Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Trong Vèo

Anh Bùi Hoàng Bằng (34 tuổi) ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nuôi rắn cho thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm.
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi rắn của anh Bằng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì với việc nuôi rắn trong vèo không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí. Anh Bằng tâm sự: “Khi mới lập gia đình, ngoài làm công việc nhà nước còn muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi (thứ 7, chủ nhật) để tăng thêm thu nhập gia đình.
Đầu năm 2009, với việc đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại thả nuôi 150 thỏ con, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên thỏ bị dịch bệnh, việc chăn nuôi thất bại”. Không từ bỏ quyết tâm, cuối năm 2009, anh quyết định chuyển sang đầu tư nuôi rắn ri cá, ri voi cho kết quả khả quan.
Anh Bằng nhớ lại, ban đầu thấy bà con trong vùng đặt dớn có rắn con nên anh mua 50 con để nuôi thử nghiệm, năm đầu tiên thu nhập trên 30 triệu đồng. Thấy việc nuôi rắn có hiệu quả nên anh mở rộng mô hình.
Lựa chọn loài vật nuôi phù hợp và cách tính nhạy bén để phát triển kinh tế gia đình. Anh Bằng so sánh, nuôi rắn ri cá có lợi thế và lợi nhuận hơn rắn ri voi, chi phí đầu tư về con giống, thức ăn nhẹ hơn nhiều mà giá bán của 2 loại này chênh lệch không quá lớn.
Rắn ri voi thương phẩm loại lớn bán với giá 800.000 đồng/kg, 100.000 đồng/con (rắn giống), rắn ri cá 600.000 đồng/kg, 60.000 đồng/con. Đầu tư cho 1kg rắn ri cá khoảng 190.000-210.000 đồng/kg, rắn ri voi 420.000 đồng/kg.
Qua tìm hiểu các nguồn thông tin và học hỏi kinh nghiệm, anh quyết định đầu tư xây dựng nuôi rắn theo quy mô trang trại. Mô hình nuôi được thiết kế nuôi trong vèo lưới kết hợp với thả lục bình.
Anh Bằng chia sẻ: Nuôi rắn có nhiều cách nuôi, nhưng đối với việc xây dựng nuôi vèo lưới và thả lục bình sẽ giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả cao hơn. Một vèo khoảng 6m2, mật độ thả nuôi 17 con/m2, vèo được thiết kế bên trong bằng lưới cước mịn, bên ngoài lưới cước lỗ để tránh các loài cá lớn, cua, chuột… phá lưới, bên trong thả lục bình sẽ có tác dụng lọc nước, che mát cho rắn phát triển, xung quanh rào lưới B40.
Mỗi vèo cắm 6-8 cọc tre xung quanh, ao nuôi đặt cống để nước vô ra theo thủy triều. Còn đối với những vùng nguồn nước không tốt có thể nuôi không đặt ống cống mà 10-15 ngày xử lý nước bằng vôi bột, muối… tạt ao và giữ nước 3 ngày sau đó tháo nước ra. Với cách nuôi này sẽ tạo ra môi trường hoang dã và hạn chế dịch bệnh.
Theo anh Bằng, rắn ri cá là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt. Nguồn thức ăn đa dạng, nhu cầu thị trường nhiều và ổn định. Nuôi rắn đẻ 1 tuần cho ăn 1 lần, rắn thịt 3 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn từ nguồn cá tạp, cá rô phi, sặc, cá mè. Mỗi năm rắn đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 10-30 rắn con. Rắn giống nuôi từ 15-18 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,1-1,7 kg/con.
Đối với việc nuôi rắn sinh sản, từ tháng 5-6 âm lịch cho rắn giao phối, thả nuôi tỷ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái sẽ tránh tình trạng rắn đẻ non (không có con), chọn rắn bố mẹ trọng lượng từ 800-1.300 gram để cho sinh sản. Chọn giống nuôi phải đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn.
Từ chỗ nuôi đơn lẻ 50 con rắn ban đầu anh Bằng chuyển sang nuôi bầy đàn. Hiện anh có 15 vèo nuôi với tổng số trên 1.000 con, trong đó có 400 rắn bố mẹ. Mỗi năm anh xuất bán từ 6.000 rắn giống với giá 80.000-100.000 đồng/con (tùy theo trọng lượng) trừ chi phí thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng thu nhập cả trăm triệu đồng từ việc bán rắn thương phẩm.
Hiện tại, anh Bằng còn nhân rộng đàn rắn để tăng thu nhập kinh tế. Ngoài ra, hướng tới anh sẽ kết hợp nuôi nhiều con như ba ba, cua đinh, chồn trên cùng diện tích đất vườn.
Với việc tận dụng thời gian nhàn rỗi để nuôi rắn nhằm tăng thu nhập kinh tế, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và cuộc sống khấm khá hơn.
Có thể bạn quan tâm

Đây là một acid béo quan trọng đối với cơ thể con người, góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa các bệnh về tim mạch, làm giảm nồng độ triglycerides máu, hạ cholesterol, ngăn ngừa ung thư và bệnh tiểu đường...

Mặc dù có hàng trăm hộ dân có diện tích cà phê bị cháy lá do sương muối trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhưng gia đình anh Đỗ Xuân Khởi, Đội I, xã Chiềng Ban (Mai Sơn - Sơn La) vẫn làm ăn phát đạt khi rất nhiều người dân ở các xã trong huyện và các huyện lân cận tìm tới mua cây cam giống do anh lai ghép, chịu được sương muối và cho thu nhập kinh tế cao.

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã giúp nhiều hộ chăn nuôi của xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ và xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) giảm chi phí, rủi ro về bệnh dịch...

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, năm 2014 UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục cấm các hoạt động bẫy bắt tôm hùm con trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Không được học hành qua trường lớp nào nhưng ông Nguyễn Trí Công nổi tiếng là người đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin và du nhập tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài vào nghề chăn nuôi heo. Ông Công cũng là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.