Làm Giàu Từ Nuôi Chim Cút

Năm 2007, sau khi đi tham quan mô hình nuôi chim cút của một người quen ở xóm Mỹ Trọng, anh Hoàng Trung Sơn, thôn Thượng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) đã mở trang trại nuôi chim cút. Trải qua nhiều gian truân và thất bại, giờ đây anh Sơn đã có 4 giàn chuồng nuôi chim cút khá quy mô với số lượng lúc cao điểm lên đến trên 1 vạn con.
Khởi nghiệp với 10 triệu đồng tiền vốn, anh Sơn tâm sự: “Tôi đến với nghề nuôi chim cút như kiểu “tay không bắt giặc”. Để làm được 2 giàn chuồng với 30 ngăn nuôi chim cút, mua giống, thức ăn ước tính ít nhất cũng phải có khoảng 15 triệu đồng. Vay mượn mãi mà vẫn thiếu 5 triệu đồng nên thời gian đầu tôi vô cùng chật vật”. Không có tiền thì phải bỏ công, mất 3 tháng trời anh Sơn tự mua tre về vót, đóng toàn bộ 2 giàn chuồng chim và mua 1.000 con giống, vừa nuôi chim thịt vừa gây giống.
Để mô hình thành công, anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi từ cách chăm sóc, thức ăn, nước uống, vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh cho con nuôi. Anh Sơn cho biết, do chim cút thường sống ở nơi cao ráo và thoáng mát nên khi làm chuồng nuôi phải thiết kế theo kiểu lồng quây lưới, chia làm nhiều tầng. Chuồng nuôi gọn nhẹ, có hệ thống máng ăn và nước uống để tránh rơi vãi thức ăn; đáy lồng hơi dốc để khi chim cút đẻ, trứng sẽ tự lăn ra khay treo cạnh lồng.
Mỗi ngày, một con chim cút sẽ đẻ một quả trứng có trọng lượng bằng 10% trọng lượng cơ thể, do đó, thức ăn cho chúng phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cao. Bên cạnh nguồn thức ăn chính là cám hỗn hợp (loại cám cho chim cút đẻ), anh còn bổ sung một số thành phần thức ăn khác như ngô, đỗ xanh, cám, bột cá...
Thời gian nuôi chim cút từ lúc xuất chuồng thành chim giống đến khi đẻ trứng gần 2 tháng. Mỗi lứa chim cút cho khai thác trứng trong vòng 5-6 tháng, nếu chăm sóc tốt hơn, chim sẽ đẻ trứng liên tục tới khoảng 9 tháng với tỷ lệ cho trứng khoảng 80%. Hết thời gian thu trứng, tiếp tục nuôi bán chim thịt.
Yếu tố quan trọng nhất để nuôi chim cút thành công là nước. Chim cút không uống nhiều nước hằng ngày, nhưng nguồn nước phải đảm bảo sạch và mát. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, phải đảm bảo chuồng trại sạch sẽ. Nhờ áp dụng đúng “tiêu chuẩn kỹ thuật” nuôi, ngay từ vụ đầu tiên, gia đình anh đã thắng lớn, không chỉ trả hết nợ mà còn thu lãi hơn 20 triệu đồng. Tích luỹ được chút vốn, cuối năm 2008, anh Sơn tiếp tục đầu tư thêm 1 giàn chuồng 32 ngăn, mua thêm 1.000 con chim cút về nuôi.
Vụ chim cút thứ 2, nhờ có kinh nghiệm, anh tiếp tục thu được những “quả ngọt”. Hai năm sau ngày khởi nghiệp, vợ chồng anh đã dành dụm đủ tiền để có thể “lên đời” chuồng trại cho chim cút, năm 2009, anh đóng chuồng sắt công nghiệp để nuôi chim và tăng số lượng lên 4.000 con. Nhờ đầu tư đúng hướng vụ thứ 3, trang trại nuôi chim cút đã cho anh thu về 100 triệu đồng.
Khi vốn đã “kha khá”, anh Sơn mở rộng đầu tư mua máy ấp trứng để chủ động cung cấp con giống và trứng chim cút lộn đang được thị trường ưa chuộng. “Cân đong đo đếm” kỹ lưỡng, anh mua 1 máy ấp trứng với giá 18 triệu đồng. Từ khi có máy ấp trứng, số lượng chim cút nuôi trong trang trại tăng lên hằng năm, năm 2011, trang trại của anh có 6 giàn chuồng sắt với số lượng 6.000 con.
Đang làm ăn “lên như diều gặp gió”, năm 2012, trang trại chim cút với trên 1 vạn con bị lây “đại dịch” tiêu chảy khiến anh Sơn định bỏ nghề do thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng, hết cả vốn liếng làm ăn.
Bài học đắt giá nhưng đồng thời cũng là kinh nghiệm quý báu do chưa làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch và điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt trong quy trình nuôi chim cút. Vợ chồng anh quyết gây dựng lại cơ nghiệp, vay mượn anh em, bạn bè được 80 triệu đồng gây lại đàn, vệ sinh chuồng trại, nhờ bác sĩ thú y tư vấn phòng chống dịch bệnh và thuốc uống.
Ngoài ra anh còn tìm tới các hộ gia đình nuôi chim cút ở các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi và phòng chống dịch bệnh... Nỗ lực cố gắng, năm 2013, anh đã “vực” được đàn chim cút. Hiện, gia đình anh đang nuôi hơn 2.000 con chim thịt. Do chủ động được giống, anh vừa bán chim giống bố mẹ vừa bán con giống…
Ngoài ra, mỗi ngày anh thu khoảng 1.500-2.000 quả trứng. Giá trứng chim cút trên thị trường hiện dao động từ 500-600 đồng/quả, bình quân mỗi tháng lợi nhuận đạt trên dưới 10 triệu đồng. Năm 2013, sau khi trừ chi phí, sửa sang chuồng trại, trả tiền vay vốn, anh Sơn thu về 40 triệu đồng tiền lãi.
Chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, anh Sơn hiện là một trong những gương thanh niên làm kinh tế chăn nuôi có hiệu quả của thành phố. Anh cũng rất nhiệt tình, xởi lởi tận tình hướng dẫn kinh nghiệm khi có người đến học hỏi mô hình nuôi chim cút. Không chỉ xông xáo trong làm ăn kinh tế, anh Sơn còn rất nhiệt huyết tham gia công tác xã hội. Anh được thanh niên trong xóm tín nhiệm bầu là Bí thư chi đoàn thôn Thượng, đại biểu HĐND xã Mỹ Xá.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Ô Môn, Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đang phát triển mô hình nuôi cá trê lai cho hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, các vùng nuôi tôm đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, trong khi các chi phí đầu vào, rủi ro dịch bệnh tăng cao khiến cho người nuôi tôm gặp khó khăn.

Do tình hình thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang nên chưa bao giờ, người chăn nuôi lại có lãi như hiện nay. Có ông chủ trang trại còn sướng rân khoe: Chỉ một năm trúng miếng như năm nay, đã bằng cả chục năm ngụp lặn với nghiệp trang trại

“Trúng mùa mất giá”, hay “đụng hàng dội chợ” là những điệp khúc mà người nông dân luôn phải đối mặt. Để né tranh diệp khúc này, nhiều nông dân trồng cây ăn trái đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách xử lý cho cây ra trái vụ nghịch, mục đích bán được giá cao và nông dân trồng chôm chôm java Nguyễn Văn Sum ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đã thành công trong việc xử lý cho cây chôm chôm ra trái vụ nghịch. Năng suất đạt trên 6 tấn thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Sáng 6/6, Hội đồng khoa học tỉnh Phú Yên tổ chức xét duyệt và thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và quy trình quản lý sản phẩm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ đại dương Phú Yên” (PHUYEN TUNA)”.