Lâm Nợ Vì Thương Lái Trung Quốc

Với nhãn mác là những thương lái Trung Quốc giàu có, dùng hộ chiếu du lịch để sang Việt Nam thu gom cua biển với giá cao. Một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của nông dân tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).
Tiếp xúc với NNVN, nhiều bà con ở Xóm Miễu, thị trấn Năm Căn bức xúc cho biết, thủ đoạn của những thương lái Trung Quốc là đưa ra giá cao ngất ngưởng để thu hút các vựa cua và người dân ở địa phương bán cua cho họ. Thời gian đầu, họ có thể đưa cả tiền trước khi lấy hàng, đến khi có được sự tin tưởng của người dân và các doanh nghiệp thu gom thủy hải sản trên địa bàn thì họ nói kẹt vốn nên yêu cầu được khất nợ, sau đó thì quỵt luôn.
Một nạn nhân của nhóm đối tượng này là chị Võ Thị Loan, ngụ khóm 1, thị trấn Năm Căn (Năm Căn – Cà Mau), tức tưởi kể: “Trước đó có một người Trung Quốc tên là A Kiều đến làm quen và yêu cầu được giao dịch làm ăn với cơ sở thu gom cua biển của tui. Ban đầu khi mới hợp tác, người này chào giá mua rất cao nên tui đã bán cho hắn. Tiền bạc trong những đợt giao dịch đầu cũng được hắn thanh toán rất sòng phẳng, nhưng dần về sau thì viện đủ lý do để khất nợ, rồi biến mất”.
Theo trình bày của chị Loan, hiện A Kiều còn nợ chị 900 triệu đồng và 7 chỉ vàng, suốt khoảng 4 tháng nay chị không tài nào liên lạc được với người này. Cùng cảnh ngộ là hoàn cảnh của chị Trần Kim Tươi (hàng xóm của chị Loan), cũng bằng thủ đoạn lừa đảo như trên A Kiều đã cuỗm của gia đình chị 500 triệu đồng. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thị trấn Năm Căn không chỉ có chị Loan hay chị Tươi là nạn nhân của thương lái Trung Quốc mà còn nhiều cơ sở thu gom cua biển khác, trong đó có cả nông dân. Số tiền mà nhóm đối tượng này quỵt của người dân ở thị trấn lên đến hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên thực tế còn cao hơn vì có một số doanh nghiệp không khai báo với cơ quan chức năng mà tự tìm cách đòi nợ.
Trong số các nông dân bị A Kiều quỵt nợ, đau khổ nhất là gia đình ông Trần Ngọc Đạt, ngụ tại Xóm Miễu, số tiền bán cua ông bị quỵt tới 1,8 tỉ đồng. Ông Hùng, một nạn nhân khác của A Kiều khẳng định: “Cách đây khoảng vài năm, người dân thị trấn này gần như biết đến “đại gia” A Kiều vì trong chuyện làm ăn hay mua bán, y trả tiền rất ngọt. Nhưng thời gian sau thì xin gối đầu nợ, đến khi người dân thấy có dấu hiệu khả nghi ngưng bán cua thì A Kiều trốn mất”.
Từng bỏ các mối làm ăn ở TP.HCM để giành lại nguồn hàng cung ứng cho A Kiều, anh Đỗ Chí Hùng, một chủ vựa cua ở Năm Căn buồn rầu nói: “Sau khi thấy có mấy thương lái người Trung Quốc đến chào với giá cả hấp dẫn, tui đã bỏ dần các mối làm ăn trước đó với khách hàng ở TP.HCM để bán cho nhóm thương lái này, nhưng đến giờ thì sắp vỡ nợ vì bị giật tiền tỉ”. Cũng theo anh Hùng, hiện một thương lái người Trung Quốc tên A Mao còn nợ anh 1,7 tỉ đồng từ năm 2011 đến nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở địa phương này có gần 20 thương lái tạm trú (chưa tính đến những thương lái đến, đi không trình báo); lúc cao điểm tới 60-70 người đến thu mua cua biển. Tất cả số này đều sử dụng hộ chiếu du lịch tạm trú khi thu mua cua.
Trao đổi với NNVN, đại úy Mã Thiện Hùng, Phó trưởng Công an thị trấn Năm Căn thông tin, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các cơ sở thu gom cua biển trên địa bàn và có cả người dân đối với một người có tên là Wang Juanmei, tự A Kiều (sinh 1974), là thương lái quốc tịch Trung Quốc về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo ngành chức năng địa phương, trước đó họ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên tìm hướng xử lý. Bởi việc thu gom cua biển với giá cao của các thương lái Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp địa phương cũng như tình hình an ninh địa bàn nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo. Nay bộ mặt thật của các thương lái Trung Quốc đã lộ rõ khi họ cố tình quỵt nợ của người dân. Trắng trợn hơn, nhiều đối tượng còn yêu cầu chủ nợ bớt 50% số tiền nợ vì đã làm sai hợp đồng. Trong khi người dân có nguy cơ lâm nợ, còn các thương lái Trung Quốc thì ôm tiền tỉ biến mất không bóng dáng.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn xảy ra.

Hiện nay, các hộ nuôi tôm càng xanh trên vùng chuyển đổi lúa - tôm kết hợp của huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã xuống giống vụ nuôi chính trong năm. Tập trung nhiều ở các xã: Phước Long, Phong Thạnh Tây A, Vĩnh Phú Tây.

Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) hiện có gần 11 ha ngao thương phẩm. Tính đến ngày 12/8, khoảng 100 tấn ngao thương phẩm của người dân trên địa bàn huyện bị chết, gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Ngày 08 đến ngày 10 tháng 08 năm 2015, tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An tổ chức tập huấn kỹ thuật, thăm quan mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo VietGAP.

Ngày 6/8/2015 tại Kiên Giang, Tổng cục thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, tổ chức Hội thảo xin ý kiến hướng dẫn áp dụng quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP cho nuôi thương phẩm tôm nước lợ. Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT,Chi cục nuôi trồng thủy sản của các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc Tổng cục thủy sản, các tổ chức chứng nhận và người nuôi. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản đã chủ trì Hội thảo.