Làm Giàu Từ Trồng Rau Gia Vị

Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000 m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.
Chị Oanh kể lại: tôi sinh ra ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), năm 2002, cùng gia đình đến định cư ở thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ). Năm 2009 chuyển về thị xã Lai Châu. Qua đọc sách, báo, xem tivi tôi được biết rau gia vị cho thu nhập cao gấp 8 lần so với trồng lúa, gấp 3 lần các loại rau khác song đòi hỏi đất phải tơi xốp, được chăm bón cẩn thận. Thấy diện tích đất quanh nhà rộng, lại có điều kiện về nước tưới nhưng lại nhiều đá sỏi nên tôi bàn với chồng cải tạo đất để trồng rau.
Thế rồi anh chị bắt tay vào cải tạo đất vườn, nhặt bỏ hết đá sỏi rồi chở đất mùn ở nơi khác về, đánh luống. Sau đó lấy trấu rải trên từng luống để giữ cho đất luôn tơi xốp, ủ phân xanh, phân chuồng để chăm bón rau. Khâu chọn giống rau chị cũng chọn kỹ lưỡng để đảm bảo yêu cầu. Các loại rau được quy hoạch riêng mỗi loại 1 khu vực như: hành, thì là, cà rốt, kinh giới, cần tây, tỏi… Chị còn đầu tư 2 triệu đồng làm hệ thống tự động tưới xung quanh vườn và học hỏi thêm cách chăm bón rau gia vị đúng quy trình kỹ thuật.
Theo chị Oanh thì rau gia vị dễ chăm sóc, gieo trồng mà lại ít sâu bệnh hơn các loại rau khác, chỉ đòi hỏi công chăm bón thường xuyên hơn. Dưới bàn tay cần cù của chị, mùa nào thức ấy, vườn rau gia vị với đủ các chủng loại luôn xanh tốt. Ngày ngày, người dân trong xóm đều thấy anh, chị cặm cụi chăm bón, thu hoạch rau để mỗi ngày 2 lần, chị chở rau đến bán đổ cho các quán ăn, sạp hàng rau của các chợ.
Tiếp xúc với chị Oanh chúng tôi thấy ở chị không chỉ toát lên phẩm chất chăm chỉ, chịu thương chịu khó mà còn có sự linh hoạt, nhaỵ bén với thị trường. Chị Oanh tâm sự: “Tôi nghĩ khi nuôi trồng bất kỳ loại cây, con nào, việc tìm thị trường tiêu thụ rất quan trọng. Riêng rau gia vị lại có thị trường khá rộng lớn vì 1 loại rau có thể dùng chế biến trong nhiều món ăn khác nhau. Mỗi ngày ở chợ các phường: Đoàn Kết, Quyết Thắng, Tân Phong, số lượng rau ăn sống bán ra khá lớn vì có lượng người tiêu thụ cao. Ngoài ra các món canh, món xào, làm nộm, nước chấm… cũng không thể thiếu rau gia vị. Tôi thường bán đổ các loại rau gia vị với giá 10 - 15 nghìn đồng/kg (giá trên thị trường là 20 – 25 nghìn đồng/kg). Với giá như vậy, chỉ 1 luống hành có chiều rộng 1,5m, dài 7m, khi gieo giống dày, tôi thu được 2 triệu đồng”.
Nhưng cũng theo chị Oanh thì rau gia vị luôn phải đảm bảo là rau “sạch”. Bởi nếu lạm dụng thuốc hóa học kích thích rau tăng trưởng, sẽ mang lại hậu quả khôn cùng nếu người tiêu thụ dùng để ăn sống. Chị luôn tự nhủ để có thị trường ổn định, mình phải chăm bón rau cẩn thận, đảm bảo rau không bị sâu bệnh và không sử dụng các loại thuốc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì có như thế, người tiêu thụ mới yên tâm mua hàng của mình lâu dài.
“Chị Oanh là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm giàu trên đá sỏi từ những luống rau gia vị. Cách làm của chị Oanh đã góp phần mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của phường. Không chỉ chịu khó làm kinh tế, chị Oanh còn là hội viên tiêu biểu của tổ tôi về cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Gia đình chị luôn đầm ấm, được bà con lối xóm yêu mến vì cách sống giản dị, hòa đồng, luôn sẵn lòng chia sẻ cách làm kinh tế, giúp hội viên phụ nữ về giống, vốn để cùng phát triển…” – đó là nhận xét của chị Cao Thị Minh – Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 2.
Với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, mô hình trồng rau gia vị của gia đình chị Oanh được nhiều chị em trong Chi hội Phụ nữ phường tìm đến học hỏi, làm theo. Tin rằng thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng, đủ sức cung ứng cho thị trường toàn thị xã, không phải nhập rau gia vị từ các tỉnh thành khác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.

Sau thời gian sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 180.000 đ/tạ- 60kg, thì hơn tuần nay giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) đã tăng trở lại với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/tạ.

Đứng trước vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất cây cao su, để hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá, giảm sức đầu tư cho vườn cây, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã đưa ra nhiều khuyến cáo và có giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như bà con có định hướng tốt nhất trước những diễn biến bất lợi như hiện nay…
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam Vicofa cho biết, niên vụ 2015 – 2016, sản lượng cà phê cả nước ước giảm 20% so với niên vụ 2014 – 2015.