Lâm Thao Thử Nghiệm Mô Hình Nuôi Ếch Thái Lan Thương Phẩm Công Nghệ Mới

Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, năm 2014, Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm bằng lồng hở tại một số xã, thị trấn trong huyện. Bước đầu mô hình này cho kết quả khả quan.
Qua tham quan học tập thực tế tại Hà Nam, gia đình anh Triệu Văn Hòa - thị trấn Lâm Thao đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo ao, khu vực nuôi, làm lồng và bắt 2 vạn ếch giống về nuôi.
Quá trình nuôi, anh và nhiều hộ gia đình được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật, cung ứng nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời thường xuyên được giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, nhờ đó đàn ếch phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả từ việc nuôi ếch, anh còn kết hợp thả cá, vừa tận dụng thức ăn dư thừa và phân của ếch làm thức ăn cho cá, vừa có tác dụng làm sạch nước và môi trường ao nuôi.
Theo các hộ chăn nuôi, ếch Thái Lan dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp, thời gian nuôi ngắn, khoảng 70 - 75 ngày là cho thu hoạch. Trung bình 1 lồng có 7.000 con, sau hơn 2 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng 200 - 250 g/con, một lồng có thể đạt 1 tấn ếch thương phẩm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu lãi 50%.
Những năm trước đây huyện Lâm Thao đã triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm bằng lán trại và cũng đạt kết quả khá tốt, song mô hình không được duy trì và nhân rộng do khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Năm nay Trạm khuyến nông huyện đã liên kết tìm thị trường ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi, bởi vậy bà con khá yên tâm. Tuy nhiên để nghề nuôi ếch phát triển bền vững, huyện chủ trương chỉ phát triển theo quy hoạch, đúng số lượng theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu.
Anh Hà Ngọc Giang - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao cho biết: Để nghề nuôi ếch phát triển bền vững, huyện chỉ đạo bà con chỉ phát triển tổng đàn theo cam kết, theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết, đảm bảo nghề nuôi ếch đem lại lợi ích kép, vừa tận dụng phế thải trong chăn nuôi, vừa tăng hiệu quả kinh tế.
Nếu phát triển theo đúng định hướng, nghề nuôi ếch sẽ là hướng đi thích hợp cho bà con trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình, nhất là ở những trang trại nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm

Mỹ Xuyên là huyện có địa hình nhiều sông rạch, không xảy ra triều cường lũ lụt, có nguồn nước ngọt, nguồn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào rất thuận lợi cho nghề chăn nuôi bò, bò sữa. Trong những năm qua, từ dự án nâng cao đời sống nông thôn, phong trào chăn nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã phát triển mạnh tập trung ở các xã có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống như: Đại Tâm, Tham Đôn, thị trấn Mỹ Xuyên, Thạnh Quới... đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa nay được thoát nghèo vươn lên khá, giàu, thu nhập mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng) là địa phương trồng sắn (khoai mì) khá phổ biến. Tại đây, bà con nông dân đã tận dụng nguồn lá sắn để phát triển mô hình nuôi tằm. Mô hình này mở ra triển vọng mới, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Theo thông tin từ Trạm Thú y huyện Phú Tân (Cà Mau), đàn gia cầm 63 con của hộ bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây bệnh chết ngày 14/11 vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1.

Tại xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), Công ty Afiex, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo địa phương họp nông dân khu vực ấp Vĩnh Quới, tìm sự đồng thuận trong triển khai “Cánh đồng lớn” cho các niên vụ sản xuất sắp tới.

Trên địa bàn Nghệ An việc sản xuất, chế biến chè công nghiệp đã có từ lâu. Nhưng để sản phẩm chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng thực hiện mô hình sản xuất chè theo hướng VietGap như Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ tại 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn cần được quan tâm nhân rộng…