Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nghề Ương, Vèo Cua Giống

Làm Giàu Từ Nghề Ương, Vèo Cua Giống
Ngày đăng: 22/11/2014

Hơn 3 năm gắn bó với nghề ương, vèo cua giống, anh Đoàn Văn Tuyên đã tạo lập uy tín, khẳng định “thương hiệu” cho chính mình và Tổ hợp tác (THT) ương, vèo cua giống ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn.

Anh Tuyên cho biết, anh có người em làm thử nghiệm mô hình này, thấy khá hiệu quả nên anh tận dụng khu đất bỏ trống trước nhà làm thử 3 hầm.

“Thời điểm năm 2011, ít ai làm nên phải tự gỡ khó. Mà sợ nhất là đầu ra. Tôi nhớ hồi làm phải bán 5 chỉ vàng, cộng thêm trong tay 30 triệu đồng tiền mặt. Mấy vụ đầu có trúng có thất, đến lúc thất liên tiếp 6 tháng sau chỉ còn có 3 triệu đồng. Tôi buồn dữ lắm, nghĩ bụng chắc bỏ nghề, không làm nữa. Rồi nói với vợ con, hết 3 triệu đồng này tôi bỏ luôn. Vậy mà hên, chỉ từ 3 triệu đồng mà thắng cả vụ đó. Tôi mới đúc rút kinh nghiệm, tuân thủ theo cách đó, thả dần tới giờ luôn”, anh Tuyên cười kể lại.

Từ 3 hầm và 3 triệu đồng, hơn 3 năm sau đó, anh đã nhân rộng lên đến 30 hầm, với thu nhập mỗi tháng 2 vụ, trừ các khoản chi phí anh lời từ 10-15 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ, đến nay tỷ lệ thất chỉ khoảng từ 3-4% là do sơ suất khâu chọn giống ban đầu. Thế nên anh phải luôn học hỏi kinh nghiệm từ những lần đi bắt giống, rồi chịu khó đi tham quan các mô hình ở xã, huyện, tỉnh khác có cùng đặc điểm thổ nhưỡng với quê mình để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm hướng khắc phục và hạn chế tối đa sự thất thoát giống thả ương, vèo. Ðược tính nhiệt tình, anh biết những gì đều chỉ hết cho bạn bè: từ tư vấn chọn giống, kỹ thuật ương, vèo, đến giới thiệu đầu ra…

Ban đầu một vài hộ làm rải rác, rồi người này chỉ cho người kia, sau cả xóm biết và cùng thực hiện mô hình làm ăn ít vốn, sinh lợi cao này. Xét thấy mô hình đã tập hợp được nhiều lao động nhàn rỗi, tận dụng những khu đất trống xung quanh nhà (vùng đất nước mặn không trồng cấy được) tăng thu nhập cùng với vuông tôm, Hội Nông dân xã vận động bà con nông dân làm hiệu quả vào THT để được cơ quan chức năng hỗ trợ đưa khoa học - kỹ thuật và vốn phát triển kinh tế tập thể. Tháng 7/2012, THT ương, vèo cua giống ấp Cái Trăng hình thành, anh Tuyên được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.

Khi đã vào THT, tổ viên được trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ đầu vào, đầu ra; nhưng từ thực tế đời sống, anh Tuyên nghĩ đến việc đôi lúc anh em cần đồng vốn, nên anh họp bàn và xin ý kiến tổ viên lập quỹ xoay vòng vốn. Mỗi tháng góp 500.000 đồng/người, xét ai khó khăn nhất thì cho mượn, vay, nếu nhiều tổ viên có nhu cầu thì bắt thăm. Mục đích là tạo đồng vốn ban đầu cho họ và sẽ hoàn vốn sau vụ thu hoạch. Chính nhờ cách làm hay này mà 16 tổ viên trong THT đã duy trì quỹ hằng tháng 8 triệu đồng để hỗ trợ 1 tổ viên phát triển mô hình.

Anh Tuyên cho hay, tổ họp định kỳ vào ngày 10 âm lịch hằng tháng để tham khảo kiểu cách làm, hỗ trợ vốn và đánh giá tình hình, sức sống con giống. Những dịp trung tâm dạy nghề mở lớp tập huấn, THT cử tổ viên theo học, sau đó về hướng dẫn lại. Các tổ viên không áp dụng các phương pháp dùng thuốc mà sản xuất dựa trên kinh nghiệm dân gian trúng và đạt hơn, chính điều này đã xây dựng được thương hiệu cua Năm Căn.

“Có những thời điểm hút hàng, không đủ cung, nhiều lái ở các địa phương khác như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… phải “nằm vùng” tại nhà tổ viên để đợi đến đợt ra cua và thu mua hết”, anh Tuyên phấn khởi cho hay.

Ðến nay, trung bình mỗi tổ viên có từ 25-45 hầm ương, vèo, cho ra sản phẩm từ 100.000-200.000 con/tháng. Với giá bán khoảng 600 đồng/con đã góp thêm thu nhập và ổn định cuộc sống. 16 tổ viên THT không có tổ viên nghèo hoặc cận nghèo. Riêng gia đình anh Tuyên, nếu 3 năm trước thu nhập chính là nuôi tôm, có lúc bấp bênh, thì giờ đây, với 30 hầm ương, vèo cua giống đã giúp kinh tế gia đình anh tăng vọt, ổn định và bền vững hơn. Với tổng diện tích 2,2 ha, chủ yếu nuôi tôm, cua, sò và 30 hầm ương, vèo cua giống, thu nhập gia đình anh Tuyên mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

Ông Ðoàn Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Rồng, nhận định: “Ði đầu phát triển kinh tế tự thân, anh Hai Tuyên không chỉ hỗ trợ tổ viên cùng anh làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình trong ấp vươn lên thoát nghèo. Cái hay khi ở vai trò tổ trưởng như anh là đề ra tiêu chí cho tổ viên là phải phát triển cùng có lợi và uy tín đặt lên hàng đầu. Anh Tuyên xứng đáng với danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 3 năm liền và được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu cấp tỉnh năm 2014”

Nguồn bài viết: http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=34596


Có thể bạn quan tâm

Bốn Mùa Bơ Bốn Mùa Bơ

Có chút ngạc nhiên lẫn thú vị cho những người yêu cây trái khi biết rằng cây bơ trên đất Lâm Đồng ra quả hầu như quanh năm và thực ra trồng bơ cũng rất kinh tế không kém so với nhiều loại cây trồng khác.

07/05/2013
Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát

Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.

18/07/2013
Lao Đao Vì Tôm Dịch Bệnh Lao Đao Vì Tôm Dịch Bệnh

Nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã từng là nghề hái ra tiền đối với một bộ phận người dân nơi đây. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cũng chính con tôm lại đang đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay, nợ nần khi liên tiếp xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt.

18/07/2013
Cung Vượt Cầu - Giá Dưa Hấu Giảm Mạnh Cung Vượt Cầu - Giá Dưa Hấu Giảm Mạnh

Hơn 3 tuần qua, dưa hấu tại Tiền Giang đã mất giá tới 7.000 - 8.000 đồng/kg, từ mức khá cao là 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người trồng dưa vô cùng lo lắng vì khó tiêu thụ và đối diện với nguy cơ thua lỗ.

08/05/2013
Toàn Tỉnh Có 19,5 Ha Tôm Nuôi Bị Nhiễm Bệnh Ở Bình Định Toàn Tỉnh Có 19,5 Ha Tôm Nuôi Bị Nhiễm Bệnh Ở Bình Định

Theo Sở NN - PTNT tỉnh Bình Định, hiện các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 1.560 ha mặt nước, chiếm 71% diện tích hiện có, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, môi trường nuôi bị ô nhiễm, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức nên nhiều vùng nuôi tôm đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.

08/05/2013