Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nấm

Làm Giàu Từ Nấm
Ngày đăng: 04/03/2014

Sau nhiều trăn trở, thạc sĩ Văn Tiến Hựu quyết định nghỉ việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, chuyển sang nghề trồng nấm, làm giàu cho bản thân và gia đình.

Trước đây, anh Văn Tiến Hựu học Trường đại học Nông lâm Huế, ra trường làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Thu nhập thấp so với nhu cầu trang trải cuộc sống, vậy nên bất chấp sự ngăn cản của gia đình và những khó khăn phía trước, anh quyết định bỏ việc, theo nghề trồng nấm.

Tháng 11/2013, bằng nguồn vốn tự thân cộng với vay mượn người thân được hơn 200 triệu đồng, anh thuê đất của Hợp tác xã Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), xây dựng khu nhà xưởng 500m2, nằm trên trục đường chính của xã. Trên diện tích đó, anh trồng được hơn 14.000 cây nấm các loại, như nấm sò trắng, nấm sò tím, mộc nhĩ trắng, mộc nhĩ đen.

Khó khăn lớn nhất là vốn, chủ yếu là tự cấp tự chi. “Trồng nấm đòi hỏi phải có nguồn vốn khá lớn, nhưng vay mượn thì cũng không được nhiều nên mới chỉ dám sản xuất nấm quy mô nhỏ”, anh Hựu chia sẻ.

Tuy nhiên, với thời gian làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong hơn 7 năm, anh Hựu cũng có những hiểu biết về ươm trồng nấm và đây là thuận lợi của anh. Sau hơn ba tháng lao động, anh cùng người thân sản xuất được hơn 6.000 cây nấm các loại bán ra thị trường. Thành công bước đầu tiếp thêm nghị lực cho anh cố gắng phát triển khu xưởng nấm của mình. Hiện tại, trang trại của anh có 4.000 bịch nấm đang được cấy, 4.000 bịch nấm đang ươm và 6.000 bịch nấm đang chờ thu hoạch.

Mỗi ngày, anh cùng các nhân viên sản xuất được từ 25 - 30kg nấm để bán. Nấm do anh Hựu sản xuất chủ yếu để làm thực phẩm, bỏ tại các chợ đầu mối hoặc người buôn đến lấy tận nơi. “Giá cả nấm cũng tùy theo thị trường, ngày cao ngày thấp. Bình quân 30 ngàn đồng/1 kg nấm, vào các ngày rằm, mồng một (ÂL) thì tăng vọt lên 70 ngàn đồng/1 kg. Cũng có khi lại xuống còn 15 ngàn đồng/1 kg”, anh Hựu cho hay.

Anh Dương Viết Viên, cán bộ kỹ thuật của khu xưởng nấm cho biết: “Trồng nấm đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chăm sóc cẩn thận trong từng công đoạn, đòi hỏi người làm phải siêng năng, chịu khó”. Trồng nấm có rất nhiều khâu, từ chọn mùn cưa cho đến đóng bịch. Ban đầu, ủ mùn cưa 20 ngày, rồi cho nấm đã ủ vào lò hấp hơi nước khoảng 13 giờ đồng hồ, mỗi lần hấp được 1.000 bịch, sau đó cấy vào bịch để khoảng 20 ngày.

Tiếp đó là khâu treo các bịch lên, để từ 5-7 ngày. Như vậy để có nấm thu hoạch thì phải mất từ 45-47 ngày. “Trong quá trình ươm trồng, phải chú ý kiểm tra hằng ngày, nhất là ở khâu ủ, vì đây là khâu dễ nhiễm bệnh. Phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, không quá nóng cũng không quá lạnh, từ 20 – 28 độ C là nhiệt độ tốt nhất cho nấm phát triển”, anh Hựu cho hay.

Anh Hựu cùng các đồng nghiệp đang có dự định sẽ ươm trồng thêm nấm linh chi, mở rộng quy mô. Với việc trồng nấm, anh Văn Tiến Hựu không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn góp phần vào giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

Nhìn trang trại của anh, chúng tôi thầm cảm phục trước ý chí của một thạc sĩ trẻ. Hy vọng xưởng nấm của anh sẽ phát triển hơn nữa và sẽ ngày càng có nhiều người biết đến trang trại của anh hơn.


Có thể bạn quan tâm

Trồng keo lá tràm, thu bạc tỷ mỗi năm Trồng keo lá tràm, thu bạc tỷ mỗi năm

Người dân thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đều biết ông Trương “trồng rừng” - người tiên phong khai phá hàng chục ha đất rừng trên đập Đồng Nghệ để trồng keo lá tràm và thu về bạc tỷ mỗi năm.

22/12/2015
Xoài cát Hòa Lộc đạt chuẩn chất lượng VietGAP Xoài cát Hòa Lộc đạt chuẩn chất lượng VietGAP

Vừa qua, Hợp tác xã Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kết hợp với Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.

22/12/2015
Nông dân Nam Đông làm giàu Nông dân Nam Đông làm giàu

Năng động, biết tận dụng lợi thế đất đai để trồng rừng, chăn nuôi, nhiều ND ở huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế đã làm giàu trên chính quê hương của mình.

22/12/2015
Đổi đời nhờ nuôi bò sữa Đổi đời nhờ nuôi bò sữa

“Trước năm 2002, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm nên đến nay, gia đình tôi có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm”.

23/12/2015
Đi lên từ hai bàn tay trắng Đi lên từ hai bàn tay trắng

Với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp bán trứng, nuôi cá rô phi, cá tràu (cá quả) mỗi năm gia đình anh Lê Công Nhược (56 tuổi) có thu nhập vài trăm triệu đồng.

23/12/2015