Làm Giàu Từ Sản Xuất Nho Sạch

Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.
Điển hình về ông Lê Kim Anh ở xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm - một nông dân điển hình sản xuất giỏi từ nghề trồng nho.
Đã có một thời, ông Lê Kim Anh phải từ bỏ cây nho để chuyển sang trồng cây khác vì giá nho thấp, thu nhập bấp bênh. Nhưng vì gắn bó với loại cây trồng đặc thù này của quê hương nên sau vài năm, ông quyết tâm quay lại với nghề trồng nho. Hiện tại, ông có hai vườn nho xanh NH- 0148 quanh năm cho trái và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Lê Kim Anh đang tiếp tục đầu tư và mở rộng diện tích, với quyết tâm mình sẽ làm giàu từ cây nho sạch: “Việc trồng nho cũng có lúc bấp bênh nhưng qua nhiều năm làm thì mình có kinh nghiệm. Tôi cố gắng tìm ra giải pháp làm cho nó đạt hiệu quả về kinh tế”.
Gắn bó với cây nho hơn 15 năm nay, ông Lê Kim Anh hiểu được “tính khí thất thường” của cây nho – một loại cây trồng “nắng không ưa, mưa không chịu”, lại hay bị các loại sâu bệnh tấn công.
Tuy nhiên, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo và những người trồng nho lâu năm, vườn nho của gia đình ông luôn phát triển tốt và cho năng suất cao. Với hơn 3 sào nho, nếu mưa thuận gió hòa và giá cả ổn định, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu nhập 175 triệu đồng.
“Bám” nghề trồng nho đã lâu năm, ông Lê Kim Anh nghiệm ra rằng: trồng nho không hẳn là một nghề nặng nhọc, nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại từ cây nho rất cao.
Điều mà mọi người thấy quý ở ông là nhiệt tình và tiên phong tham gia các lớp tập huấn và sau đó truyền đạt lại cho nhiều người khác để cùng nhau sản xuất nho sạch tốt hơn.
Ông Huỳnh Thái Liêm, Chủ tịch Hội nông dân xã Thành Hải – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm - Ninh Thuận nhận xét: “Ông Kim Anh là người rất nhiệt tình, mỗi lần tham dự lớp tập huấn, ông ấy đều ghi chép rất cẩn thận để về thực hiện trên cây nho của mình. Cho nên, những năm gần đây ông làm rất là đạt năng suất cao, theo định hướng của xã”.
Với suy nghĩ: “cây nho chẳng phụ mình bao giờ nên mình không thể phụ nó”, dù có những lúc “thăng”, lúc “trầm”, ông Lê Kim Anh vẫn quyết tâm “bám” nghề trồng nho. Đất không phụ lòng người – cây nho đã giúp gia đình ông tăng thu nhập, cải thiện đời sống và có điều kiện nuôi con ăn học thành tài.
Có thể bạn quan tâm

Đợt dịch tai xanh vừa qua tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 4.400 con heo bị nhiễm vi rút Lelystad, trong đó 1.573 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Sau khi mầm bệnh được dập tắt, người chăn nuôi muốn mau chóng gầy dựng lại đàn gia súc (tái đàn) nhưng họ đang gặp phải khó khăn vì giá heo giống và heo choai nuôi thịt liên tục tăng lên...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.

Với giá bán 7.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng dưa hấu trong tỉnh Quảng Ngãi vui như… Tết! Chẳng thế mà cạnh những ruộng dưa đang thu hoạch dở, nhiều diện tích vốn là đất của mía đã được nông dân lên hàng, phủ bạt để trồng dưa hấu! Dẫu vẫn biết có thể trắng tay.

Ngày 1-4, tại đầm Nha Phu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa tổ chức thả giống thủy sản ra biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày càng phát triển với nhiều loại vật nuôi mới mang hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến loài ba ba gai. Không chỉ nuôi thành công ba ba gai theo hướng thương phẩm, một số mô hình đã bước đầu sản xuất được ba ba gai giống, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.