Làm Giàu Từ Nấm Linh Chi

Qua nhiều năm trồng các loại cây như cao su, điều… anh Mai Ngọc Thủy ở xã Long Bình (Bù Gia Mập) quyết định chuyển sang trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu ở Bình Phước rất ít người trồng được. Sau 2 năm gầy dựng anh Thủy sở hữu trang trại trồng nấm linh chi thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Thủy cho biết: “Tháng 8-2012, sau khi được một người thầy ở Bình Dương truyền nghề, tôi bắt đầu mê những tai nấm màu đỏ. Tôi nghĩ tại sao mình không mở một trại trồng nấm trên đất Bình Phước?”. Nghĩ là làm, anh thuê đất tại xã Phước Tín (TX. Phước Long) dựng trại trồng nấm.
Ban đầu chưa có nhiều vốn, anh làm mô hình nhỏ với 40 ngàn bịch phôi nấm linh chi. Lứa đầu, nấm ra đạt hơn 90%, anh thu hơn 6 tạ nấm khô trị giá hơn 300 triệu đồng.
Thành công, anh Thủy quyết định vay vốn ngân hàng để mở rộng trang trại trồng nấm với chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, gồm 3 trại nấm, một lò hấp khử trùng và một lò cấy mô.
Chuyển về địa điểm mới rộng hơn, hiện trang trại của anh có hơn 170 ngàn bịch phôi. Thời điểm này, 2 trại vừa cho thu hoạch, những bịch phôi cũ được tháo xuống chất thành đống, bán lại cho những trại trồng nấm ăn. Trại lớn có hơn 100 ngàn bịch phôi, đang chuẩn bị cho ra nấm.
Anh Thủy cho biết thêm, để có lứa nấm thành công thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu trồng nấm phải là mùn cưa cao su, vì gỗ cao su mềm rất hợp để nấm phát triển. Trước khi đưa mùn cưa vào bịch phải qua xử lý vôi và phân DAP. Sau đó, đóng vào bịch ni-lon trọng lượng 1kg và dùng nắp nhựa đậy kín. Để có mùn cưa trồng nấm anh Thủy đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất gỗ ở tỉnh Bình Dương.
Sau khi đóng gói nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp khử trùng. Những bịch mùn cưa được hấp trong 12 giờ với nhiệt độ khoảng 100oC. Sau đó đưa ra, chờ nguội hẳn mới cấy mô. Cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc. Nấm đậu hay không có thể biết được sau một tuần theo dõi.
Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi. Bịch đạt yêu cầu thì những tơ nấm phát triển từ từ. Loại nấm này ưa ẩm, sau 1,5 tháng bắt đầu tưới nước, một ngày tưới khoảng 5 phút buổi sáng và 5 phút buổi chiều khi tắt nắng, không tưới trực tiếp lên tai nấm mà phải sử dụng hệ thống phun sương. Nấm trồng hơn 3 tháng cho thu hoạch.
Với 100 ngàn bịch phôi, anh Thủy thu hơn 3 tấn nấm tươi. Nấm tươi được phơi dưới ánh nắng trực tiếp 2 ngày có thể bán giá sỉ (600 ngàn đồng/kg). Sản phẩm làm ra đều được bán cho các công ty dược tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo anh Thủy: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng thì khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi.
Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”.
Hiện trên địa bàn tỉnh, anh Thủy là người duy nhất làm được tất cả các khâu từ chuẩn bị tới khi thu hoạch với quy mô lớn. Một số trại nhỏ thường xuyên mua lại những bịch phôi do anh cấy ghép về trồng. Trại nấm của gia đình anh Thủy mỗi năm cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Theo các tài liệu về khoa học đông y, các hoạt chất trong nấm linh chi có công dụng: Hỗ trợ điều trị hiệu quả các chứng bệnh như: Gút (gout), thiểu năng tuần hoàn não, huyết áp, mỡ máu, suy nhược thần kinh, gan, thận, giảm quá trình lão hóa của cơ thể, các bệnh về khớp ở người cao tuổi, xơ cứng động mạch, tiểu đường; giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng đỡ thể trạng, bồi bổ cơ thể, đặc biệt thành phần polysarccharides trong nấm linh chi có tác dụng khống chế sự phát triển của các tế bào bất thường (tác nhân gây ung thư, bướu) nên còn được sử dụng trong việc ngăn ngừa ung thư, ung bướu và hỗ trợ điều trị sau hóa trị, xạ trị...
Có thể bạn quan tâm

Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.

Sáng qua (8/9), tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cu Ba – bà Maria Del Carmen Concepcion Gonzalez, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Chuối Laba còn gọi là chuối tiến vua, chuối Dạ hương, ruột vàng có vị ngọt thanh, thơm dẻo rất đặc trưng, khi chín không có vị chua, nhão như các loại chuối thông thường, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) công nhận là mặt hàng đặc sản của Đà Lạt – Lâm Đồng.