Lan mokara bén duyên trên đất Quảng

Kỹ sư xây dựng làm nông dân
Công việc làm kỹ sư xây dựng mỗi năm mang lại thu nhập cho anh Thanh cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, ông chủ vườn lan này đã dám “lộn trái túi” để theo đuổi niềm đam mê. Chính sự tự tin và lòng say mê trồng lan, cuối năm 2013, anh Thanh quyết định mua 300 cây giống lan mokara ở miền Nam về trồng thử nghiệm ở đường Nguyễn Công Phương, TP. Quảng Ngãi. Ban đầu do quá trình di chuyển đường dài và trồng vào đúng mùa lạnh nên hoa chậm phát triển. Tuy nhiên, 4 tháng sau hoa thích nghi với điều kiện thời tiết ở Quảng Ngãi và bắt đầu ra hoa.
Để có những vườn lan đẹp với đủ sắc màu nào vàng nến, vàng chanh, vàng cam, đỏ, trắng... anh Thanh đã phải mất 5 năm tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và bỏ công nghiên cứu các tài liệu nói về giống lan này. “Thực ra giống lan mokara cũng không có gì là mới lạ vì ở các tỉnh khác người ta cũng đã làm từ lâu. Đặc biệt là ở TP.HCM nhiều người đã trở thành tỷ phú nhờ mô hình trồng lan này. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tôi thấy ở Quảng Ngãi chưa có mấy ai trồng lan này và việc thử nghiệm trồng lan của một số người cũng không đem lại hiệu quả. Chính vì vậy tôi muốn đem giống lan này về Quảng Ngãi trồng và tôi tin chắc rằng mình sẽ thành công”, anh Thanh khẳng định.
Theo anh Thanh, lan mokara cắt cành là một giống lan dễ trồng nhất trong các loại hoa phong lan. Đặc biệt hoa thích hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng và chỉ ra bông nhiều vào mùa hè, còn mùa đông tỷ lệ ra bông đạt thấp hơn. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư ban đầu cho loại hoa này là khá lớn và việc chăm sóc cũng tốn nhiều công phu. Lan mokara thường hay mắc các loại bệnh phổ biến như nấm, sâu và côn trùng. Do đó, để bảo vệ vườn lan của mình, cách tốt nhất là phòng bệnh cho hoa. Vì một khi hoa đã nhiễm bệnh thì rất khó chữa trị.
Thành công ban đầu đã trở thành động lực giúp anh Thanh tiếp tục mở rộng diện tích trồng lan lên trên 1.500m2 với 3.500 cây lan. Trong đó, có 1.500 cây giống trưởng thành và 2.000 cây giống có chiều cao khoảng 20cm. Đất đã không phụ lòng người, chỉ 2 tháng sau khi trồng 1.500 cây lan giống trưởng thành đã cho hoa và đẹp không khác gì so với hoa được trồng ở các tỉnh phía Nam.
Mô hình cho tiền tỷ Hiện tại, một cành hoa lan mokara anh Thanh bán khoảng 10 – 12 nghìn đồng. Còn lan giống khoảng 20cm thì được bán với giá từ 40 – 65 nghìn đồng/cây tùy theo từng màu sắc khác nhau. Riêng những tháng Tết, anh Thanh sẽ cho hoa vô chậu và bán mỗi cây từ 250 – 300 nghìn đồng/chậu. Đối với một cây mà có nhiều cành hoa thì giá sẽ cao hơn. Bên cạnh trồng lan mokara, anh Thanh còn trồng thử nghiệm 2.000 cây lan dendro và trên 1.500 cây lan hồ điệp. |
Muốn thành công thì phải đầu tư
Tuy hiện giờ, mô hình trồng lan mokara cắt cành của anh Thanh đã cho kết quả khả quan, nhưng đối với anh vẫn chỉ là sự khởi đầu. Bởi anh Thanh luôn quan niệm “muốn làm việc gì thì phải có lòng đam mê và sự quyết tâm cao. Muốn thành công về lâu dài thì phải chịu khó đầu tư ban đầu. Không nên vì lợi ích trước mắt mà phá hỏng cả dự án lớn”. Vì thế nên, dù hoa của anh Thanh có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng anh vẫn không thể bán đại trà. “Thực ra để lấy lại vốn đầu tư ban đầu thì không có gì khó, nhưng tôi muốn đầu tư về lâu dài và hình thành nên những vùng chuyên trồng lan thực sự hiệu quả. Do đó, hiện tại tôi muốn nhân giống hoa lan này để có nguồn giống dồi dào, không phải phụ thuộc vào việc mua cây giống ở thị trường phía Nam nữa? anh Thanh bộc bạch.
Chia sẻ về việc tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Thanh tiết lộ: Để thị trường ở Quảng Ngãi và các vùng lân cận biết về lan mokara, tôi đã dày công đi tiếp thị, đôi khi phải biếu không hoa. Mục tiêu hướng đến là các shop hoa chuyên bán cho các cơ quan nhà nước. Bởi đây là những khách hàng thường xuyên và có nhu cầu cao về những loại hoa giá trị này. Và cuối cùng tôi cũng đã bắt mối được với một shop hoa ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam).
Song để mở rộng thị trường trong tỉnh, anh Thanh đã bỏ vốn ra để mở hai shop hoa. Như thế anh sẽ linh động được trong quá trình tiêu thụ. Đối với những cành hoa không đạt yêu cầu của những bạn hàng khó tính, anh sẽ đưa vào shop hoa của mình tiêu thụ, tránh lãng phí. Với cách làm trên, giờ đây anh Thanh đã không phải lo chuyện đầu ra nữa mà chỉ tập trung chăm sóc hoa.
Có thể bạn quan tâm

Năm 14 tuổi, anh Trần Trọng Hoài ở khu 1, phường Tuần Châu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lặn lội về quê gốc tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) để học nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1993, trở về Tuần Châu, anh nhận thấy tại khu vực Nuỗng Đầm có thể cải tạo để nuôi thuỷ sản. Anh đã xin chính quyền cấp cho 10ha để phát triển kinh tế.

Sau hơn 5 năm triển khai, dự án biến đổi khí hậu (BĐKH) do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ đã được Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) triển khai có hiệu quả trên nhiều vùng đất bạc màu của tỉnh Quảng Trị. Từ dự án này, nhiều “vùng đất chết” ở hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã từng bước hồi sinh và mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân.

Cá còm còn có tên gọi cá Nàng Hai, là loài được xếp phân loại cùng một họ với cá thát lát (họ Notopteridae). Ngoài giá trị được sử dụng làm thực phẩm, cá còm còn được nuôi làm sinh vật cảnh. Đây là giống cá nước ngọt có khả năng chịu phèn, thịt ngọt và dai, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon; đặc biệt là món chả cá.

Vui mừng là tâm trạng của hầu hết nông dân trồng nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre những ngày qua. Vui là vì vụ nghịch năm nay bà con bán được giá cao, còn mừng là vì 34 ha nhãn ở đây đã được Cơ quan Kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã số chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này.

Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn cung con giống tại địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người nuôi. Do vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất con giống để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn giống. Trong số những hộ sản xuất cua giống thành công có hộ anh Ngô Minh Trang (ấp 2A, xã Phong Thạnh Tây B).