Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lận Đận Với Cá Tra Ở Hậu Giang

Lận Đận Với Cá Tra Ở Hậu Giang
Ngày đăng: 21/11/2012

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

Hiện nay, giá cá tra loại 1 (từ 800 gr đến dưới 1 kg/con) trong tỉnh Hậu Giang đang dao động từ 22.000 - 23.000 đ/kg. Trong khi giá thành sản xuất cá ngày càng cao do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, làm cho người nuôi cá tra thua lỗ đậm.

Chuỗi dài rớt giá

Tưởng chừng người nuôi cá tra trong tỉnh sẽ gỡ vốn sau những vụ mùa thua lỗ, khi mà vào thời điểm đầu năm, có lúc giá cá tra nguyên liệu đạt mức kỷ lục 26.000 - 27.000 đ/kg. Thế nhưng, nhanh chóng lao dốc ngay sau đó và kéo dài cho đến nay, khiến người nuôi không kịp “trở tay”. Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, giá cá tra thương phẩm cao trong 2 tháng đầu năm sau đó liên tục giảm. Có thời điểm trong tháng 7 và 8, giá cá tra nguyên liệu lao dốc xuống còn 18.000 - 19.000 đ/kg, thấp hơn giá thành sản xuất vài ngàn đồng/kg.

Sau cú sốc lỗ hàng trăm triệu đồng vào năm 2007, ông Phan Văn Long, ở phường Ngã Bảy, TX.Ngã Bảy đành treo ao. Mãi đến năm 2011, ông tiếp cận nguồn vốn vay mới để thả nuôi trở lại. Ông Long trần tình: “Năm rồi do giá xuống thấp nên tui lại lỗ tiếp”. Đầu năm 2012, ông Long thấy giá cá tra nguyên liệu ở mức cao nên mạnh dạn vay thêm hàng trăm triệu đồng để thả nuôi tiếp với mong muốn gỡ vốn, có thể giải quyết khoản nợ 1,5 tỉ đồng vay ngân hàng.

Vậy mà, giá cá tra nguyên liệu trong thời gian qua không mấy cải thiện khiến cho ông Long đứng ngồi không yên vì ao cá gần đến ngày thu hoạch. Hiện cá trong ao đạt trọng lượng trung bình 0,5 kg/con. Hơn 2,5 tháng qua, ông Long chỉ cho cá ăn cầm chừng, bởi giá cá tra nguyên liệu luôn thấp hơn giá thành sản xuất, nên càng nuôi kéo dài thì càng lỗ nặng. “Nếu trả được hết nợ ngân hàng tui sẽ không nuôi nữa. Thật tình tui quá sợ nghề nuôi cá tra nhiều rủi ro này” - ông Long khẳng định.

Trái ngược với giá cá tra nguyên liệu, giá thức ăn cá tra tăng vọt, từ 10.780 đ/kg hồi tháng 5 lên trên 12.000 đ/kg loại 26%N trong tháng 9. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Đại Thắng, TX.Ngã Bảy cho biết, chi phí mua thức ăn chiếm khoảng 80 - 85% tổng nguồn vốn nuôi cá tra. Thế mà từ đầu năm đến nay, thức ăn cho cá đã 3 lần tăng giá, tức là khoảng 12.400 đ/kg (loại 26%N) như hiện nay, tăng khoảng 1.200 đ/kg so với cùng kỳ. Do đó, với giá cá tra nguyên liệu khoảng 22.000 - 23.000 đ/kg (loại 1) thì người nuôi cá tra sẽ lỗ từ 1.000 - 2.000 đ/kg so với giá thành sản xuất.

Bất ổn đầu ra

Trong quá trình thả nuôi, không những chịu áp lực với nỗi lo rớt giá mà người nuôi cá tra của tỉnh luôn nơm nớp lo sợ thương lái “quỵt tiền” bán cá. Bởi hầu hết người dân không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu mà phải chờ đến ngày ao cá gần thu hoạch mới tìm kiếm công ty, doanh nghiệp bán cá. Vì vậy, chuyện thường hay bị thương lái ép giá, chậm trả tiền, thậm chí “quỵt nợ”, dẫn đến người dân “trắng tay” là chuyện khó tránh khỏi.

Từ ngày bán cá cho đến nay gần 3 tháng, nhưng ông Phạm Hùng Minh vẫn chưa thả nuôi ao cá 2.000 m2 trở lại. Một phần vì giá cá tra nguyên liệu thấp, mặt khác ông đợi lấy xong khoản tiền hơn 450 triệu đồng còn lại, trong tổng số 1,2 tỉ đồng tiền bán cá. Ông Minh cho hay, ít có công ty, doanh nghiệp nào cân cá xong là trả tiền ngay. Thông thường các công ty, doanh nghiệp thu mua cá hẹn 21 ngày sau sẽ trả tiền đủ cho chủ ao. Nhưng gặp trường hợp giá cả thị trường bất ổn, công ty, doanh nghiệp cứ “hứa lần, hứa lựa”, có khi kéo dài hàng tháng mà vẫn chưa trả hết tiền, mặc cho người nuôi cá gồng mình đóng lãi ngân hàng.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay có khoảng 13 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua cá tra nguyên liệu của Hậu Giang. Tính riêng trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 công ty đầu tư dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu nhưng không trực tiếp thu mua cá tra nguyên liệu của người dân tỉnh nhà. Ông Ngô Quốc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang ước tính, trong năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 41/251 hộ, với diện tích chưa đầy 9 ha có hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Việt Long, chiếm tỷ lệ 5,13%. Quá thấp so với tổng số diện tích trên 171 ha của tỉnh.

Cũng không thể phủ nhận rằng, diện tích thả nuôi của người dân trong tỉnh nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát nên sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khuyến cáo, thời gian tới, người nuôi cá tra Hậu Giang nên thả nuôi tập trung theo quy hoạch, sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho chặt chẽ để hạn chế rủi ro…


Có thể bạn quan tâm

Đổi Thay Ở Nông Thôn Hà Quảng Đổi Thay Ở Nông Thôn Hà Quảng

Đến các xã vùng cao của huyện Hà Quảng, nhận ra những nét mới ở nơi đây. Ý thức vệ sinh môi trường của bà con các dân tộc vùng cao đã có nhiều chuyển biến, chuồng trại nuôi trâu, bò được che chắn cẩn thận, láng xi măng sạch sẽ, gia súc được di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo tiền đề cho huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

30/06/2013
Trồng Khoai Tây Solara Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Thái Nguyên Trồng Khoai Tây Solara Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Thái Nguyên

Ngày 24/1, tại xã Bá xuyên, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế T.X Sông Công (Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất khoai tây vụ đông 2012 nhằm đánh giá năng suất, chất lượng của giống khoai tây Solara, nhập khẩu từ nước Cộng hòa Liên bang Đức.

26/01/2013
Vợ Chồng Cựu Chiến Binh Vượt Khó Làm Giàu Vợ Chồng Cựu Chiến Binh Vượt Khó Làm Giàu

Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, vợ chồng cựu chiến binh Võ Văn Chuột và Trần Thị Xuân xuất ngũ trở về xã nhà, ở ấp Phú Lợi A (Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) tiếp tục tham gia vào mặt trận sản xuất phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

13/08/2013
Nữ Tỷ Phú Nuôi Tôm Trên Cát Nữ Tỷ Phú Nuôi Tôm Trên Cát

Từ những dự án hàng triệu đô la bỏ hoang của Công ty Việt - Mỹ, chị Nguyễn Thị Hạnh đã thuê lại để đầu tư nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

14/08/2013
Kiến Nghị Việc Giải Tỏa, Di Dời Lồng, Bè Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Vũng Rô Kiến Nghị Việc Giải Tỏa, Di Dời Lồng, Bè Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Vũng Rô

UBND huyện Đông Hòa vừa kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND TX Sông Cầu và huyện Tuy An tiếp nhận người dân địa phương có nhu cầu di dời lồng bè từ Vũng Rô về vùng nuôi Mái Nhà (xã An Hải, Tuy An) và vùng nuôi vịnh Xuân Đài (Cù Mông, TX Sông Cầu).

04/07/2013