Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Vịt Khép Kín

Ông Hồ Văn Ngọ, ở thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu, Ninh Phước - Ninh Thuận) được người dân trong xã nhắc tới bằng cái tên “vua vịt” bởi mỗi năm, ông thu về hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình nuôi vịt khép kín: Nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp trứng, bán vịt con...
Ông Ngọ cho biết mình đã mở lò ấp trứng được 14 năm nay. Trước đó, để có trứng ấp ông phải đi mua ở các hộ nuôi vịt trong tỉnh. Ông Ngọ nhớ lại: “Hồi đó không có lò ấp mà chỉ có cái bồ quây tròn, sau đó dùng trấu hoặc rơm lúa để ủ. Làm theo phương pháp truyền thống và thủ công ấy nên tỷ lệ nở của trứng rất thấp, công sức bỏ ra thì nhiều mà lợi nhuận lại không được bao nhiêu”.
Thời điểm năm 1999, do có một số bạn bè ở Bình Định phát triển thành công mô hình nuôi vịt khép kín, nên ông đã lặn lội ra đó để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tự tìm tòi qua sách vở các kiến thức về kỹ thuật nuôi vịt đẻ và quá trình ấp trứng công nghiệp. Tới năm 2000, ông đã quyết định đầu tư lò ấp, nuôi đàn vịt lấy trứng ấp nở để bán con giống và duy trì từ đó tới nay.
Bắt tay vào công việc, ông đầu tư 40 triệu đồng để cải tạo gian nhà trống làm nơi đặt hệ thống lò ấp, đồng thời gây đàn mới với 700 con vịt lấy trứng. Sau 5 tháng gây đàn, vịt bắt đầu đẻ những quả trứng đầu tiên. Ông Ngọ chọn lựa những trứng đạt nhất để cho ấp thành vịt con; số trứng còn lại bán dạng trứng ngang hoặc trứng lộn để ăn. Nhờ vậy, lò ấp của gia đình ông lúc nào cũng không sợ thiếu trứng. Tới nay, đàn vịt lên tới 1.200 con.
Dịp cao điểm, mỗi ngày đàn vịt đẻ 700 quả trứng, với giá bán mỗi quả là 2.000 đồng (đối với trứng ăn thông thường) và 3.000 đồng (đối với trứng lộn); số trứng đưa vào ấp thành con giống bán được khoảng 6.000 đồng/con. Sau khi trừ mọi chi phí, ông thu lãi gần 150 triệu đồng/năm.
Để đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao, ông Ngọ đặc biệt chú ý tới khâu vệ sinh phòng dịch. Đặc biệt, trước tình hình dịch cúm A/H5N1, ông thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Khi vịt con được 20 ngày tuổi, ông tiến hành tiêm vắc-xin đầy đủ trước khi xuất bán.
Ngoài ra, ông cũng chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ bằng cách cho vịt ăn thức ăn tổng hợp, chất lượng cao. Một ngày, đàn vịt tiêu thụ hết khoảng 2 tạ thức ăn tổng hợp. Cứ tới tháng 12 hàng năm, ông Ngọ lại tiến hành thay thế đàn vịt mới để sản lượng và chất lượng trứng được đảm bảo. Do đó, trứng và vịt con nhà ông Ngọ ra lò đến đâu đều được thương lái tin tưởng và tới tận nơi thu mua.
Ngoài việc nuôi vịt đẻ, ấp trứng, gia đình ông Ngọ còn trồng 9 sào lúa. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông Ngọ chia sẻ: “5 năm trong vai trò là chủ nhiệm Hợp tác xã Hoài Nhơn, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức chăn nuôi, sản xuất để từ đó ứng dụng vào việc phát triển kinh tế gia đình. Cùng với sự cần cù, nắm vững các kiến thức, kỹ thuật và vệ sinh phòng dịch chu đáo nên tôi có được thành công trong chăn nuôi như hiện tại.”
Có thể bạn quan tâm

Đại Lộc là nơi có diện tích trồng chuối thương phẩm lớn với 650ha. Trong đó, các địa phương như Đại Hòa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa sở hữu hàng trăm héc ta ruộng chuối. Bà Nguyễn Thị Lượm (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) than: “Rứa là hết, gần một mẫu chuối hờn và chuối tiêu hư rồi còn đâu. Mai mốt ni lấy chi bán để chợ búa hàng ngày, lo chuyện phải không. Ở phòng trọ tạm bợ không an toàn, đứa con gái út đang học tại Đà Nẵng về nhà tránh bão. Sau khi gió tan, hắn vội vã đi liền vì ở lại thì sợ nước lụt cô lập, ngày mai không tới trường học được. Tôi đưa cho con 500 nghìn đồng lo ăn ở, học hành. Tiền nớ đều nhờ chuối mà ra” - bà Lượm bần thần nói.

Vượt qua áp lực về chi phí tăng cao cũng như biến động của thời tiết, những ngày này ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt bám biển với vụ cá bắc. Ngành chức năng cũng đang triển khai các phương án trợ giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả trong mỗi chuyến biển.

Những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, sản xuất, ươm nuôi các loại cá giống từ truyền thống đến đặc sản, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật… phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Con số vựa thu mua thủy hải sản tại mỗi bến cảng chỉ một vài nhưng thú vị là các chủ vựa luôn được so sánh với một hình ảnh khá uy lực mà dân xứ biển dành riêng cho họ. Đó là những người hét ra lửa.