Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nuôi Ba Ba Gai

Làm Giàu Từ Nuôi Ba Ba Gai
Ngày đăng: 14/12/2013

Với nghị lực và quyết tâm, anh Hà Trung Hòa, tổ dân phố Tân Mới, phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên) đã biến chiếc ao chỉ vẻn vẹn vài trăm mét vuông của gia đình ao nuôi ba ba gai mở hướng làm giàu

Gia đình anh Hà Trung Hòa đã nuôi ba ba gai được gần 10 năm nay. Trước kia, anh là công nhân xây dựng, làm lụng vất vả mà cũng chỉ đủ ăn nên anh luôn muốn tìm một con đường khác để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cơ may đến khi một lần lên Sơn La thăm họ hàng, anh thấy mô hình nuôi ba ba gai ở Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều lần qua lại, tiếp xúc với các gia đình nuôi ba ba gai, anh được tận mắt chứng kiến họ thoát nghèo, làm giàu. Đi sâu tìm hiểu nghề nuôi ba ba gai, anh thấy ba ba gai có nhiều ưu điểm như: Có trọng lượng lớn, sau 2 năm ba ba đạt trọng lượng từ 3 đến 5 kg, gần gấp đôi so với nuôi ba ba thường.

Chất lượng thịt ngon, thơm hơn các loại ba ba thông thường nên bán rất được giá... Anh nghĩ, gia đình mình cũng có thể nuôi ba ba gai được vì đã có sẵn ao; trên địa bàn lại có nhiều trang trại gà có thể mua được gà thải loại với giá rẻ để làm thức ăn cho ba ba.

Thế là ý tưởng nuôi ba ba gai nhen nhóm trong anh từ đó. Anh vừa làm, vừa học, lại tìm hiểu thêm qua sách báo, dần dần vốn kiến thức, kinh nghiệm về nuôi ba ba gai được anh tích lũy ngày càng nhiều. Khi đã có trong tay số vốn kỹ thuật kha khá, đến năm 2005, anh và gia đình quyết tâm vay mượn 150 triệu đồng để bắt tay vào cải tạo chiếc ao diện tích 800m2 của gia đình phù hợp với nuôi ba ba gai. Anh cũng mua được từ Sơn La 10 con ba ba mẹ, 7 ba ba bố và 100 ba ba gai thương phẩm để nuôi trong ao này.

Anh Hòa cho biết: “Ba ba gai đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Trong đó, ao nuôi cần phải giữ yên tĩnh, không bị cớm rợp; bảo đảm nguồn nước sạch, dễ dàng thay nước và đáy ao rải cát mịn dày để ba ba có chỗ trú ẩn khi trời lạnh. Ngoài ra, còn phải tạo chỗ cho ba ba gai nghỉ ngơi, phơi nắng bằng cách xây 1-2 bậc thềm ở rìa ao, thả bè tre, bè gỗ để tạo chỗ cố định cho ba ba gai lên ăn.

Đối với con giống, cần nhất là phải chọn những con khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, dị tật và thả ba ba giống xuống ao nuôi vào thời điểm nhiệt độ thích hợp từ 22-32 độ C để ba ba sinh trưởng tốt. Thức ăn cho ba ba cũng luôn được gia đình anh chế biến tỉ mỉ. Thức ăn chủ yếu của ba ba gai là các loại cá tạp, ốc thì phải rửa sạch, đối với gà thải từ các trang trại, gia đình anh phải thui qua trước khi xay nhỏ, trộn với cá, ốc để cho ba ba ăn…

Bên cạnh đó, việc kiểm tra ba ba và ao nuôi thường xuyên cũng cần phải rất chú trọng. Anh tâm sự: Khời đầu từ vốn đi vay, nên gia đình anh rất lo lắng vì vậy rất cẩn trọng trong chăm sóc ba ba. Anh thường xuyên theo dõi và kiểm tra chặt chẽ môi trường nước, kịp thời xử lý khi xuất hiện triệu chứng bệnh mà ba ba hay gặp là bệnh nấm và ký sinh đơn bào. Chính vì vậy mà từ khi nuôi ba ba gai đến giờ, gia đình anh chưa để xảy ra dịch bệnh.

Kiên trì chăm sóc, đến năm 2008, lứa ba ba đầu tiên đạt trọng lượng từ 3 đến 3,5 kg. Gia đình anh xuất bán được gần 300 kg ba ba gai thương phẩm với tổng doanh thu gần 300 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình anh trả hết nợ, số tiền còn lại, anh tiếp tục đầu tư mua thêm ba ba gai. Anh Hòa cũng không cần đi làm công nhân nữa, mà chỉ tập trung nuôi ba ba gai cùng gia đình. Rồi cứ thế, mỗi năm anh mua thêm ba ba bố mẹ và ba ba gai thương phẩm. Toàn bộ số trứng ba ba đẻ ra, anh đều để lại nuôi.

Cứ thế, đến nay, trong ao của anh đã có 3 nghìn con ba ba gai thương phẩm gối nhau, trên 30 con ba ba cái đang đẻ và hơn 10 con đực. Tính ra, mỗi năm anh xuất bán được khoảng 300 con với trọng lượng khoảng 900kg. Với mức giá bán thời điểm năm 2013 là khoảng 800 nghìn đồng/kg, gia đình có doanh thu trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, gia đình để ra được khoảng trên 500 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi ra ao nuôi ba ba gai, anh Hòa bắt lên 1 con ba ba có trọng lượng khoảng 2 kg, anh giới thiệu, sở dĩ gọi là ba ba gai vì nó có gai rải rác ở mai và đường gân nổi rõ ở sống lưng, bả vai xù xì, có mấu ở vành mai gần cổ khác hẳn với ba ba trơn. Nhiều năm qua, gia đình anh chỉ cho ba ba ăn gà, cá tạp, không cho ăn cám công nghiệp nên chất lượng thịt rất thơm ngon, nên có uy tín với bạn hàng.

Anh duy trì mối bán hàng với khoảng 5 thương lái, vì vậy, ba ba gai của gia đình anh không khó về đầu ra. Nói về dự định của gia đình trong tương lai, anh cho biết, năm 2014 anh sẽ làm thêm 1 khu ao để nuôi thêm ba ba bố mẹ, đồng thời nuôi thêm ba ba thương phẩm để tiếp tục mở rộng số lượng đàn ba ba cho gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Vị Xuyên, Tín Hiệu Vui Từ Đề Án 50 Ha Cây Chanh Leo Vị Xuyên, Tín Hiệu Vui Từ Đề Án 50 Ha Cây Chanh Leo

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và Đề án phát triển 50 ha cây chanh leo của UBND huyện Vị Xuyên (tập trung tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc); sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây chanh leo mùa đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.

17/09/2014
Mô Hình Cải Tạo Vườn, Đồi Tạp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Cải Tạo Vườn, Đồi Tạp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Phát triển kinh tế vườn, đồi là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của thôn Nghè, xã Hương Sơn (Quang Bình). Những năm qua, thôn Nghè đã tập trung các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mô hình kinh tế vườn, đồi tạo bước chuyển biến đáng kể cho phát triển KT - XH ở địa phương.

17/09/2014
Sủng Thài Tìm Hướng Thoát Nghèo Sủng Thài Tìm Hướng Thoát Nghèo

Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

17/09/2014
Hiệu Quả Đề Án Phát Triển Chăn Nuôi Đại Gia Súc Gắn Thâm Canh Hiệu Quả Đề Án Phát Triển Chăn Nuôi Đại Gia Súc Gắn Thâm Canh

Với đặc thù là một tỉnh vùng cao, để phát huy lợi thế của từng vùng, tỉnh ta đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những chương trình kinh tế quan trọng và coi việc phát triển chăn nuôi là một trong những giải pháp hàng đầu để xóa đói giảm nghèo bền vững.

17/09/2014
Nghịch Lý Nhập Khẩu Hạt Giống Nghịch Lý Nhập Khẩu Hạt Giống

Là nước nông nghiệp, nhưng VN đang ồ ạt nhập khẩu các loại giống cây trồng, kể cả những giống cây chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất như cà chua, dưa chuột, đậu bắp... Đây là một nghịch lý và tác hại của nó thì hơn ai hết, chúng ta đã quá thấm thía.

17/09/2014