Làm Giàu Từ Mía

Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Chương (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình nhờ trồng mía nguyên liệu mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Bám đất, bám rừng
Từng là cán bộ Phòng Kỹ thuật giống của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng các giống mía mới. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2003, anh Chương quyết định nghỉ việc ở Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa về làm kinh tế gia đình. Với những kinh nghiệm có được và nhờ sự chịu khó, anh Chương đã gây dựng kinh tế từ 2 ha đất của gia đình.
Mới đầu, anh đầu tư nuôi gà công nghiệp nhưng bị thua lỗ do dịch cúm gia cầm H5N1. Với chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương chuyển qua trồng mía nguyên liệu. Sau gần 10 năm chịu khó làm ăn, đến nay, anh đã có 22 ha đất trồng mía và 5 ha rừng trồng keo, bạch đàn, xà cừ. “Thời gian đầu, do thiếu vốn, thiếu phương tiện, máy móc, diện tích đất sản xuất nhỏ nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, nếu chịu khó làm ăn thì đất cũng không phụ công người nên quyết tâm bám đất, bám rừng”, anh Chương chia sẻ.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Chương say sưa nói về những giống mía mới và không quên giới thiệu cánh đồng mía bao la hai bên đường là công sức gây dựng gần chục năm qua của anh. Mỗi năm, thu nhập từ việc trồng mía nguyên liệu, sản xuất mía giống và trồng rừng, anh Chương lãi ròng từ 500 đến 600 triệu đồng. Nhờ làm kinh tế hiệu quả, anh Chương mạnh dạn đầu tư phương tiện máy móc sản xuất như: xe tải, máy xúc, máy cày... có giá trị hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, anh Chương còn trích lợi nhuận để mở rộng diện tích đất sản xuất, trung bình từ 2 đến 3 ha.
Tương trợ nhiều hộ dân
Nhận xét về mô hình kinh tế của anh Phạm Văn Chương, ông Phan Quốc Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho biết: “Từ khó khăn đi lên nên anh Phạm Văn Chương không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân tại địa phương. Ai có nhu cầu về vốn, giống mía hay cần giúp đỡ, anh đều sẵn lòng. Ngoài ra, anh còn tích cực đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân, hoạt động từ thiện”. Tại trang trại của anh Chương luôn có từ 20 đến 25 lao động thường xuyên; đặc biệt vào mùa cao điểm chăm sóc và thu hoạch mía, số lao động lên đến 35 người. Thu nhập trung bình của mỗi lao động hơn 3 triệu đồng/tháng.
Có kiến thức cơ bản về kỹ thuật, giống, lại được sự tin tưởng của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương được chọn là hộ trồng thí điểm những giống mía mới. Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm đó với các hộ trồng mía trong vùng nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về giống, máy móc để nâng cao năng suất. “Trước đây, các hộ trồng mía chỉ đạt năng suất khoảng 40 - 45 tấn/ha.
Sau khi ứng dụng những giống mía mới và các loại máy móc hiện đại, hiện nay, năng suất trung bình của mỗi héc-ta mía đạt 60 tấn”, anh bày tỏ. Anh Chương cũng dành khoảng 2 ha để sản xuất mía giống, giúp các hộ nông dân chủ động về nguồn giống trong sản xuất. Ngoài ra, vào thời kỳ xuống giống và thu hoạch mía, anh còn tận dụng những phương tiện, máy móc sản xuất của gia đình như: xe tải, máy cày... để làm dịch vụ vận chuyển cho các hộ nông dân trong vùng.
Không chỉ là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Chương còn được nhiều người dân quý mến vì sự đoàn kết, tương trợ các hộ nông dân khác. Nhìn cơ ngơi khang trang và hơn 20 ha mía đang vào mùa thu hoạch của anh Chương, nhiều người không khỏi thán phục vì sự quyết tâm và tính chịu thương, chịu khó của anh.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định và hướng tới mục tiêu cung cấp những sản phẩm chăn nuôi chất lượng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chủ động làm "cầu nối" để các cơ sở giết mổ và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm ký kết hợp tác với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP.

Trúng đậm phải kể đến tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ, chỉ một mẻ lưới đã thu hơn 5 tấn cá sòng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng, ngư dân đi bạn được chia 4 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh thả nuôi trên 70.000/89.000ha tôm, đạt gần 79% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp là 702ha, quảng canh cải tiến trên 13.740ha và tôm-lúa là 55.780ha.

Nắng nóng kéo dài, cùng với việc bất cẩn của người dân đã làm nhiều diện tích mía tại cánh đồng Ktung (xã Tơ Tung, Gia Lai) bị thiêu rụi.

Để giúp nông dân ở vùng ngập mặn thay thế vụ nuôi tôm sú trong mùa mưa - thường xuyên gặp rủi ro, thua lỗ, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh tổ chức thực hiện đề tài nuôi thực nghiệm “Luân canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm sú” tại địa bàn các huyện ven biển.