Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm giầu từ mô hình nuôi vịt trời thương phẩm

Làm giầu từ mô hình nuôi vịt trời thương phẩm
Ngày đăng: 05/11/2015

Chăn nuôi vịt trời ở ao đầm hộ gia đình chị Vũ Thị Huyền (tổ 1, khu 1, phường Tuần Châu).

Đến tổ 1, khu 1, phường Tuần Châu, TP Hạ Long, hỏi chị Huyền nuôi vịt trời, ai cũng biết.

Năm 2007 gia đình chị Huyền lập trang trại tận dụng diện tích mặt hồ chăn thả gà, vịt, ngan...

theo mô hình VAC.

Chị kể: “Đây là khu vực có nhiều ao đầm, lại gần biển, thế nên vào dịp mùa đông, vịt trời thường về tránh rét, đẻ trứng rất nhiều.

Năm 2013, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nhiều mô hình nuôi vịt trời thành công, đem lại giá trị kinh tế cao.

Vốn có kinh nghiệm gần 10 năm chăn nuôi, tôi cũng rất ham mê.

Ban đầu, tôi cùng người nhà nhiều lần bẫy vịt trời, bắt vịt con về nuôi, chăm sóc cẩn thận để thuần chủng, nhân giống.

Thế nhưng một điều lạ là tất cả vịt trời to hay nhỏ nuôi nhốt đều không ăn uống, tự chết trong vòng 2 - 3 ngày…”.

“Cái duyên” nuôi loài vật này đến với chị rất tình cờ khi được hàng xóm cho một ổ trứng nhặt được trên đường đi làm sớm.

Sau khi đi tìm hiểu, học hỏi kỹ kinh nghiệm nuôi vịt trời ở Hoành Bồ, Bắc Giang... chị quyết định tìm nhặt hoặc mua lại các ổ trứng vịt trời người dân nhặt được.

“Thấy tôi bỏ tiền mua trứng vịt trời, nhiều người can, có người cho rằng tôi gàn vì có ai nuôi “vịt trời” cơ chứ!”.

Sau khi gom được 70 quả trứng, sẵn lồng ấp gà, chị Huyền cho trứng vào ấp.

Sau 28 ngày ấp, trứng vịt nở, cho ra 42 con vịt trời lông vàng trong niềm vui khôn xiết của chị.

Thời gian đầu chị cho vịt ăn cám.

Sau 20 ngày, vịt được cho ăn ngô, thóc, cám kết hợp với rau, bèo, cây chuối...

Vịt ăn rất khoẻ, ít bệnh, sinh trưởng nhanh.

Trong thời gian 3 tháng đầu, sợ vịt bay mất, gia đình giăng lưới trên ao nuôi đề phòng.

Bước ngoặt chỉ đến khi một dịp mưa bão, nước dâng ngập hết chuồng trại.

Sợ vịt mắc kẹt trong lưới mà chết, chị quyết định dỡ lưới.

Ngay sau khi gỡ lưới, cả đàn vịt hàng chục con đồng loạt vỗ cánh bay lên trời trước sự ngỡ ngàng của chị và gia đình.

Chị Huyền kể: “Tôi bàng hoàng nhìn đàn vịt bay lượn vài vòng quanh đầm rồi... mất dạng.

Phút chốc công lao chăm sóc cả năm qua, số vốn gần 50 triệu đồng của gia đình bỗng như bay vèo lên... trời! Tôi đứng ngóng thẫn thờ hàng tiếng đồng hồ”.

Tưởng đã toi công, điều đáng ngạc nhiên là khi chiều về đàn vịt lại bay trở về đúng vị trí cũ, không thiếu con nào.

Sau vài lần như vậy, chị quyết định tháo gỡ hết lưới giăng trên mặt ao, nuôi vịt theo cách chăn thả bán tự nhiên.

Đều đặn mỗi sáng, sau khi cho vịt ăn, chị lại thả cho vịt bay quanh khu vực ao đầm tìm kiếm thức ăn.

Chị còn thả nuôi thêm nhiều loại cá, nuôi thêm bèo, trồng thêm rau chuối ven bờ đầm.

Nhờ nguồn thức ăn phong phú, đàn vịt của chị nhanh chóng đạt trọng lượng 1 - 1,5kg sau 7 - 8 tháng nuôi.

“- Vịt được nuôi theo hình thức bán tự nhiên, chăn thả ra môi trường tự nhiên, lặn ngụp kiếm cá tôm, bay cùng đàn tìm kiếm thức ăn...

nên thịt vịt rất chắc, dai, ngọt.

Thịt vịt trời mềm, có màu đỏ tươi, thơm ngon; đặc biệt vịt trời không có vị “hoi”, tanh như vịt thường…” - chị Huyền nói.

Tin tưởng vào kinh nghiệm thu được, chị nuôi vịt trời đẻ, gom trứng vào ấp nhân giống.

Đối với vịt sau 3 tháng tuổi, để hạn chế vịt bay mất, chị tiến hành cắt một phần lông cánh, cho ăn đều đặn theo lịch.

Sau khi được thuần, chị mới gỡ lưới, cho vịt bơi, bay tự nhiên cùng đàn tìm thức ăn.

Bằng cách làm này, sau hơn 2 năm, hiện chị đã có đàn vịt trên 500 con, trong đó có trên 200 con vịt thương phẩm có thể xuất bán.

Với giá bán vịt thương phẩm 400.000 - 500.000 đồng/con, trung bình mỗi tháng chị xuất bán khoảng 60 - 70 con; khoảng 100 quả trứng và vịt giống 20 ngày tuổi.

Thu nhập gia đình chị trung bình trên 40 triệu đồng/tháng.

Từ nguồn vốn trên, gia đình mở rộng chăn nuôi, thuê đầm rộng 7ha, tiến hành ấp trứng tạo giống để nuôi và bán.

Hiện mô hình này rất khả quan, thương lái tới tận nơi mua.

Giống vịt cũng được bán cho nhiều người nuôi ở Hải Phòng, Đông Triều, Hoành Bồ...

Thấy công việc kinh doanh tốt, nên gia đình còn mở nhà hàng chế biến các món ăn từ vịt trời nữa.

Được biết, liên tục những năm gần đây, chị Huyền luôn được TP Hạ Long khen thưởng bởi thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi...


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Trong Rừng Ngập Mặn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Trong Rừng Ngập Mặn

Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) đã được chấp thuận đầu tư dự án nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Cần Giờ (TP.HCM).

26/04/2012
Nông Sản Sạch Vẫn Bí Đầu Ra Nông Sản Sạch Vẫn Bí Đầu Ra

Hiện nay, một số hộ nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia GAP đang muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống, bởi một lý do khá đơn giản: Sản phẩm GAP chưa được thị trường thừa nhận.

01/05/2012
Thí Điểm Một Số Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Hội An Thí Điểm Một Số Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Hội An

Phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, hiện đơn vị đang triển khai thí điểm một số mô hình nuôi trồng thủy sản mới như: nuôi cá thác lác cườm ở Cẩm Kim, nuôi cua trong ao đất ở Cẩm Thanh, nuôi tôm càng xanh ở Thanh Hà. Đơn vị cũng vừa du nhập thêm một số giống hoa mới để tổ chức nhân giống phục vụ nông dân sản xuất hoa cây cảnh. Được biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Hội An trong quý 1/2012 đạt hơn 39 tấn, hơn 10% kế hoạch.

01/05/2012
Tôm Thẻ Chân Trắng Mắc Tôm Thẻ Chân Trắng Mắc "Bệnh Lạ" Ở Nghệ An

Những ngày qua, việc tôm thẻ chân trắng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bệnh lạ đang là đề tài thời sự, khiến hàng trăm hộ nuôi tôm tại tỉnh Nghệ An phân tâm và lo lắng.

01/05/2012
Tiêu Trúng Giá, Cà Phê - Điều Trầm Lắng Tiêu Trúng Giá, Cà Phê - Điều Trầm Lắng

Quý I/2012 trôi qua với đầy sóng gió cho hàng loạt mặt hàng nông sản XK của nước ta, đặc biệt là mặt hàng điều và cà phê. Duy nhất chỉ hồ tiêu vẫn giữ được “phong độ” khi giá bán ngay từ đầu niên vụ mới 2012 đã cao gấp 30% so với cùng kỳ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

02/05/2012