẹp tre để giữ thân cúc thẳng và vững. - bà Truyền cho biết.
Năm nay, Làng hoa Mỹ Tho cung ứng cho thị trường trên 850.000 giỏ hoa các loại, trong đó cúc và vạn thọ chiếm khoảng 80%, còn lại là mồng gà, dạ yên thảo, dừa cạn, kim cúc, thu hải đường, cát tường.
Ngoài ra, TP.Mỹ Tho cũng cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 chậu kiểng các loại như: Mai vàng, bông giấy, sứ… Bà Nguyễn Thị Thu Ánh, chuyên viên phụ trách nông nghiệp Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết: “Năm nay, chúng tôi cũng hỗ trợ cho nông dân một số giống mới phục vụ tết như cà chua, ớt chuông, dâu tây (hoa quả thực phẩm để vừa chưng tết vừa dùng làm thực phẩm).
Hy vọng, những loại “hàng độc” này sẽ làm phong phú thêm cho vùng hoa, kiểng Mỹ Tho”.
Chỉ mong thời tiết thuận lợi
Nghề trồng hoa không đơn giản.
Bởi, nông dân phải biết cách chọn cây giống tốt, chăm sóc chu đáo và quan trọng hơn phải xử lý cho hoa nở đúng dịp tết mới mong có lời.
Theo ông Lê Văn Sơn, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, cùng một quy trình như nhau nhưng mỗi nhà vườn có một bí quyết chăm sóc hoa riêng như: Cách bón phân, pha thuốc, làm nụ phải hợp lý với diễn biến thời tiết… thì những chậu hoa mới ưng ý.
Tuy nhiên, nghề này phần lớn phụ thuộc vào thời tiết; chỉ một cơn mưa bất thường cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa của cả vụ.
“Những năm gần đây, thời tiết bất lợi nên lúc mới xuống giống chúng tôi phải chăm sóc hoa kỹ hơn, đặc biệt phải có mặt tại ruộng hoa thường xuyên để xem diễn biến và xử lý ngay” - ông Sơn cho biết.
Ngoài những yếu tố thời tiết thì vấn đề cung cấp nước cho vụ hoa cũng được người dân Làng hoa Mỹ Tho rất quan tâm.
Nhiều hộ trồng hoa ở xã Mỹ Phong lo lắng năm nay khô hạn đến sớm, nhiều ruộng hoa nằm trong “kẹt”, một số kinh mương đã bị bồi lấp cạn nên việc lấy nước tưới hoa khi mùa khô hạn sẽ vô cùng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho trồng 5.000 chậu hoa cúc, mồng gà và vạn thọ lo lắng khi nghe tin mùa khô đến sớm.
Hiện gia đình bà thuê người nạo vét các cống trong ruộng cho sâu để giữ nước.
Một vụ hoa tốn nhiều chi phí nhưng nếu không kịp cung cấp nước thì xem như mất trắng cả mùa.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Ánh, ngành chức năng TP.Mỹ Tho cũng như của tỉnh rất quan tâm đến vụ hoa tết của bà con nông dân.
Hàng năm, Phòng Kinh tế TP.Mỹ Tho đều theo dõi chặt chẽ tình hình ở vùng trồng hoa, nếu thấy bà con nông dân gặp khó khăn ở khâu nào sẽ đề xuất ngay để kịp thời hỗ trợ cho bà con nông dân.
Ngoài ra, khi các tổ hợp tác trồng hoa có nhu cầu tập huấn kỹ thuật thì Trạm Khuyến nông TP.Mỹ Tho sẽ hỗ trợ ngay.
Nếu người dân không có nhu cầu, ngành chuyên môn cũng thường xuyên theo dõi để khi có dịch bệnh sẽ tiến hành giúp ngay cho nông dân.
Ngoài ra, Phòng Kinh tế TP.Mỹ Tho cũng chủ động tìm kiếm thị trường nhiều nơi để mở rộng đầu ra cho nông dân, tạo thêm động lực để các nhà vườn an tâm trồng hoa phục vụ tết.
Nhìn mọi người hối hả, tất bật với công việc trồng hoa bán tết, chúng tôi cảm thấy mùa xuân đang đến gần.
Chỉ mong sao mưa thuận gió hòa, giá cả vật tư, phân bón ổn định để bà con nông dân chuyên trồng hoa có thể sống được với nghề.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 27-11, đại diện Công ty Nhiệt Đới (Bến Tre) cho biết, trái nhãn trồng trên cù lao An Hòa (thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) vừa được cơ quan chức năng nước Mỹ cấp mã code nhập khẩu vào thị trường nước này, với tên gọi “Nhãn IDO Việt Nam”. Đầu tháng 12-2014 tới, công ty Nhiệt Đới sẽ xuất khẩu lô nhãn đầu tiên (hơn 2 tấn) vào thị trường Mỹ.

Theo đó, nông dân tham gia sản xuất trên tinh thần tự nguyện, đồng thời được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, cơ sở vật chất khâu thiết kế vườn trong quá trình thực hiện. Dự kiến tổng kinh phí từ khi thực hiện đến được công nhận khoảng 180 triệu đồng, do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hỗ trợ.

Qua thông tin đại chúng được biết nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây cam, quýt và nhất là nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình ông Nông Thanh Bộ, thôn Nà Nưa, xã Cường Lợi đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng loại cây này.

Anh Phạm Văn Tiến 37 tuổi là nông dân đầu tiên ở xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước trên cây nho. Vườn nho nhà anh Tiến trải cành xanh mướt giữa mùa khô hạn. Tưới phun tiết kiệm nước, vốn đầu tư thấp đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều nông hộ học tập làm theo.

Thực tế cho thấy, việc thương lái thu mua nông sản khi vừa được nhà vườn xuống giống vài tuần tại Đà Lạt là một loại giao dịch trong làm ăn rất phổ biến. Hồi đầu năm nay, nhiều thương lái cũng đã thu mua cải thảo theo hình thức này, sau đó cải thảo mất giá, tiền thu hoạch không đủ chi phí thuê nhân công nên họ đã phải để nhà vườn phá bỏ, chấp nhận mất trắng tài sản.